Gói bánh chưng đậm vị cổ truyền

Thứ Năm, 19/01/2023, 09:03 [GMT+7]
In bài này
.

Thế là một mùa xuân nữa đã tới. Từ làng quê đến phố lớn đâu đâu cũng thấy rực rỡ sắc hoa. Thời điểm này, nhiều gia đình tất bật sắm sửa cho cái Tết đủ đầy, như đào thắm, mai vàng, mâm ngũ quả... Trong đó, không thể thiếu những chiếc bánh chưng. Gói và truyền dạy cách gói bánh chưng vào ngày lễ, tết cũng là cách để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Gói bánh chưng đậm vị cổ truyền

Gác lại mọi bồn bề sau một năm vất vả, đại gia đình ông Lê Sỹ Đỗ quây quần bên nhau gói bánh chưng xanh, trông bếp lửa hồng, cùng nhau sẻ chia những niềm hạnh phúc
Gác lại mọi bồn bề sau một năm vất vả, đại gia đình ông Lê Sỹ Đỗ quây quần bên nhau gói bánh chưng xanh, trông bếp lửa hồng, cùng nhau sẻ chia những niềm hạnh phúc.

27 Tết, gia đình ông Lê Sỹ Đỗ (tổ 7, ấp Tây, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) tất bật, rộn ràng với việc gói bánh chưng. Đây cũng là dịp để gia đình ông sum họp nên bao giờ cũng đông người và rộn rã tiếng cười. Họ hàng, người thân và hàng xóm ngồi quây quần trò chuyện, tỉ mỉ xếp lá dong, rải gạo để gói sao cho chặt tay, vuông bánh, còn các em bé nhỏ ngồi cạnh bên tò mò, háo hức và được kể về sự tích bánh chưng bánh giày nên rất thích thú. Hình ảnh ấy vừa ấm cúng, vừa yên bình khiến không khí ngày giáp Tết cũng trở nên ấm áp hơn. Những ồn ào, lo toan trong cuộc sống dường như tan biến, giờ chỉ còn lại sự hoan hỉ của mùa xuân mới đang về.

Tết có thể thiếu nhiều món sơn hào hải vị nhưng không thể thiếu món bánh chưng dân giã mộc mạc. Bởi không có bánh chưng đâu thể gọi là Tết.
Tết có thể thiếu nhiều món sơn hào hải vị nhưng không thể thiếu món bánh chưng dân giã mộc mạc. Bởi không có bánh chưng đâu thể gọi là Tết.

Cùng gói bánh với ông Đỗ, anh Bùi Thanh Hiệp chia sẻ thêm: “Gia đình tôi năm nào cũng gói bánh chưng. Gói bánh chưng ngày Tết không chỉ giúp các thành viên trong gia đình đầm ấp, gần gũi nhau hơn mà còn vừa "ôn" cho con trẻ thế hệ sau về nét đẹp văn hóa mỗi khi đón Tết cổ truyền. Nói chung việc gói bánh chưng ngày tết rất vui và có ý nghĩa”.

Để gói bánh chưng truyền thống đẹp mắt và thơm ngon, với những nguyên liệu chính rất gần gũi bao gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... còn đòi hỏi bàn tay người gói khéo léo vuông thành sắc cạnh. Chính vì vậy, đối với thế hệ trẻ sau này, việc học hỏi từ các thế hệ trước để tự tay mình gói được một chiếc bánh truyền thống này là điều vô cùng ý nghĩa.

Những công đoạn gói bánh chưng đều cần sự khéo léo
Những công đoạn gói bánh chưng đều cần sự khéo léo.

Với gia đình ông Phạm Quang Lập ở phường 8, TP. Vũng Tàu, hoạt động này lại càng thêm ý nghĩa bởi đây là dịp cả đại gia đình trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau gói bánh chưng, ngồi trông nồi bánh trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang về cùng tình cảm gia đình ấm áp.

Nồi bánh chưng của gia đình ông Phạm Quang Lập, ông cho biết thêm, bánh chưng sau khi được gói hoàn thiện sẽ được mang đi nấu từ 9 đến 10 tiếng.
Nồi bánh chưng của gia đình ông Phạm Quang Lập, ông cho biết thêm, bánh chưng sau khi được gói hoàn thiện sẽ được mang đi nấu từ 9 đến 10 tiếng.

Những chiếc bánh tự tay ông Lập gói đã hơn 30 năm nay mỗi khi Tết đến Xuân về không chỉ mang ý nghĩa dâng lên ông bà, tổ tiên như lời biết ơn sâu nặng của con cháu nhớ về cội nguồn, là lời cảm tạ đất trời cho một năm mưa thuận, gió hoà.

Giữa nhịp sống hối hả, với bao bộn bề lo toan không ít gia đình đã mua bánh chưng vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi. Vì thế việc gói bánh chưng ngày Tết mang rất nhiều ý nghĩa. Bánh chưng không chỉ là món ăn, lớn hơn đó là một niềm tự hào to lớn về văn hóa ẩm thực của người Việt xuyên suốt chiều dài lịch sử và chắc chắn sẽ truờng tồn với thời gian mỗi độ Tết đến xuân về. Bên nồi bánh chưng, cùng nhau kể chuyện xưa cũ, thưởng thức hương vị thơm ngon của chiếc bánh chưng xanh, đón chào một năm mới Quý Mão 2023 bình an, hạnh phúc.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 

;
.