Sớm khắc phục máy lọc thận hư hỏng

Thứ Hai, 14/11/2022, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu tháng 11 đến nay, 23/53 máy lọc máu của Bệnh viện Bà Rịa bị hư hỏng. Ngày 14/11, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan để khẩn trương tháo gỡ, khắc phục tình trạng này.

Nhân viên Phòng trang thiết bị y tế (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra và sửa chữa các máy lọc máu hư hỏng.
Nhân viên Phòng trang thiết bị y tế (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra và sửa chữa các máy lọc máu hư hỏng.

Tăng từ 3 ca lên 5 ca lọc máu/ngày

Khoa Lọc máu (Bệnh viện Bà Rịa) đang quản lý và sử dụng 53 máy lọc máu nhân tạo để lọc máu định kỳ cho khoảng 280 bệnh nhân. Trước khi các máy lọc máu của khoa hư hỏng, mỗi ngày có 3 ca lọc máu, từ 7-21 giờ với khoảng 140 bệnh nhân. Tuy nhiên, từ ngày máy hư, bệnh viện phải tăng lên 5 ca lọc máu, ca cuối cùng kết thúc vào 3 giờ sáng ngày hôm sau. Điều này gây nhiều bất tiện cho người bệnh, đội ngũ nhân viên y tế cũng vất vả hơn.

Để tạo điều kiện cho các bệnh nhân được lọc máu, Bệnh viện Bà Rịa sắp xếp cho những người ở xa hoặc không có người nhà hỗ trợ sẽ lọc máu vào ban ngày. Những người ở gần bệnh viện, có sức khỏe khá hơn sẽ được lọc máu vào ban đêm (ca 4 và 5).

Lọc máu tại Bệnh viện Bà Rịa 9 năm nay, ông Nguyễn Trọng Tuyến (49 tuổi, thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) cho biết, từ lọc thận ca 1, nay ông phải chuyển sang lọc ca 2 (10 giờ 30 -14 giờ). Dù việc lọc máu chuyển sang ca muộn và bất tiện hơn, nhưng ông cũng chia sẻ với những khó khăn của bệnh viện. “Mong rằng ngành y tế sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này để người bệnh yên tâm điều trị”, ông Tuyến đề nghị.

Hàng loạt máy lọc thận của Bệnh viện Bà Rịa bị hư hỏng từ đầu tháng 11.
Hàng loạt máy lọc thận của Bệnh viện Bà Rịa bị hư hỏng từ đầu tháng 11.

Bố trí 2,4 tỷ đồng sửa chữa máy lọc thận

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc, Phụ trách Bệnh viện Bà Rịa cho biết, trong số 53 máy lọc máu của bệnh viện thì có 50 máy được cấp theo dự án bệnh viện Bà Rịa mới (đưa vào sử dụng từ năm 2015) và 3 máy chuyển từ Bệnh viện Bà Rịa cơ sở cũ sang (sử dụng từ năm 2013). Do đặc thù các máy lọc máu có sử dụng hóa chất ăn mòn, hệ thống bơm lưu dẫn máu và các thành phần hao mòn khác nên qua một thời gian dài sử dụng, nhiều linh kiện đã hư hỏng.

Thời gian qua, bệnh viện đã tích cực bảo trì, sửa chữa bảo đảm hoạt động lọc máu, nhưng nhiều hư hỏng không thể sửa chữa. Hơn nữa, bệnh viện đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa thể bố trí kinh phí sửa chữa, thay thế linh kiện toàn diện cho các máy này. Đến nay, bệnh viện còn 30 máy đang sử dụng phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, số máy này cũng đã có các dấu hiệu xuống cấp, có thể hư hỏng trong thời gian tới.

Dù máy lọc thân hư hàng loạt nhưng Bệnh viện Bà Rịa vẫn tạo điều kiện và bố trí cho các bệnh nhân được lọc máu định kỳ.
Dù máy lọc thân hư hàng loạt nhưng Bệnh viện Bà Rịa vẫn tạo điều kiện và bố trí cho các bệnh nhân được lọc máu định kỳ.

Bệnh viện đã có tờ trình gửi Sở Y tế xin chủ trương bố trí vốn trong ngân sách năm 2023 cho việc sửa chữa lớn các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ người bệnh. Trong đó, phần kinh phí đề nghị cấp sửa chữa các máy lọc máu hơn 2,43 tỷ đồng. 

“Việc tăng ca lọc máy trong ngày sẽ có nguy cơ dẫn đến các máy hoạt động quá tải. Các hư hỏng có thể xảy ra sớm hơn và nguy cơ tình hình thiếu máy lọc máu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí sửa chữa các máu lọc máu, đồng thời có kế hoạch mua sắm mới các máy lọc máu để thay thế cho các máy hiện tại, bảo đảm hoạt động lọc máu cho những năm tiếp theo".
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc, Phụ trách Bệnh viện Bà Rịa

Tại cuộc họp do ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì ngày 14/11, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ ngày 2/11, Bệnh viện Bà Rịa tăng 5 ca lọc máu/ngày, bảo đảm các bệnh nhân được duy trì điều trị.  Trước mắt, Sở Y tế điều phối những có sở y tế có máy lọc tăng thêm ca nhằm hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với Bệnh viện Bà Rịa. Theo đó, Bệnh viện Vũng Tàu tăng từ 3 ca lên 4 ca, đáp ứng khoảng 50 bệnh nhân, thời gian tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 14/11; TTYT huyện Xuyên Mộc tăng từ 2 ca lên 3 ca, đáp ứng thêm khoảng 16 bệnh nhân, thời gian tiếp nhận từ ngày 16/11.

Ngoài ra, bác sĩ Phạm Minh An còn đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa các máy lọc thận đang hư hỏng tại Bệnh viện Bà Rịa, với kinh phí khoảng 2,4-2,5 tỷ đồng; đồng thời có chủ trương mượn máy lọc máy của TTYT Vietsovpetro trong khi chờ các máy được sửa chữa hoặc mua mới. Các cơ sở y tế xem xét về chuyên môn, tư vấn và chỉ định bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị phù hợp theo khả năng của người bệnh (kỹ thuật lọc màng bụng) nhằm giảm tải việc sử dụng máy chạy thận. Ngoài ra, UBND tỉnh cần ban hành chế độ cho nhân viên y tế thực hiện chuyên môn tại khu lọc thận, được chi trả khi thời gian làm việc quá ngưỡng quy định (tăng cường ca 3, 4 và 5).

Toàn tỉnh có 4 cơ sở y tế cho máy lọc thận, gồm: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu, TTYT huyện Xuyên Mộc và TTYT Vietsovpetro. Định hướng của ngành y tế sẽ phát triển kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại TTYT huyện Châu Đức và huyện Long Điền. TX. Phú Mỹ để bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tại địa bàn, không phải di chuyển xa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông đã đồng ý với đề xuất của Sở Y tế về bố trí hơn 2,4 tỷ đồng sửa chữa các máy lọc thận cho Bệnh viện Bà Rịa và khẩn trương khắc phục tình trạng này; giao Sở Y tế làm tờ trình xin chủ trương bố trí vốn sửa chữa máy lọc máy; Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí chậm nhất ngày 15/11.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.