Loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả
Tại cuộc họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối ĐH và CĐ sư phạm vừa diễn ra, Bộ GD-ĐT lưu ý các cơ sở giáo dục xem xét giảm phương thức tuyển sinh, tinh giảm phương thức ít hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, thi văn hóa ở các trường.
Tổng hợp cho thấy năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, Bộ GD-ĐT thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Theo đó, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của SV để có sự điều chỉnh trong năm 2023 theo hướng đơn giản hóa cho thí sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2023 có thể không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà quy định tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - xét tuyển đợt 1. Đồng thời Bộ sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để giảm căng thẳng cho thí sinh; yêu cầu các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023.
HẢI BÌNH