Những ngày giáp Tết, tại các chợ huyện trong tỉnh đang được bày bán đủ loại trái cây độc, lạ dành cho người dân địa phương và du khách thích sưu tầm để thờ và chưng Tết như phật thủ, bưởi, dưa hấu khắc hình, xoài in chữ thư pháp…
XOÀI IN CHỮ THƯ PHÁP
Trong vài năm trở lại đây, xoài in chữ thư pháp của anh Nguyễn Minh Khánh, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) nổi tiếng khắp vùng quê mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, anh Khánh cho ra thị trường khoảng 100 trái xoài inchữ thư pháp và xoài có phủ kim tuyến.
Anh Nguyễn Minh Khánh, ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) nổi tiếng với xoài in chữ thư pháp. |
Anh Khánh cho biết, năm nay, anh không bày bán tại đường hoa TT. Phước Bửu, mà chủ yếu là cung cấp cho khách quen đã đặt hàng từ trước. Số lượng xoài thư pháp cũng giảm hơn một nửa so với Tết năm ngoái vì thời tiết không được thuận lợi, khó lựa chọn được trái xoài to đẹp để in chữ.
Những quả xoài được anh Khánh trang trí bắt mắt, thu hút khách mua về chưng bày ngày Tết. |
Xoài in chữ thư pháp như: Tài, Phúc, Lộc, Thọ… hoặc phủ kim tuyến, anh Khánh bán với giá từ 300 – 500 ngàn đồng/trái, tùy theo in một chữ hay hai chữ trên trái xoài, cao hơn khoảng 100 ngàn đồng mỗi tría so với Tết năm ngoái. “Mỗi chữ lại mang một ý nghĩa hay khác nhau, thể hiện cho sự may mắn, vẹn toàn, cầu mong tài lộc đầy nhà. Vừa là lời cầu chúc cho một năm thịnh vượng, khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn nên được khách hàng ưa chuộng”, anh Khánh cho biết thêm.
PHẬT THỦ HÚT KHÁCH
Cứ đến ngày 25 tháng Chạp hàng năm, ông Phạm Văn Sơn, KP.Láng Sim, TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) đưa khoảng 200 quả Phật thủ ra đường hoa trung tâm huyện Xuyên Mộc để bán cho khách mua về chưng bày trên mâm ngũ quả.
Ông Phạm Văn Sơn (bên trái), đang bày bán quả phật thủ tại khu vực bờ hồ trung tâm huyện Xuyên Mộc. |
Theo ông Sơn, trái Phật thủ được mua từ ngoài Bắc đưa vào, giá bán dao động từ 80 – 150.000 đồng/trái; quả phật thủ đươc xem là đẹp thì trái phải to, bóng mượt, tay ôm, đủ tay, màu sắc hơi ngã vàng. Sau khi trừ chi phí, mỗi mùa Tết, ông Sơn kiếm chừng hơn 10 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt gia đình. “Theo quan niệm xưa, Phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ nên được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Sơn chia sẻ.
“KHOÁC ÁO MỚI” CHO DƯA HẤU
Bên cạnh xoài in chữ thư pháp, phật thủ, những trái dưa hấu khắc chữ thư pháp trong dịp Tết cũng đang được nhiều người tìm mua.
Tranh thủ dịp nghỉ Tết, anh Lê Ngọc Thắng, xã Kim Long (huyện Châu Đức), hiện đang làm công nhân tại huyện Long Thành (Đồng Nai) tranh thủ ra chợ Ngãi Giao khắc chữ, khắc hình trên trái dưa hấu để có thêm thu nhập mua sắm ngày Tết. Qua đôi tay khéo léo của anh Thắng, những trái dưa hấu bỗng trở nên nhiều sắc màu, trang trọng và mang nhiều thông điệp ý nghĩa cho gia chủ.
Nhờ có tay nghề hơn 5 năm kinh nghiệm, nên công việc điêu khắc dưa hấu cũng khá dễ dàng đối với anh Thắng. |
"Một quả dưa mất khoảng 30 phút điêu khắc mới hoàn thành, dịp này trung bình mỗi ngày tôi khắc được 20 cặp dưa hấu, khách mua mạnh từ ngày 28 tháng Chạp. Nếu bán hết sớm thì về sớm, còn chưa hết thì đến chiều 30 Tết mang về biếu người thân và cúng bàn thờ", anh Khánh chia sẻ.
Theo anh Thắng, thông thường khách mua một cặp, tùy theo cân nặng và hoa văn điêu khắc mà anh bán với giá từ 300 – 500 ngàn đồng/trái dưa hấu. Nếu quả tròn và hoa văn cầu kỳ thì giá cao hơn. Một quả dưa hấu anh Thắng bán tầm 7 - 8kg, nặng nhất là 10kg.
Những quả dưa được điêu khắc chữ thư pháp khá tinh xảo trên vỏ. |
Chị Phạm Thị Hoa, TT. Ngãi Giao (huyện Châu Đức) cho biết: Nhìn sản phẩm làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của anh Thắng tôi thực sự thán phục. Các loại quả sau khi được trang trí đều trở nên sinh động, truyền tải nhiều lời chúc hay, ý nghĩa đến gia chủ. Tôi nghĩ, đây sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng cho người thân và bạn bè trong dịp Tết.
Những trái bưởi, trái dưa hấu, trái xoài… được tô điểm thêm những nét vẽ, nét chữ đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều giá trị thẩm mỹ, làm phong phú thêm sản phẩm mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG