Thầy Kính của chúng tôi!

Thứ Sáu, 11/11/2022, 17:38 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng Chủ nhật, các trò là nhà báo và nhà giáo yêu nghề báo từ thành phố biển Vũng Tàu lên xe vù tới Đồng Nai thăm thầy giáo cũ của mình. Thầy tên là Phan Kính, quê xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều năm giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh, dạy Trung văn, Cổ văn (Hán ngữ Cổ đại); trước đó, thời bom đạn, thầy có nhiều năm giảng dạy môn ngoại ngữ Trung văn tại trường cấp III (THPT) huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh.

Thầy trò tíu tít chuyện, bao ký ức của một thời dội về.
Thầy trò tíu tít chuyện, bao ký ức của một thời dội về.

Đám học trò nghịch như quỷ sứ đặt cho thầy biệt hiệu “Lão sư Kính”, “Lão sư Singapore”, bởi lúc nào, ở đâu, nắng cũng như mưa, ở Bắc cũng như khi vào Nam, thầy Phan Kính cũng chỉ đội duy nhất một cái mũ – trong Nam gọi là nón rộng vành bọc vải, mùa hè đội loại nón này chống nắng, mát mẻ! Đám trò quỷ sứ còn nói, khi tuổi cao thầy Phan Kính vào miền Đông Nam bộ, nghỉ dưỡng tuổi già, gần con gần cháu, thầy mua sẵn luôn 2 - 3 cái nón cối rộng vành để dành đó, dùng dần.

Tháng 10, do ảnh hưởng các cơn bão liên tiếp số 4, 5, 6 từ miền Trung, mưa tầm tã, nước lai láng suốt cả tuyến đường vài chục cây số từ Vũng Tàu - Bà Rịa - Long Thành. Gần trưa chúng tôi mỗi người mỗi xứ hẹn nhau tập kết ở nhà thầy. Mưa là vậy, các cánh quân kịp có mặt, chênh thời gian trong giây lát. Cô bị bệnh tai biến mấy năm nay, thầy đẩy xe lăn đỡ đần chăm sóc cô, khi con cháu bận đi làm, đi học. Chúng tôi đến, xúc động nhìn cảnh cô và thầy đang ngồi ở bậc cửa nhìn ra cổng, mong các trò đến.

Nói là thầy trò, nhưng tuổi tác chênh lệch nhau không nhiều, mái tóc của cả thầy và các trò đã bạc trắng. Lũ chúng tôi, các U.80 chạy ùa vào sân nhà ôm chầm lấy thầy giáo cũ U.90, dù cho cơn mưa vẫn nặng hạt.

- Trời mưa to nên chúng em đến muộn, làm cô thầy phải chờ! Trò Luyện (nhà giáo Lê Huy Luyện) trưởng nhóm phân trần.

Thầy Phan Kính vui thật vui:

- Không sao, cô thầy cũng không làm gì, em Đinh Phương Dung nhà gần đây đã đến “tiền trạm” trước, biết có cơn “gió lành” nên mong các em từ sớm.

Trò Luyện, học trò cưng của thầy, đọc to cho cả cô thầy và các bạn cùng nghe bài báo viết về thầy Phan Kính.
Trò Luyện, học trò cưng của thầy, đọc to cho cả cô thầy và các bạn cùng nghe bài báo viết về thầy Phan Kính.

Thầy trò tíu tít chuyện, bao ký ức của một thời dội về. Ở nhà thầy các bạn điện thoại cho bạn này bạn kia để được gặp thầy giáo cũ, có trò mãi Tây Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Cần Thơ... Trò Luyện là một trong những học trò cưng của thầy, mang theo cuốn đặc san có đăng bài báo viết về thầy Phan Kính. Trò Luyện đọc to cho cả cô thầy và các bạn cùng nghe. Từng từng câu, từng chữ hiện về, phía sau mỗi con chữ là cả một miền ký ức trong sáng, vô tư, đôi mắt thầy rớm lệ, xúc động.

Bài báo của trò kể lại, một lần thầy Phan Kính tìm đến trò. Trò nguyên Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, sau đó chuyển sang làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Buổi sáng hôm đó họp cơ quan, bàn về quy chế quản lý nội bộ. 8 giờ sáng thầy tới phòng lễ tân, cô nhân viên nói sếp đang họp, vậy là thầy chờ. 9 giờ rồi 10, 11 giờ vẫn chưa xong việc. 11 giờ 30, sau khi chủ trì kết luận cuộc họp, trò bước xuống lầu dưới, cô nhân viên nói: “Chú có khách, bác đến và chờ từ 8 giờ. Mấy lần cháu định lên gọi mà bác ấy không cho”.

Nhìn từ xa, thấy cái mũ cối rộng vành quen thuộc để bên cạnh, trò Luyện biết ngay là thầy giáo Phan Kính, chạy ào tới ôm chầm lấy thầy. Trò áy náy, thành thật xin lỗi thầy:

- Sao thầy không cho các cháu gọi em, để thầy chờ đợi quá lâu.

Thầy nhẹ nhàng và hóm hỉnh:

- Áy, việc công và lịch họp đã có sẵn, em cứ họp, thầy về hưu rồi tỉ phú thời gian, rảnh rỗi chờ em một lát có sao đâu?

Buổi sáng chúng tôi tề tựu bên thầy, đọc lại bài báo viết về thầy Phan Kính. Trò Khai (Hồ Đình Khai) vốn dân làng Quỳnh xứ Nghệ, neo đậu trong tâm khảm nhiều ký ức về thầy giáo cũ mang theo kính tặng thầy chiếc gậy gỗ bóng loáng làm bằng gỗ quý:

- Em nghĩ cái gậy là vật bất ly thân khi tuổi về già, nhớ bài thơ “Chiếc gậy” mà thầy đã viết và từng đọc (bằng tiếng Việt và tiếng Trung) trước lớp, khi thầy chia tay mái trường Đại học sư phạm Vinh, em kính tặng thầy!

Các trò đến thăm thầy, mỗi người mang theo một kỷ niệm, đem theo tặng thầy những món quà quý, ẩn chứa trong đó cả một miền ký ức. Tôi là học trò cũ của thầy thời học trường cấp III Hương Khê mang tặng thầy 2 cuốn sách “cây nhà là vườn – Tự sản tự tiêu” có tựa đề: “Khúc hát sông Ngàn”, “Từ làng quê Trung Lễ…”, thầy mừng lắm, bởi đó là “một miền ký ức” có bóng dáng nhà sư phạm Phan Kính trong từng trang sách.

Các trò vô cùng kính trọng người thầy kính yêu, trò ngoan của thầy mấy chục năm trước. Ngày ấy, thầy Phan Kính rất thương các trò, trò nào quá nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thầy dành tiền lương hàng tháng giúp trò học tập, không bao giở để trò vì cái khó mà bỏ trường, bỏ lớp.

Tháng 10 đi qua, tháng 11 đã về, chỉ thêm tuần nữa là ngày 20 tháng 11, ngày Nhà giáo Việt Nam. Những trò cũ của thầy nay tóc đã pha sương ghi lại kỷ niệm buổi sáng gặp thầy và những kỷ niệm của một thời, với bao điều tốt đẹp, sáng trong về thầy giáo của mình - về truyền thống tôn sư trọng đạo!

Tháng 11/2022

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.