Không còn duyên nợ thì thôi
Khi được phỏng vấn: “Quyết định thông minh nhất của ông là tạo ra các phần mềm hay các công việc từ thiện?”. Câu trả lời của Bill Gate: “Đều không phải, mà quyết định thông minh nhất đó là tìm người phụ nữ phù hợp để kết hôn”.
Minh họa: MINH SƠN |
Tại sao?
Ta hãy nghe Bill Gate nói tiếp: “Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau. Nếu bố bạn lấy nhầm vợ, thì tuổi thơ của bạn sẽ là chuỗi ngày đau khổ. Nếu bạn lấy nhầm vợ, thì cả cuộc đời bạn sẽ sống trong đau khổ. Nếu con trai bạn lấy nhầm vợ, thì tuổi già của bạn sẽ sống trong đau khổ. Do vậy chọn vợ rất quan trọng là vợ phải biết thương yêu bố mẹ chồng. Lấy được người phụ nữ tốt, thịnh vượng 3 đời, Lấy phải người phụ nữ không tốt, lụi bại 6 đời”.
Những lý giải về chuyện chọn người bạn đời như trên, hoàn toàn không có gì sai. Mà tất cả đàn ông có mặt trên trái đất này, từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi tự ý thức phải… có vợ, chắc chắc đều suy nghĩ như thế. Ai lại không từng ước mơ có được người bạn đời biết gắn bó, chia sẻ, đồng hành suốt một đời như tri âm, tri kỷ? Ai lại không biết rằng, phía sau thành công của người đàn ông không thể thiếu bóng dáng của người phụ nữ? Một mái ấm hoàn thiện, không chỉ vai trò gương mẫu của người đàn ông mà còn là sự trợ lực tích cực của người vợ, ai lại không thừa biết? Đã biết, ắt các đấng mày râu sẽ thừa thông minh mà lựa chọn được chứ gì?
Than ôi, biết là một chuyện, thông minh là một chuyện nhưng rồi số phận có mỉm cười với mình hay không lại là chuyện khác.
Vì thế, nếu chỉ quan sát bằng lý trí, bằng những gì diễn ra rất logic khoa học, có lẽ sẽ không thể giải đáp được câu loại “trầm trọng” cỡ như: “Chà, tay tiến sĩ kia có ăn học đàng hoàng, chữ nghĩa một bồ nhưng sao lại se duyên với cô nàng có nhan sắc thuộc hạng “cùi bắp”?
Thiên hạ xì xào: “Cô đó khùng rồi, du học ở nước ngoài đậu thủ khoa nhưng lại “nâng khăn sửa túi” cho tay công nhân quèn!”. Hoặc nhiều bậc phụ huynh đã dậm chân kêu trời: “Ủa, bộ hết người yêu sao con lại vớ phải cô nạ dòng kia?”. Nghĩa là, có nhiều, rất nhiều trường hợp đã xảy ra mà người ngoài không thể lý giải nổi. Còn người trong cuộc chẳng việc gì phải giải thích, chỉ trả lời qua loa: “Trái tim có lý lẽ riêng của nó”.
Mà này, lý lẽ gì kỳ cục quá vậy? Nói cách khác, đó là “duyên tiền định”.
Phải duyên, phải kiếp thì theo,
Thân em có quản khó nghèo làm chi
Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì
Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo.
Duyên đi chung với nợ. Chính chữ “nợ” ấy an ủi con người ta nhiều lắm. Sau khi đã đến với nhau, nếu họ chung sống hạnh phúc đến độ cùng đồng thanh “hạ quyêt tâm”: “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn” (Nguyên Sa) thì tốt quá. Còn nếu “cơm không lành canh không ngọt”, phải “chia uyên rẽ thúy”, họ lại tự nhủ đã hết duyên nợ: “Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền/ Chỉ phiền một nỗi nợ với duyên không tròn”. Đã không còn duyên nợ thì thôi, níu kéo làm chi.
Khi chia sẻ điều này, vấn đề của tôi đặt ra không phải là bàn sâu vào chuyện này, chỉ muốn nó rằng, một khi đã không thể chung sống nhau, ta chọn phép ứng xử như thế nào? Điều này rất quan trọng mà qua đó, thiên hạ có thể bình phẩm, đánh giá về tư cách của mình.
Thú thật, tôi bao giờ cũng lấy làm khâm phục những đôi vợ chồng, dù sau đó đường ai nấy đi nhưng họ vẫn giữ lại tình bạn. Đáng thương nhất vẫn là những ai có suy nghĩ “không ăn được thì phá cho hôi”. Tôi biết có chuyện anh chàng nọ, vì quá ghét, quá căm vợ cũ của mình, do đó, anh ta thường xuyên “nhồi” vào tai con mình mọi thói xấu của mẹ nó lẫn phụ nữ nói chung. Từ một đứa trẻ bình thường tốt nghiệp phổ thông đến khi vào đại học, rồi sau đó đi làm ở công ty danh giá nọ, nó đã “tiếp thu” và thực hành ra sao lời răn dạy của bố?
Thì đây, năm tháng trôi qua, nhìn thấy con mình cứ “một mình một, anh ta gặng hỏi cơn cớ tại sao mà không có bồ bịch, yêu đương gì với ai? Nó trả lời: “Nghe câu chuyện kể của bố, con cảm thấy phụ nữ chỉ tàn nhẫn, độc ác, tham tiền bỏ tình v.v… Do đó, con nghĩ mình cứ ở một mình cho yên thân”. Rõ ràng, ngay từ lúc con còn nhỏ, người bố đã truyền cho con những thông tin hắc ám khiến con ám ảnh mãi về sau.
Nếu anh ta chọn phép cư xử khác với vợ cũ thì mọi việc đã khác. Trộm nghĩ, một khi không còn chung sống thì với “người xưa” mình cũng nên thận trọng lời ăn tiếng nói, vì còn phải nghĩ đến con của mình nữa. Không phải là điều gì to tát, khó làm, chi bằng ta cứ nghĩ duyên nợ đến đây là hết, duyên nợ không còn nữa thì việc gì phải cứ cay cú mãi? Chẳng được gì, chẳng thể níu kéo mà không khéo thiên hạ lại cười cho.
LÊ MINH QUỐC