Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị (LLCT) đòi hỏi các nhà giáo cần phải có những đổi mới và sáng tạo. Hội thảo nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn LLCT tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Trường Chính trị tổ chức mới đây đã đề cập sâu đến vấn đề này để tìm hướng tháo gỡ.
ThS. Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. |
Chưa đáp ứng yêu cầu
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ths. Hoàng Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết, thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học LLCT như: duy trì sinh hoạt chuyên môn của trường, của khoa, phòng; thường xuyên dự giờ; thao giảng cấp khoa, cấp trường; tăng cường thực tiễn đi cơ sở bổ sung kiến thức thực tiễn; tham gia các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh để có thông tin, số liệu phục vụ giảng dạy và kiến thức thực tiễn tại địa phương.
Tuy nhiên, công tác giáo dục LLCT vẫn gặp một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nội dung chương trình còn nặng về mặt lý luận và nhẹ tính thực tiễn. Một số cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ việc học tập LLCT. Bên cạnh đó, do sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm lối sống của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến công tác giáo dục LLCT.
Ở góc độ giảng viên đứng lớp, TS. Nguyễn Thị Hồng Huệ, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh) cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT vẫn còn bất cập. Chẳng hạn, việc cập nhật thông tin, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong bài giảng của giảng viên chưa nhiều. Chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên chưa đồng đều, khả năng vận dụng phương pháp giảng dạy thiếu linh hoạt, sáng tạo, nội dung bài giảng còn nặng về lý thuyết, liên hệ thực tiễn còn hạn chế. Một bộ phận học viên chưa nhận thức đầy đủ nguyên tắc học đi đôi với hành, chưa tích cực chủ động tham gia phát biểu xây dựng bài, thụ động trong tiếp thu kiến thức.
“Theo tôi, nguyên nhân dẫn tới những tồn tại trên là một số giảng viên còn hạn chế về năng lực, kiến thức và phương pháp trình bày. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác trong học tập LLCT”, TS. Hồng Huệ cho biết.
Trung bình mỗi năm, Trường Chính trị tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng từ 40-60 lớp, với khoảng 4.000-5.000 lượt học viên. Trong đó có các lớp: trung cấp lý luận chính trị-hành chính; trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng quản lý Nhà nước ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính… |
Giảng viên thay đổi phương pháp dạy
Theo TS. Hồng Huệ, để nâng cao chất lượng dạy và học LLCT ngày càng tốt hơn, đáp ứng mục tiêu ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, cần phải thực hiện nhiều giải pháp. Đầu tiên phải nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho giảng viên ở hai khía cạnh, vừa học tập sâu hơn về Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vừa bổ sung kiến thức chuyên ngành, với các bộ môn: Nhà nước và pháp luât, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, vận động và tổ chức quần chúng… Hình thức bồi dưỡng, bổ sung kiến thức phải linh hoạt, sáng tạo, tránh máy móc, rập khuôn theo kiểu mở các lớp học độc thoại mà nên chuyển sang hình thức đối thoại, thảo luận ở các cơ sở hoạt động thực tiễn, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, giảng viên cần phải rèn luyện kỹ năng giảng dạy, thuyết trình, tổ chức tiết học, trong đó chú trọng những kỹ năng thường dùng của giảng viên như: nói, viết, đọc, trao đổi, chất vấn, ngôn ngữ cơ thể khi thao tác giảng bài.
“Nhà trường cần xây dựng chương trình học tập phù hợp với từng đối tượng học viên, cơ cấu môn học hợp lý, cân đối giữa nghe giảng, thảo luận. Thời gian học trên lớp và đi thực tế phải tương thích theo phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn thực tiễn. Giảng viên cần đánh giá kết quả học tập của học viên một cách chính xác, công tâm, tránh chạy theo thành tích”, TS. Hồng Huệ cho biết thêm.
ThS. Phạm Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh) cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học LLCT thì vai trò của giảng viên có yếu tố quyết định. Vì vậy, giảng viên cần phải nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích học tập. Muốn làm tốt điều này, ngoài nắm vững kiến thức, giảng viên còn phải vững vàng nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên luôn củng cố và hoàn thiện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ giảng dạy. Cùng với đó, giảng viên phải luôn xây dựng giáo án bài giảng bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong quá trình dạy, giảng viên cần đưa các nội dung thực tiễn vào học, cần chọn những yếu tố điển hình, sự kiện kinh tế-xã hội mang tính thời sự. Cách làm này giúp tạo sinh động, hấp dẫn và học viên có ấn tượng về môn học. “Giảng viên cũng nên hướng dẫn học viên, đọc sách, tự học và chuẩn bị bài trước ở nhà cụ thể, rõ ràng; học viên tra cứu tài liệu trên Internet và hướng dẫn thảo luận nhóm để tăng tính tự giác cho người học”, ThS. Thu Hà nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG