Tạo đột phá mới cho chuyển đổi số giáo dục

Thứ Sáu, 27/01/2023, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Được đánh giá là địa phương dẫn đầu trong chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, TP. Vũng Tàu đang tiếp tục xây dựng giải pháp căn cơ để tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới.

Dịch bệnh COVID-19 đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong GD-ĐT tại TP. Vũng Tàu để 100% HS dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Trong ảnh: Em Đặng Phương Linh, HS Trường TH Bùi Thị Xuân học trực tuyến trong thời gian dừng đến trường do dịch bệnh COVID-19.
Dịch bệnh COVID-19 đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong GD-ĐT tại TP. Vũng Tàu để 100% HS dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Trong ảnh: Em Đặng Phương Linh, HS Trường TH Bùi Thị Xuân học trực tuyến trong thời gian dừng đến trường do dịch bệnh COVID-19.

Dẫn đầu trong tuyển sinh, thanh toán trực tuyến

Nhìn lại những thành quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho hay, thời gian qua, ngành đã chủ động tham mưu tăng cường cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học. Đồng thời, triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực không dùng tiền mặt để thu các khoản tiền như: học phí, BHYT và các khoản phí khác. Tỷ lệ thanh toán các khoản chi sử dụng ngân sách Nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước không dùng tiền mặt đạt 99,9%. Trong dịch vụ công trực tuyến, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành giáo dục đạt 83%, vượt 38% so với chỉ tiêu.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý giáo dục, giảng dạy và hội họp trực tuyến, các cơ sở giáo dục đã sử dụng và khai thác phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống quản lý học sinh VnEdu của tỉnh có hiệu quả. Việc sử dụng hồ sơ điện tử, xét tốt nghiệp THCS, xếp thời khóa biểu trên phần mềm VNEdu trong công tác quản lý điều hành được tăng cường. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT thành phố là đơn vị tiên phong trong tuyển sinh trực tuyến và tập huấn sử dụng chữ ký số điện tử, hướng dẫn sử dụng chữ ký số trong phê duyệt giáo án, kế hoạch, bài giảng điện tử.

TP. Vũng Tàu là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục, đặc biệt là việc dẫn đầu trong cập nhật dữ liệu số các cấp học và tuyển sinh trực tuyến. “TP. Vũng Tàu đã bước qua giai đoạn khởi đầu và đến giai đoạn này cần phải đi nhanh hơn nữa. Mong rằng các thầy cô có cách đi, hướng tiếp cận mới trong giai đoạn “đi nhanh” này. Sở GD-ĐT cũng mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục để các nhà trường có đủ điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn tới”.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT

 

Nhận diện “chướng ngại”

Theo bà Hương, bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình thực hiện chuyển đổi số vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhất định. Một số đơn vị còn chưa đáp ứng được sự chuyển mình trong giáo dục, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa bảo đảm, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý giáo dục, dạy và học. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu trong giáo dục chưa đồng bộ, chưa hoàn toàn chuyển đổi tài liệu giấy qua văn bản điện tử. Kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số, còn nhiều hạn chế. Vẫn còn nhiều hệ thống phần mềm chưa được liên thông, đồng bộ, dẫn đến chồng chéo trong công tác quản lý, điều hành và khai thác dữ liệu.

Bên cạnh đó, một số ít cán bộ, GV chưa nhận thức đúng về lợi ích và tầm quan trọng của công nghệ số. Kỹ năng và kiến thức CNTT để thực hiện công tác chuyển đổi số của đội ngũ còn hạn chế. Đặc biệt, phải kể đến việc các dự án chuyển đổi số tốn nhiều chi phí, trong khi năng lực tài chính của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị ở vùng khó khăn còn nhiều hạn chế. Về mặt pháp lý, các quy định về quản lý dữ liệu giáo dục vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ, gây nên nhiều bất cập trong quá trình chuyển đổi số.

Bà Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, hiện nay, các nhà trường chưa có phòng học thông minh theo quy chuẩn, thiếu các thiết bị tương tác trực tuyến, chưa có phần mềm day học có bản quyền cũng như chưa có kho lưu trữ học liệu điện tử, nguồn học liệu còn hạn chế. Chưa kể đến việc GV chưa được đào tạo về thiết kế học liệu điện tử theo quy chuẩn, cũng như quản trị, sử dụng, bảo trì phòng học thông minh. Riêng bậc TH, HS còn nhỏ nên việc sử dụng các thiết bị công nghệ cần sự kèm cặp, hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô.

Hiểu một cách đơn giản thì chuyển đổi số trong giáo dục chính là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học, cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất”. Hiện tại, chuyển đổi số được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, trong quản lý và công nghệ trong lớp học.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu

 

Thay đổi nhận thức, hành động quyết liệt

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, để chuyển đổi số trong giáo dục “tăng tốc” trong thời gian tới, trước hết, mỗi cán bộ, GV, nhân viên của ngành giáo dục cần thay đổi nhận thức và hành động quyết liệt, trở thành là một đại sứ trong công cuộc chuyển đổi số. Cùng với đó, ngành giáo dục cần tiếp tục tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực số và an toàn thông tin cho toàn bộ đội ngũ và các em HS.

Theo ông Thuấn, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị máy tính, mạng internet trong phòng thực hành cho HS nhằm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường học tập, thực hành bộ môn Tin học và các môn khoa học STEM đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó bảo đảm 100% HS TH và THCS được học và thực hành Tin học trong phòng máy, góp phần chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong GD-ĐT. Thành phố cũng sẽ nâng cấp đường truyền,thực hiện kết nối giữa các đơn vị, các cấp quản lý, triển khai ứng dụng các giải pháp đồng bộ dữ liệu ngành và bảo đảm an toàn thông tin toàn thông tin.

Với mong muốn tạo “bản sắc riêng” cho giáo dục của địa phương, thành phố sẽ tập trung xây dựng mô hình trường học thông minh, thư viện thông minh. Trước mắt, thành phố sẽ tham quan, tìm hiểu và xây dựng đề án, lộ trình dự kiến để triển khai trường học thông minh thí điểm và từng bước nhân rộng.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
;
  • Phần mềm DMS winmap.vn Mở rộng điểm bán trong 30s
.