Truyền ngọn lửa đam mê nghề cứu hộ

Thứ Sáu, 18/11/2022, 18:26 [GMT+7]
In bài này
.

Với thâm niên nhiều năm liền làm cứu hộ bờ biển, 2 anh Trần Hữu Bảo Luyện và Nguyễn Văn Thoản (đang công tác tại Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu) thường xuyên đứng lớp truyền dạy kỹ thuật, kinh nghiệm và “lửa” yêu nghề cho lực lượng làm công tác cấp cứu thủy nạn.

Anh Nguyễn Văn Thoản và anh Trần Hữu Bảo Luyện quan sát học viên thực hành kiểm tra nhịp tim, sơ cứu nạn nhân đuối nước.
Anh Nguyễn Văn Thoản và anh Trần Hữu Bảo Luyện quan sát học viên thực hành kiểm tra nhịp tim, sơ cứu nạn nhân đuối nước.

Dạy từ kinh nghiệm thực tiễn

Mới đây, chúng tôi đã có mặt tại KDL Long Cung, nơi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn diễn ra. Khu vực tập luyện là bãi tắm thuộc KDL này. Nắng sáng nhưng khá gắt, cộng thêm biển động, báo hiệu một ngày không mấy dễ chịu cho các hoạt động ngoài trời.

Một hồi còi hiệu vang lên từ anh Trần Hữu Bảo Luyện, Tổ trưởng Tổ cứu hộ Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu, phụ trách trực tiếp lớp học, gần 60 học viên bước vào bài khởi động với khoảng 20 động tác làm nóng cơ khớp kết hợp rèn thể lực, nâng sức dẻo dai.

Sau bài khởi động, học viên bắt đầu phần ôn luyện các kiểu bơi, cách tiếp cận người bị đuối nước, vác xốc nước, kéo nạn nhân lên bờ, kiểm tra mạch, hồi sức, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo. Cùng với anh Luyện, anh Nguyễn Văn Thoản và 1 trợ giảng khác theo dõi, quan sát kỹ từng thao tác để kịp thời chỉnh sửa tư thế đặt tay xoa ấn ngực, tìm điểm kiểm tra mạch… chưa chuẩn của học viên.

“Lớp đã đi được 2/3 quãng đường. Tất cả kỹ năng, kỹ thuật cứu người các em đã thuần thục. Giờ chủ yếu ôn luyện để tổng kiểm tra đánh giá năng lực cuối khóa”, anh Luyện bày tỏ.

Hết học trên bờ, học viên lại ra biển học cách nhận biết ao xoáy, sử dụng phao cứu sinh, mô tô trượt nước, thuyền kayak hỗ trợ cứu vớt người. Cứ thế, mặt trời đứng bóng lớp học cũng hoàn thành chương trình huấn luyện buổi sáng.

Trong câu chuyện sau buổi học, anh Luyện chia sẻ, anh làm cứu hộ từ năm 1983, khi Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu thành lập đội cấp cứu bờ biển. May mắn được tham gia các khóa học cứu hộ chuyên nghiệp do Hungary và Úc tài trợ, cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm cứu hộ bãi biển, nên anh thường được Ban Giám đốc Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP. Vũng Tàu giao nhiệm vụ đứng lớp dạy nghiệp vụ cấp cứu thủy nạn.

“Những gì chúng tôi truyền dạy hoàn toàn từ kinh nghiệm đúc kết được và do người trước truyền người sau với phương châm cứu vớt càng nhanh thì hiệu quả, sác xuất sống mới cao”, anh Luyện nói.   

Công việc thầm lặng

Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 300km đường bờ biển. Lợi thế này được khai thác để phát triển du lịch với dịch vụ tắm biển, lặn biển, lướt ván, chèo kayak… Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng công tác an toàn cho người tắm biển. Tất cả các bãi tắm đang khai thác trên toàn tỉnh, từ bãi tắm công cộng đến KDL, DN đang khai thác đều có đội cứu hộ bờ biển chuyên nghiệp làm nhiệm vụ tuần tra, ứng trực sát mép nước nhằm kịp thời nhắc nhở, cảnh báo du khách tránh xa vùng biển có ao xoáy, dòng chảy mạnh; cứu người tắm biển gặp sự cố trôi phao, lật phao, đuối nước. Hằng năm, tỉnh đều mở các khóa huấn luyện cứu hộ ngắn ngày tạo điều kiện cho người theo nghề bồi dưỡng kỹ năng, nâng năng lực cứu đuối chuyên nghiệp.

Các anh chia sẻ thêm, nghề cứu hộ bờ biển khá đặc thù, điều kiện làm việc khắc nghiệt do thường xuyên giang nắng ngâm nước, môi trường biển nước lại luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong khi thu nhập cũng chỉ tạm đủ sống. Phải thật sự có tâm với nghề, coi mạng sống người khác như chính mình mới dám xả thân cứu vớt, giành mạng sống cho người gặp nạn khi tắm biển, tắm hồ được. “Tôi luôn nói với học viên, nghề này không làm giàu được bằng tiền, mà giàu cách khác, giàu cái tâm thôi”, anh Thoản chia sẻ.

Tinh thần ấy được truyền tải đến học viên, giúp họ thêm trân quý nghề cứu hộ. Công tác tại bộ phận giải trí chuyên hướng dẫn khách tham gia các hoạt động trên biển, anh Thạch Ngọc Tình, nhân viên Fleur de Lys Resort & Spa Long Hải thấy mình may mắn khi được theo học nghiệp vụ cứu hộ.

“Qua lớp học, tôi đã cải thiện động tác bơi và có thêm kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước. Tôi cũng được truyền lửa đam mê với nghề”, anh Tình nói.

Công việc thầm lặng và cái tâm truyền thụ nghề của anh Trần Hữu Bảo Luyện và anh Nguyễn Văn Thoản đang góp phần to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cấp cứu thủy nạn kế cận, chuyên nghiệp, gìn giữ hình ảnh điểm đến an toàn cho du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bài, ảnh: KIM VINH

;
.