BỘN BỀ KHÓ KHĂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI - Kỳ 1: Mới thế này là mới ở đâu?

Thứ Hai, 26/12/2022, 21:25 [GMT+7]
In bài này
.

Có một điều chắc chắn, SGK là mới. Nhưng cách dạy, cách học và cơ sở vật chất, trường lớp vẫn chưa thật sự mới. Vì vậy, hiệu quả cuối cùng là phát huy sự chủ động, tích cực của học sinh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tìm hiểu tình hình học tập của học sinh Trường TH Hòa Long trong đợt giám sát việc thực hiện SGK, chương trình GDPT 2018.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tìm hiểu tình hình học tập của học sinh Trường TH Hòa Long trong đợt giám sát việc thực hiện SGK, chương trình GDPT 2018.

Ngao ngán về sĩ số lớp

Chúng tôi có mặt tại Trường TH Hòa Long (TP. Bà Rịa) - ngôi trường đã triển khai chương trình GDPT mới từ năm học 2020-2021... Bước vào lớp 1B (lớp có sĩ số HS cao nhất trường), chúng tôi ngạc nghiên với số lượng HS có trong lớp học, lên tới 44 em.

Trong phòng học 48m2, những bộ bàn ghế được kê sát sạt. Bàn đầu chỉ cách bảng hơn 1m. Khi GV giảng dạy bằng màn hình tivi, các em phải ngước hết cỡ để nhìn.

Cô Lê Thị Điềm, GV chủ nhiệm lớp cho hay, sĩ số lớp quá đông, trong khi lớp quá chật hẹp, khiến cho GV khó có thể tổ chức các hoạt động học tập để giúp các em bộc lộ khả năng như mục tiêu chương trình phổ thông mới đặt ra.

CÔ DƯƠNG THỊ THANH HUYỀN, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU
Chưa đồng bộ, gây khó cho việc dạy - học
Ở môn Hóa học chương trình GDPT mới, cách phát âm các nguyên tố hóa học có sự thay đổi so với chương trình trước đây. Trong khi trước đó, HS đã quen với cách đọc theo chương trình từ bậc THCS nên sẽ khó khăn bước đầu với chương trình mới. Nhưng ngặt nỗi, do chương trình chỉ mới triển khai đến lớp 10, nên khi dạy HS lớp 11, 12, GV Hóa học lại phải quay trở về với cách phát âm cũ.

Thầy Vũ Đình Lăng, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Long cho biết thêm, năm học này, toàn trường có 536 HS/14 lớp. Nếu tính trung bình, mỗi lớp có 38 HS, cao hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT (35 HS/ lớp).

Ngoài ra, nhà trường thiếu 4 GV đứng lớp do trước đây không có nguồn GV đạt chuẩn để tuyển. Hiện nay, muốn tuyển cũng không được vì đang thực hiện tinh giản 10% biên chế. Không đủ giáo viên nên dù dư phòng học, nhà trường cũng không thể tách lớp để giảm sĩ số HS. Vì thế, có lớp sĩ số HS lên tới 44 em.

Thầy Lăng cho biết thêm, trường hiện chưa có nhà đa năng và phòng đa chức năng để tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện cho HS. Chưa kể, dù đã gần hết học kỳ 1 của năm học nhưng thiết bị dạy học lớp 3 chưa được cấp phát, lớp 1 mới chỉ được cấp phát 36 bộ.

Không chỉ bậc TH, nhiều trường trung học cũng đang gặp khó khăn về các điều kiện để triển khai chương trình GDPT 2018. Tại Trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Rịa), tuy được đầu tư chống xuống cấp hàng năm, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường khẳng định, cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng tốt cho các hoạt động giáo dục của chương trình mới.

Các phòng chức năng, phòng học, sân tập thể dục của HS nhỏ hẹp, thiết bị dạy học của trường chưa đầy đủ để phục vụ cho việc dạy học theo yêu cầu mới. Đơn cử như dụng cụ thí nghiệm thực hành không đầy đủ, chưa được trang bị kịp thời nên GV phải tận dụng đồ dùng dạy học cũ. Hiện nay, nhà trường mới được trang bị đồ dùng dạy học lớp 6, còn khối lớp 7 vẫn chưa có.

Thầy Trần Danh Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng trăn trở về hiệu quả dạy học tích hợp và các hoạt động mới. “GV vốn được đào tạo chuyên sâu một bộ môn nhưng lại đang phải giảng dạy các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử-Địa lý, cùng hoạt động động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương, mà chưa được đào tạo chính quy nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học”, thầy Minh nói.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức), nhà trường cũng chưa được trang bị màn hình cảm ứng, thiết bị thí nghiệm thực hành để triển khai chương trình mới.

Vướng mắc từ “nội tại” chương trình, SGK

Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) cho hay, ở tất cả các bộ môn đều yêu cầu HS chủ động để chiếm lĩnh tri thức, có tinh thần tự học cao, làm việc nhóm, chuẩn bị trước nội dung bài học. Trong khi đó, quỹ thời gian của các em đã phải sử dụng phần lớn cho giờ học chính khóa, học phụ đạo và tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó, một số chuyên đề môn học còn nặng tính hàn lâm, gây khó khăn cho cả thầy và trò. Nhiều đơn vị kiến thức trình bày không logic, không có tiết thực hành cụ thể, giáo án mẫu quá dài và không thực tế.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế việc triển khai chương trình GDPT mới tại Trường THPT Vũng Tàu (ảnh dưới) và tại Trường TH Hòa Long (ảnh trên).
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế
việc triển khai chương trình GDPT mới tại Trường TH Hòa Long (ảnh trên)
và tại Trường THPT Vũng Tàu (ảnh dưới).

Cô Huế cũng nhấn mạnh, riêng với bộ môn Lịch sử chương trình GDPT 2018, từ chỗ là môn tự chọn đã chuyển thành môn học bắt buộc. Tuy nhiên, sự thay đổi này quá gấp rút khiến các trường bị động trong công tác chuẩn bị. Để cắt giảm từ 70 tiết theo thiết kế chương trình ban đầu xuống còn 52 tiết, một số nội dung của các chủ đề đã bị “tinh giản”. Điều này dẫn đến có những nội dung kiến thức không liền mạch. Đơn cử như các bài 6, 7, 8 môn Lịch sử lớp 10, nếu GV mở rộng kiến thức sẽ không đủ thời lượng, nhưng nếu không sẽ gây khó hiểu cho HS.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, cô Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du bày tỏ, môn Lịch sử tuy cắt giảm nội dung kiến thức nhưng lại giữ nguyên yêu cầu. Như vậy, GV sẽ lúng túng khi kiểm tra, đánh giá HS. Riêng hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, cô Huyền cho rằng còn nặng về kiến thức, chưa tập trung phát triển phẩm chất, năng lực HS.

Cô Huỳnh Kim Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng chia sẻ thêm, việc bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho HS cũng đang khiến các nhà trường gặp  khó khăn. Cùng với đó, hiện nay, tài liệu giáo dục địa phương vẫn chưa được ban hành chính thức. Một vài môn học nội dung kiến thức chưa liền mạch. Điển hình như Hóa học, Toán, có những kiến thức được học từ đầu cấp nhưng đến cuối cấp mới quay trở lại…

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.