Sáng kiến cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Hai, 28/11/2022, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 20 đề tài, sáng kiến lần đầu tiên được báo cáo tại hội nghị Khoa học thường niên do Bệnh viện Vũng Tàu và Bệnh viện Bà Rịa tổ chức mới đây đã thể hiện thái độ nghiên cứu công phu, tâm huyết của tác giả. Đây là những vấn đề mới, kinh nghiệm hữu ích được rút ra từ thực tiễn công tác khám, chữa bệnh nên có tính ứng dụng cao.

Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có viêm phổi.  Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi nặng.
Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) thăm khám cho một bệnh nhi bị viêm phổi nặng.

Nhận biết đột quỵ

Bệnh viện Vũng Tàu đã được ngành y tế tỉnh giao phát triển mũi nhọn về điều trị đột quỵ. Vì vậy, để có cơ sở định hướng cho hoạt động phòng, chống đột quỵ, bác sĩ Trần Thiện Trường, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) và cộng sự đã nghiên cứu đề tài “Đặc điểm lâm sàng và hình ảnh học bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại bệnh viện trong quý III năm 2022”. 

Nhóm đã nghiên cứu trên 121 bệnh nhân, trong đó, 70% người từ 60 tuổi trở lên. Các bệnh nhân bao gồm 97 người đột quỵ nhồi máu và 24 người đột quỵ xuất huyết. Qua nghiên cứu cho thấy, dù giao thông khá thuận lợi, nhưng chỉ có 21 ca được chuyển đến bệnh viện trong khung “giờ vàng”, nghĩa là trước 4,5 tiếng và 100 bệnh nhân vào viện quá thời gian này.

Bác sĩ Trường phân tích, bệnh nhân nhập viện trong “giờ vàng” sẽ có cơ hội tái thông với nhồi máu não. Bệnh viện Vũng Tàu chưa triển khai kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ nên bệnh nhân phải chuyển tuyến lên TP.Hồ Chí Minh để can thiệp. Quãng đường di chuyển xa, mất nhiều thời gian sẽ làm giảm khả năng được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ và phục hồi của người bệnh.

Thông qua đề tài này, nhóm nghiên cứu mong muốn tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng cách nhận biết sớm đột quỵ và đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất. Khoa Cấp cứu, Đội Cấp cứu 115 cần xây dựng bộ câu hỏi nhằm phát hiện, tư vấn sớm, chính xác cho bệnh nhân gọi đến khi nghi ngờ đột quỵ.

“Cùng với triển khai các kỹ thuật can thiệp mạch máu, việc thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ trên địa bàn tỉnh cũng rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng điều trị và khả năng phục hồi cho người đột quỵ”, bác sĩ Trường nói.

Suy hô hấp trẻ sinh dưới 32 tuần

Một đề tài khác được ban tổ chức đánh giá cao khi nghiên cứu về trẻ sinh non. Đó là đề tài “Đánh giá kết quả điều trị suy hô hấp ở trẻ sinh non dưới 32 tuần” năm 2021-2022 của nhóm bác sĩ đến từ Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa).

Bác sĩ Bùi Cầu Liên Nam, đại diện nhóm cho biết, đề tài được nghiên cứu trên 106 trẻ sinh non dưới 32 tuần, gồm có 86 trẻ được sinh ra ở 28-32 tuần, số trẻ còn lại sinh ra dưới 28 tuần tuổi. 64 trẻ có cân nặng từ 1,5kg-2kg, số trẻ còn lại từ 1,5kg trở xuống.

Từ thực tế cho thấy, nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sinh non nhiều nhất là bệnh màng trong (44,3%), viêm phổi (35,8%), còn lại các nguyên nhân ngoài phổi. Những trẻ có triệu chứng lâm sàng như: Thở nhanh, tím tái, rút lõm ngực nặng, thở rên có nguy cơ bệnh nặng cao hơn. Tuổi thai càng thấp thì nguy cơ bệnh suy hô hấp ở trẻ càng cao.

Về cách điều trị, có 31,1% trẻ được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy; 34,9% trẻ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch… Trong số 106 trẻ sinh non, có 61 trường hợp xuất viện, 37 ca chuyển viện, 8 ca tử vong.

Bác sĩ Nam nói thêm: “Trẻ sinh non rất dễ gặp vấn đề về bệnh tật và suy hô hấp là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh. Do vậy, thai phụ có nguy cơ cao đặc biệt chú ý về thai kỳ. Ngành y tế có trách nhiệm phát hiện và điều trị sớm các thai phụ có nguy cơ sinh non”.

Ngoài ra, các đề tài khác liên quan đến công tác điều trị sốt xuất huyết nặng, kiểm soát bệnh hen, chấn thương mắt, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vận động phòng ngừa bệnh tim mạch… cũng được Hội đồng Khoa học của Bệnh viện Vũng Tàu và Bệnh viện Bà Rịa đánh giá cao.

Ghế chụp X-Quang

Bên cạnh đó, sáng kiến “Ghế chụp X-Quang tim phổi, ổ bụng ở trẻ em và người già” của cử nhân Đào Minh Hải, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Vũng Tàu) cũng mang lại hiệu quả thiết thực.

Cử nhân Cẩm Nhung cho hay, Bệnh viện Vũng Tàu đã được trang bị máy chụp X-Quang Del Medical RT100 rất hiện đại, nhưng không trang bị công cụ hỗ trợ việc thăm khám cho trẻ em và người già không tự đứng được.

Vì vậy, việc chụp X-Quang cho trẻ em và người già không tự đứng được gặp nhiều trở ngại. Do đó, nhóm tác giả đã cải tiến kỹ thuật tạo ra sản phẩm ghế đỡ có 2 tầng riêng biệt. Tầng 1 dùng cho trẻ biết đứng và người lớn tuổi ngồi, tầng 2 dùng cho trẻ sơ sinh ngồi. Nguyên liệu cấu tạo ghế đỡ gồm gỗ sồi và đệm mút bọc da.

Từ 1/7/2022 đến 29/9/2022 đã có 130 bệnh nhi và 20 người già không đứng được sử dụng ghế chụp X-Quang tim phổi, ổ bụng. Chất lượng hình ảnh trên phim chụp X-Quang tốt, không có ảnh kém.

“Ghế đỡ này có chi phí gần 3 triệu đồng mỗi chiếc, độ bền cao, không gây độc hại môi trường, dễ sử dụng. Việc sử dụng ghế đỡ đã góp phần làm cho quy trình chụp X-Quang diễn ra thuận lợi, nhanh gọn, an toàn, chính xác”, cử nhân Cẩm Nhung thông tin thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.