.

Không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia

Cập nhật: 22:05, 30/12/2022 (GMT+7)

Đến cuối năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Đây là thành tích nổi bật của tỉnh nhờ huy động tối đa nguồn lực xã hội thực hiện chương trình giảm nghèo.

Ngoài giờ làm ở công ty, chị Dương Thị Thánh còn chăn nuôi dê kiếm thêm thu nhập.
Ngoài giờ làm ở công ty, chị Dương Thị Thánh còn chăn nuôi dê kiếm thêm thu nhập.

Cuộc sống cải thiện

Gia đình chị Dương Thị Thánh (SN 1987, ngụ tổ 6, thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) sống trong căn nhà tạm bợ. Nhà không có đất sản xuất. Chị Thánh cũng không có việc làm. Mọi chi tiêu trong gia đình 4 người phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương thợ xây của chồng. Đó là hoàn cảnh gia đình chị Thánh 1 năm trở về trước, khi còn là hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, cuộc sống đã sang trang mới với gia đình chị. Trong năm 2022, chị Thánh được nhiều đơn vị, tổ chức quan tâm, giúp đỡ như: hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà “Đại đoàn kết”, tặng 7 con dê giống chăn nuôi, thẻ BHYT. Ngoài ra, chị đã xin được việc làm với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, cuối năm 2022, gia đình chị đã thoát nghèo.

“Vợ chồng tôi giờ đã có nhà kiên cố, thu nhập 13 triệu đồng/tháng. Tôi còn chăn nuôi thêm dê nên cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn trước rất nhiều”, chị Thánh phấn khởi nói.

Trong năm 2022, toàn tỉnh đã xét duyệt và giải quyết cho 2.980 hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn làm ăn với số tiền hơn 141,2 tỷ đồng; cấp hơn 27.900 thẻ BHYT; miễn, giảm học phí và hỗ trợ dụng cụ học tập cho hơn 4.250 HS; xây mới và sửa chữa 220 căn nhà đại đoàn kết; trợ cấp Tết cho gần 6.590 hộ nghèo.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1955, ngụ tổ 3, ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa) cũng vừa thoát khỏi hộ nghèo chuẩn quốc gia vào cuối năm 2022. Bà chia sẻ, những năm trước, con trai bị bệnh nặng nên thu nhập từ công việc bán vé số của bà không đủ trang trải cho 3 miệng ăn. Gần đây, sức khỏe của người con trai tạm ổn, cũng đi bán vé số tăng nguồn thu cho gia đình.

Cùng với đó, bà còn được tiếp cận với nhiều chính sách giảm nghèo như: vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, Hội LHPN xã hỗ trợ 100 con gà giống, tiền điện hàng tháng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bà cải thiện đáng kể. Ngoài bán vé số, bà còn nuôi thêm 70 con vịt lấy thịt để kiếm thêm thu nhập.

“Hai mẹ con tôi chịu khó đi bán vé số, bán thêm gà vịt thì mỗi tháng được khoảng 11 triệu đồng, đủ nuôi sống bản thân và đứa cháu nội. Tôi mong các thành viên trong nhà có sức khỏe, chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo bên vững”, bà Thắm cho hay.

Tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đầu giai đoạn 2022-2025 là 6.589 hộ, chiếm 2,04% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, nghèo chuẩn quốc gia có 1.278 hộ, cận nghèo quốc gia có 1.533 hộ và 3.778 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Đến cuối năm 2022,  số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh giảm còn 4.861 hộ, chiếm 1,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh và không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia.

 

Huy động tối đa nguồn lực xã hội

Đầu năm 2022, huyện Châu Đức có 37 hộ nghèo chuẩn quốc gia. Đến cuối năm, 100% hộ này đã thoát nghèo theo chuẩn quốc gia. Theo lãnh đạo UBND huyện, trong năm qua, công tác giảm nghèo được cả hệ thống chính trị của huyện đặc biệt quan tâm.

Ngoài các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện còn thực hiện lồng ghép nhiều chương trình khác để hỗ trợ người nghèo như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH; các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo.

Bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho rằng, trong năm qua, các chính sách giảm nghèo được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội thực hiện đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, bảo đảm quyền lợi cho người nghèo như: cấp thẻ BHYT, hỗ trợ vay vốn, tiền điện, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em. Các nguồn vốn sử dụng cho công tác giảm nghèo được ưu tiên bố trí đầy đủ và kịp thời. Người nghèo đã sử dụng nguồn vốn được vay đúng mục đích phục vụ vào chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, hằng năm, UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên còn huy động sự đóng góp của các cá nhân, DN chung tay hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở, học bổng cho HS nghèo, tặng quà trong các dịp lễ, Tết.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống trị, các tổ chức xã hội nên công tác giảm nghèo của tỉnh trong năm 2022 đạt kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, cuối năm tỉnh đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (cuối nhiệm kỳ giảm còn 0,5%).

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
.
.
.