Nghề giáo đòi hỏi sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ. Với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ thì sự hy sinh, vất vả đó cần lớn hơn nhiều. Họ thực sự là người mẹ thứ hai của các em.
Cô Vũ Thị Như Ngọc (thứ 3 từ trái qua) bên các em học sinh khiếm thính học pha chế. |
Giúp các em trưởng thành
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến Nhà xã hội Long Hải, huyện Long Điền thăm lớp học do cô giáo Lê Thị Kim Duyên chủ nhiệm. Khung cảnh lớp học vô cùng ấm áp với những chậu hoa treo rực rỡ, góc học tập nhỏ xinh được bài trí gọn gàng... đã toát lên sự cẩn thận, tỉ mỉ, tận tâm của cô với học trò. Có lẽ chính điều này, đã giúp cô có đủ kiên trì, nhẫn nại để dìu dắt các em lớp 1 bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh làm quen với con chữ, phép tính; giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Cô Duyên vừa là giáo viên dạy tại Nhà xã hội Long Hải, vừa là Tổ trưởng Tổ dân cư số 3, KP. Hải Hà 1, TT. Long Hải, huyện Long Điền. Nhà xã hội Long Hải hiện có 6 lớp văn hóa với 122 trẻ. Có 3 lớp học nghề. Trung bình mỗi năm có 50 trẻ khuyết tật, NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn theo học. Cô Duyên đã gắn bó với nghề hơn 10 năm. Ngoài tình yêu với nghề cô còn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Hằng năm cô Duyên kêu gọi, vận động được khoảng 500 phần quà, mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng tới HS nghèo. Cô còn tự trích ra 50 triệu để giúp đỡ nhiều em HS khuyết tật có hoàn cảnh bất hạnh.
“Ở đời mọi người đều có mơ ước, khao khát có một cuộc sống bình thường, nhưng đối với các em học tại đây, từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, các em phải chấp nhận số phận để vươn lên và cần có những cánh tay giang rộng chở che, chắp cách cho những ước mơ. Công việc của tôi chỉ một phần nhỏ giúp các em hòa nhập cuộc sống và tôi cảm thấy hạnh phúc khi từng ngày nhìn thấy các em thay đổi, trưởng thành hơn,” cô Duyên chia sẻ.
Em L.V.B (9 tuổi, HS lớp cô Duyên) nói: “Em đã theo học cô Duyên 3 năm rồi. Cô luôn ân cần, nhẹ nhàng với chúng em. Em rất yêu mến cô”.
Xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình cũng có con là trẻ tự kỷ, cô giáo Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/1 Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) luôn thấu hiểu được những tâm tư, mong muốn của những phụ huynh học sinh có trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ. Bằng niềm tin mãnh liệt các em sẽ hòa nhập, học tập và sinh hoạt bình thường như bạn bè cùng trang lứa, hơn 10 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cô Lan đã đem hết tình yêu thương và những kinh nghiệm của mình có được để chăm sóc, chỉ bảo, rèn giũa từng học sinh của mình.
Chị B.T.L (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) bộc bạch: “Sau gần 2 năm theo học tại Trung tâm Phước An, cháu đã có nhiều thay đổi. Mạnh dạn hơn, thích đi học hơn. Xúc động nhất là khi cháu biết gọi “mẹ ơi” khiến tôi hết sức ngạc nhiên, không tin nổi vào tai mình nữa. Tôi ôm chặt lấy con và khóc bởi sự nỗ lực của vợ chồng tôi, cũng như của giáo viên tại đây đã có thành quả”.
Tình yêu và Hòa bình
Khác với những đứa trẻ bình thường, dạy dỗ những trẻ mắc những hội chứng bệnh đặc biệt còn khó gấp nhiều lần. Trong quá trình dạy học, cô giáo Vũ Thị Như Ngọc (GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) luôn gần gũi và mong muốn giúp học trò có một nơi làm việc, học tập, tiếp xúc với nhiều người để hòa nhập cộng đồng. Cô đã sáng lập quán cà phê mang tên “Love and Peace” (tạm dịch: Tình yêu và Hòa bình). Nhân viên là những học trò của cô dạy, dùng bàn tay làm ngôn ngữ giao tiếp.
Quán có 6 nhân viên là người khiếm thính bẩm sinh, để nhân viên thành thục công việc, cô Ngọc đã thuê thợ pha chế chuyên nghiệp về dạy nghề miễn phí. Các em tiếp thu rất nhanh và đam mê với nghề. Và gần một năm thì lượng khách khá ổn. “Tôi mong muốn góp phần nhỏ thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Họ không đáng thương hay là gánh nặng mà luôn có khát vọng lao động, muốn được cống hiến sức lực của mình cho xã hội và tự nuôi sống bản thân”, cô Ngọc chia sẻ.
Qua nhiều năm gắn bó với trẻ khuyết tật, chủ nhiệm trực tiếp dạy và chăm sóc các em HS, bằng tình yêu và sự tận tâm với nghề, có rất nhiều cô giáo vẫn đang từng ngày ân cần dạy bảo, chăm sóc những học sinh đặc biệt của mình. Sự tiến bộ ấy dù nhỏ thôi cũng là động lực lớn lao để các cô như cô Duyên, cô Lan, cô Ngọc vượt qua mọi khó khăn, trở ngại góp sức nhỏ bé của mình vào giúp các em khuyết tật được đến trường, được học tập và hòa nhập cộng đồng như bao em nhỏ cùng trang lứa khác.
“Nghề giáo là nghề cao quý nhất”, nhưng chọn nghề dạy HS khuyết tật, tự kỷ thì rất đáng được trân quý hơn bởi sự vất vả, hy sinh và sự “chịu đựng” gấp nhiều lần. Biết ơn những người đưa đò đặc biệt!
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG