.

Một năm có đến… 5 mùa

Cập nhật: 20:02, 13/01/2023 (GMT+7)

Một năm có mấy mùa? Câu hỏi này, tưởng chừng ngớ ngẩn bởi ai cũng thừa biết tỏng, nhưng xin thưa, một năm… có 5 mùa đấy chứ. Bạn có thấy vào dịp cuối năm, trước khoảng thời gian đón Tết cổ truyền vẫn là… nhiều đám cưới được tổ chức? Đúng là thế. Không gì vui hơn khi chờ đợi năm hết Tết đến, thời tiết mát mẻ, mưa thuận gió hòa mà “lên xe hoa” thì tuyệt quá.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Thử hỏi, một trong những sự kiện quan trọng nhất của đời người là gì? Cho phép tôi, chọn lấy đám cưới. Ai cũng có một hoặc đôi lần được nghe người thân thiết chúc mừng “trăm năm hạnh phúc”. Và khi chuẩn bị cho sự kiện này, ai là người quan trọng nhất? Câu hỏi này bằng thừa, tất nhiên thiên hạ nhất trí đưa tay biểu quyết và đồng thanh: “Cô dâu - chú rể”. Câu trả lời này chính xác đến từng centimet.

Khổ nổi, có người lại không hiểu cho.

Mới đây, đám bạn bè tôi lo lắng giùm cho A vì nghĩ rằng, nếu không giải quyết ổn thỏa, không có sự đồng thuận của chủ hôn hai họ ắt “căng” lắm đây. Chú rể A và cô dâu B “xem xem” tuổi tác, “đôi bạn cùng tiến” từ thời đi học, lại yêu nhau gần chục năm trời. Vì thế, khi họ tuyên bố “như chim liền cánh, như cây liền cành”, ai nấy cũng đều tán thành. Ngày lành tháng tốt đã chọn xong. Tổ chức tại nhà hàng nào phù hợp khả năng tài chính cũng “gút” đâu vào đấy. Cả hai họ vui vẻ, hào hứng chờ đợi đến ngày khui sâm banh, đeo nhẫn cưới và nâng ly: “1, 2, 3 dzô!” rất oanh liệt, hoành tráng.

Bỗng đâu trước ngày đó, bên đàng gái sang nhà trai “thưa chuyện” do trước đây, có chuyện mà họ quên thỏa thuận.

Lâu nay, cứ theo như thông lệ, lúc tuyên bố lý do trước họ hàng, khách mời, bố của chú rể sẽ là người đại diện cho hai họ. Cứ thế mà làm, vậy tại sao nay bố của cô dâu lại có ý kiến khác? Vốn là người được phân công “phù rể” nên tôi mới rõ nội tình. Đại khái, so về tuổi tác, bố chú rể chỉ bằng… tuổi con trai lớn của bố cô dâu. Vì thế, bạn bè của sui gia hai bên cũng khác nhau về độ tuổi. Thế mà, đám cưới này bố của chú rể lại được hiên ngang, dõng dạc bước trên sân khấu tuôn lời vàng ngọc “có đôi lời thưa cùng hai họ”, coi sao đặng? Có thể thay đổi “quy trình” có được không?

Bên nào cũng đưa ra cái lý do to đùng đoàng, bất phân thắng bại. Bên đàng trai bảo, lần đầu tiên cưới vợ cho con, không chỉ con trai trưởng mà con cháu đích tôn của dòng tộc nữa. Quan trọng lắm. Ngược lại, ông bố cô dâu nại cớ mình lớn tuổi là chuyện không bàn đến nhưng bạn bè, đối tác của ông ta thì sao? Tóm lại, ai lớn tuổi hơn phải là người được quyền “phát ngôn chính thức” nhân ngày trọng đại của “hai trẻ”.

Rắc rối chính là chỗ đó.

