“Nhẫn một lúc trời yên biển lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao”
Câu này là lời dặn dò trong đối nhân xử thế chăng? Tôi nghĩ là thế. Và, ngay cả đời sống vợ chồng tưởng là dù trong tình huống nào thì cũng phải ứng xử như thế. Tiếc thay nhiều người lại quên béng. Có những người hễ mỗi lần giận dữ lên thì người gánh chịu trước nhất bao giờ cũng là vợ con. Sự tồi tệ này, đã khiến bao người chê bai nhưng rồi có sửa chữa được đâu. Có những thay đổi chỉ xảy ra sau khi “người trong cuộc” tự nhìn ra vấn đề mà mình đã va vấp.
Tôi có quen với vợ chồng người bạn cùng công sở. Trước đây, họ đã từng nộp đơn ra tòa xin ly hôn, cùng song ca hai câu thơ của Thế Lữ: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”. Đơn giản chỉ vì cô vợ không thể chịu đựng được cái thói vũ phu “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” của chồng. Có thể nói đây là một trong những thói xấu đáng ghét, hèn hạ nhất của người đàn ông. Vì lẽ đó, trong nhà bao giờ cũng xảy ra những cuộc cãi nhau như mổ bò. Họ đã ném vào mặt nhau biết bao lời lẽ khó nghe.
Trong lúc chờ tòa phân xử, chẳng may anh bị ốm nặng. Những ngày đó, người vợ vẫn vào bệnh viện chăm sóc anh chu đáo từng ly từng chút. Quái, bao nhiêu lời nói hằn học, cay cú, mắng nhiếc sa sả với nhau mỗi ngày thì nay đã trốn biệt đâu mất. Nhìn chồng với thân thể gầy yếu, thở không ra hơi tự dưng trong lòng chị lại dậy lên một tình cảm mà lâu nay đã quên. Tình cảm của ngày mới yêu nhau, chị nhớ thuở ấy anh khỏe mạnh là thế, nay lại ốm o như con mèo ướt. Còn anh, lúc mỏi mệt nửa khuya giật mình tỉnh giấc đã thấy người vợ ngồi bên cạnh. Chị cầm chặt lấy bàn tay anh như đang chở che, an ủi, bất giác anh cảm động đến ứa nước mắt. Thì ra người mà lâu nay mình đã thô bạo từ lời nói đến hành động, lại chính là người đang chăm sóc mình lúc ngặt nghèo nhất.
Nếu trước đây người chồng đã nghĩ đến tình này, chắc chắn đã xử sự khác. Đó là khi chênh vênh giữa sống và chết, chẳng ai nhọc tâm khổ trí tính toán, nghĩ ngợi đến chuyện tranh giành, tị hiềm, thù oán, thủ đoạn… nữa. Họ nghĩ đến cuộc đời bên ngoài cửa sổ bệnh viện. Họ nghĩ đến sự ân cần chăm sóc của các y, bác sĩ, của vợ con, chồng con đã tận tụy ngày đêm vì sự sống của họ. Đời đẹp lắm. Mỗi ngày, nắng lên xanh, mưa dịu mát so lúc khỏe khoắn họ không làm tròn phận sự nhường nhịn, vun vén niềm vui cho nhau. Rồi họ lại nghĩ đến khoảng thời gian trôi qua mà mình đã sống, đã cư xử với mọi người thế nào mà lúc lo lắng nhất, sự sống đã nằm ngoài tay thì những ai là người thường xuyên thăm nom, chăm sóc từng ngày, từng giờ?
Khi đã lập gia đình, có thể nói người đó không chỉ sống cho mình mà còn sống cho và sống vì người khác nữa: vợ con. Vậy mà nhiều người đã quên đi chỉ vì lúc ấy quên đi lời dặn dò: “Nhẫn một lúc trời yên biển lặng/ Lùi một bước biển rộng trời cao”. Rằng, lúc đang khỏe như voi, chỉ cần gặp chuyện “nhỏ như con thỏ” cũng khiến người ta dễ nổi nóng, nhất định phải “ra tay” ngay tắp lự nhằm thể hiện “cái tôi” không thua ai, không sợ ai. Chẳng hạn, bước vào quán ăn sau khi nốc dăm chai bia, uống vài chén rượu, nhìn qua bàn bên cạnh chợt thấy ánh mắt nhìn là lạ, ta liền gân cổ quát: “Mày nhìn đểu đấy à?”. Người kia chưa kịp phân trần, ta đã nổi nóng lao qua “ăn thua đủ” cho bõ ghét. Mà trên đời “vỏ quýt dày thì móng tay nhọn”, chẳng ai phải sợ ai. Ta đánh họ, họ cũng đánh lại ta. Cả hai hùng hùng hổ hổ một phen bất phân thắng bại, cứ như thể đối mặt với kẻ thù không đội trời chung, đã từng có mối thù thâm căn cố đế.
Rốt cuộc, cả hai… cùng gặp nhau trong bệnh viện.
Chuyện gì xảy ra sau đó?
Sau một giấc mê mệt bất tỉnh nhân sự không biết trời trăng mây gió gì sất, vừa tỉnh dậy, anh A liếc qua gường bệnh nhân B, chỉ cách nhau một sải tay, anh nghe được tiếng òa khóc, giọng thủ thỉ của cô bé lên mười: “Cha ơi, cha khỏe lại chưa? Ở nhà không có cha, con nhớ cha lắm. Cha mau khỏe để Chủ nhật này dẫn con đi chơi Sở Thú nghen”. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh, hồn nhiên ấy đã khiến anh A sực nhớ đến con mình. Tự dưng chùng lòng xuống, anh A nén tiếng thở dài: “Phải chi trước lúc choảng nhau, ta nhìn thấy cảnh này”.
Còn anh B, giây lát sau xoay người nhìn qua giường bệnh anh A, lại thấy người vợ hiền lành, đôi mắt sâu hoắm chắc vì âu lo đến mất ngủ đang chăm cho chồng từng muỗng cháo như dỗ dành đứa trẻ. Bất giác anh B xúc động, nhớ đến cô vợ trẻ của mình, khi chồng gặp nạn, phải nhập viện thì nỗi âu lo của ai cũng giống nhau. Tự dưng anh B cảm thấy xấu hổ, hối hận cho những lúc không kiềm chế.
Điều đáng tiếc nhất, chỉ khi nằm bệnh, lúc chênh vênh sống - chết thì ta mới quay về sống trong tâm thế đó. Lúc khỏe khoắn, đang “lên hương” nếu ta suy ngẫm mỗi ngày về điều hướng thiện ấy, cuộc đời tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.
LÊ MINH QUỐC