Kỳ 1: Âm vang chiến thắng Tây Bắc
Tây Bắc là miền đất luôn khiến du khách phải ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của núi rừng, cảnh đẹp từ những cung đường cho đến những rừng cây cheo leo; đẹp từ mùa lúa chín vàng ươm trên những thửa ruộng bậc thang cho đến mùa hoa mơ, hoa mận. Văn hóa Tây Bắc đa dạng và độc đáo chính là sản phẩm của sự kết hợp và đan xen các bản sắc riêng.
Đèo Ô Quý Hồ nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, là một trong những cung đường đèo dài, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. |
Những ngày giữa tháng 10/2022, cùng với người dân cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), Đoàn công tác của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chuyến Về nguồn tại các tỉnh Tây Bắc, trong sự chào đón nồng hậu của các đồng nghiệp, người dân và sự cảm nhận rất mới về vùng đất này.
Mở ra thế chiến lược mới
Hơn 70 năm trước, Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng, gồm 5 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ. Đây là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa. Phía Tây giáp với 2 tỉnh của Lào (Phong Xa Lỳ, Sầm Nưa), phía Đông giáp căn cứ địa Việt Bắc, phía Bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc, phía Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, thông với Liên khu 3 và Liên khu 4.
Sông Thao, sông Mã, sông Đà là 3 con sông lớn, quanh năm nước chảy xiết và chia cắt Tây Bắc thành các khu vực. Đường vào Tây Bắc chỉ có 2 trục lớn là đường số 41 từ Hòa Bình đi Mộc Châu (Sơn La) và đường số 13 từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ.
Cầu Bản Xá bắc qua hồ thủy điện Sơn La, có chiều dài 670m, rộng 9m, đáp ứng 2 làn xe lưu thông, kết nối Quốc lộ 12 với các khu tái định cư, hành chính của TX.Mường Lay (tỉnh Điện Biên), là một phần của tuyến đường Mường Lay - Nậm Nhùn. Trong ảnh: Đoàn công tác Báo Bà Rịa - Vũng Tàu chụp hình lưu niệm tại cầu Bản Xá. |
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo điều kiện mới cho cách mạng Lào.
Chiến dịch Tây Bắc diễn ra 3 đợt, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952. Đợt 1 (từ ngày 14 đến 23/10), quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. Đợt 2 (từ ngày 7 đến 22/11), quân ta vượt sông Đà, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ. Đợt 3 (từ ngày 30/11 đến 10/12), tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản của thực dân Pháp.
Sau 2 tháng mở chiến dịch, quân ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch. Nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 80% đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bữa trưa của các cháu mầm non đồng bào dân tộc Khơ Mú tại Trường TH Mường É 2 (bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). |
100% xã có đường ô tô đến trung tâm
Những ngày tháng 10/2022, chúng tôi được ngồi trên xe ô tô đi qua những cung đường đèo của 2 trong “tứ đại đèo cao nhất Việt Nam” là Ô Quý Hồ (cao 2.000m, dài 50km) và Pha Đin (cao 1.648m, dài 32km) cùng những con đèo khúc khuỷu khác. Chúng tôi đã cảm nhận được phần nào những câu thơ đầy hình tượng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Mỗi khi đến nơi, bước xuống xe, tai chúng tôi vẫn còn bị ù, đầu còn lắc lư như khi xe qua khúc cua gắt. Thấy chúng tôi có vẻ hơi mệt, chị bạn đồng nghiệp Phạm Phương Lan, Trưởng Phòng Điện tử Báo Lai Châu nói, hơn 10 năm trước, những con đèo này đường nhỏ hẹp, khó đi. Ngày nay, để bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông, các đèo này liên tục được mở rộng, hạ độ cao thông qua việc xây dựng những cung đường mới và làm hệ thống lan can chắn, biển báo, gương cầu. Vì vậy, việc lưu thông qua đèo ngày càng thuận lợi, an toàn.
Vùng đất Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, H’mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… |
Chị Lan cho biết thêm, Lai Châu hiện có 7 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ, tổng chiều dài trên 1.055km cơ bản đã được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp VI miền núi. Mặt đường được bê tông nhựa, tráng nhựa. Hệ thống đường đô thị tăng thêm 36km, nâng tổng chiều dài các tuyến đường đô thị lên trên 185km và 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa.
Trong thời gian tới, Lai Châu sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ. Trong đó, ưu tiên đoạn nối từ TP.Lai Châu ra cửa khẩu Ma Lù Thàng; xây dựng hầm qua đèo Hoàng Liên - Ô Quý Hồ và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4H. Các tuyến giao thông nội tỉnh gồm: Nậm Sỏ - Tân Uyên, Chăn Nưa - Sìn Hồ và San Thàng - Mường So. Đặc biệt, tuyến đường nối TP.Lai Châu với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đang được địa phương này đẩy nhanh thủ tục để sớm triển khai dự án.
Vùng Tây Bắc ngày nay đang phát triển. Cuộc sống người dân dần khá lên. Để có được hòa bình, ấm no, hạnh phúc như hôm nay, người dân Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung luôn ghi nhớ sự hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của các thế hệ đi trước.
PHÚC LƯU - MỸ LƯƠNG
(Còn nữa)