Đã cận ngày lắm rồi, cả A và B rối như mớ bòng bong. Với họ, những bàn luận ấy chỉ tiểu tiết, không quan trọng nhưng phận làm con thì nào dám có ý kiến. Cuối cùng, tình hình căng thẳng được “hạ nhiệt” êm thắm chẳng phải viện đến lý sự, lý luận gì sất. Nhờ vào đâu? Chỉ bằng những giọt nước mắt của cô dâu, mọi việc hóa giải dễ dàng như không.

Do quan niệm đã tiệc cưới thì phải vui vẻ xả láng nên… mọi âm thanh đều được mở volume hết cỡ. Mạnh ai nấy nói, nhất là dàn đồng ca của cánh đàn ông ngồi chung một bàn: “Một! Hai! Ba! Dzô trăm phần trăm!” như đồng lòng xông ra sa trường. Mọi người ngồi bàn khác nghe hoành tráng quá, thấy “đẹp mắt” quá liền bắt chước theo. Nhưng phải hét to hơn, ầm ĩ hơn khiến phòng tiệc cưới nhộn nhạo như cái chợ!

Đã thế, phụ họa thêm cho những trò xôm tụ này còn là dàn âm thanh của ban nhạc được mời đến góp vui. Anh F - bạn tôi kể: “Lần đó xui quá, tớ được bố trí ngồi cạnh mấy cái loa phát thanh. Ban nhạc hào hứng mở loa hết cỡ nên cứ nghe âm thanh gào rú như bom B52 oanh tạc! Chịu hết siết, tớ chuồn gấp, chỉ tiếc món heo sữa quay nguyên con sắp được dọn lên nhưng tớ chẳng thể nấn ná chờ đợi được”.

Có những thực khách cực kỳ vô duyên, ngày “song hỷ” của người ta, nếu mình muốn góp vui cũng nên ý tứ một chút. Ai đời, lúc đã ngà ngà say lại hùng hùng hổ hổ bước lên sân khấu ngoác mồm ra hát ra rả những ca khúc não tình âm u, lâm ly lệ buồn, than trời sầu thảm cứ như đang tiễn người về nơi thiên thu xa vắng! Nếu hát một bài rồi lịch sự bước về chỗ cũ, còn có thể châm chước, tuy nhiên, có người còn muốn khoe giọng ca đã từng “luyện giọng” ở các tụ điểm “hát với nhau” nên tranh thủ “chơi” luôn một lúc dăm ba bài. Mà giọng ca đã bia rượu bét nhè, lưỡi dính vào răng nên cứ thét cứ gào không khác gì tra tấn màng nhĩ thiên hạ.

Thêm một nỗi niềm khác nữa, tôi biết nhiều người rất dị ứng khi ngồi chung bàn với ai đó “lịch sự” một cách quá đáng.

Lúc thức ăn được phục vụ dọn lên, ai thích thì cầm đũa, bằng không thì thôi. Đi ăn tiệc cưới chứ đâu phải nhận “khẩu phần” theo quy định mà phải chia đều? Nhiều người không nghĩ thế, họ cứ “hồn nhiên như cô tiên” lấy đũa mình đang ăn gắp cho mọi người, chẳng thèm hỏi qua một câu. Không ít bà xã tôi kề tai nói nhỏ: “Chà, anh xem kìa, “thằng chả” râu ria xồm xoàng, ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo lại xộc đũa gắp hết người này đến người nọ. Thấy mà ghê!”. Vâng, có còn ai cảm thấy món đó ngon nữa không? Chưa hết, lại có người nghĩ rằng, đi ăn tiệc cưới là mình đã “đóng hụi chết”, do đó, cứ món ngon vừa dọn ra là họ tranh thủ xơi tất, chẳng thèm mời ai lấy dù một câu cho có lệ.

Dù muốn dù không, lúc dự tiệc có những điều khiến ta không hài lòng, cảm thấy khó chịu nhưng “thôi kệ”. Cứ nghĩ, đời người ai cũng có ngày trọng đại này, mình đến chung vui với bạn bè, người thân mới là quan trọng, còn những chuyện khác chỉ vụn vặt. Cứ nghĩ đến đôi uyên ương từ đây “trăm năm hạnh phúc” là  được.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.