Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) chưa cơ cấu đủ chi phí nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính thường xuyên. Vì vậy, các bệnh viện rất trông chờ vào Dự án Luật KCB (sửa đổi) lần này có sự điều chỉnh về giá dịch vụ KCB theo hướng tính đúng, tính đủ.
Y, bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu thực hiện một ca phẫu thuật. |
Gặp khó khăn về tài chính
Hiện nay, giá dịch vụ KCB đang thực hiện theo Thông tư 37/2018/TT-BYT, Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-KCB. Trong đó, giá dịch vụ KCB mới tính 4/7 yếu tố cấu thành, gồm: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. 3 yếu tố chưa được tính còn lại là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo - nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, các chi phí về thuốc, vật tư tiêu hao, tiền lương... tăng hàng năm giá nhưng giá dịch vụ KCB không điều chỉnh kịp. Sự bất hợp lý về giá dịch vụ KCB như hiện nay đã ảnh hưởng tới tài chính của các bệnh viện.
Bệnh viện Bà Rịa thực hiện tự chủ tài chính thường xuyên từ năm 2018 đến nay. Việc tính giá dịch vụ KCB chưa đủ, chưa đúng đã gây khó khăn cho bệnh viện. Đơn cử, từ năm 2017, bệnh viện áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tổng thể với 17 modul, gồm nhiều tính năng như: Xác định quy trình KCB, kết nối cổng thông tin điện tử với BHXH, chỉ định KCB… đem lại nhiều tiện ích cho bệnh nhân, nhân viên y tế và đơn vị.
Theo tính toán, mỗi năm, Bệnh viện Bà Rịa phải chi từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để vận hành hệ thống phần mềm này. Tuy nhiên, chi phí ứng dụng công nghệ thông tin chưa được tính vào yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên cử y, bác sĩ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn sau đại học và bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, nhưng giá dịch vụ KCB chưa tính phí đào tạo. Trong khi nguồn thu của bệnh viện đang bị thâm hụt nên không có nguồn chi hỗ trợ học phí cho các lớp đào tạo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc, Phụ trách Bệnh viện Bà Rịa cho biết: “Giá dịch vụ KCB hiện nay không những chưa tính đủ, tính đủ mà chưa tính chi phí trượt giá của thuốc, vật tư… khiến cho bệnh viện thu không đủ chi. Vì vậy, bệnh viện gặp khó khăn trong việc trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động”.
Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện Vũng Tàu cũng cho rằng, giá dịch vụ KCB hiện nay chưa hợp lý đã khiến bệnh viện gặp khó khăn trong duy trì hoạt động. Do đó, bệnh viện phải sử dụng các nguồn thu khác để chi trả chi phí cho những yếu tố chưa được cấu thành trong giá dịch vụ KCB.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu phân tích, lương cho cán bộ, nhân viên y tế là một trong những yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB. Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương cơ sở 2 lần và dự kiến từ tháng 7/2023 sẽ tăng mức lương cơ sở thêm lần nữa. Thế nhưng, mức lương kết cấu vào giá KCB vẫn không thay đổi.
Theo bác sĩ Phước, trong cơ sở y tế thì việc quản lý rác thải y tế rất quan trọng. Song chi phí thực hiện công tác này cũng chưa được tính vào giá dịch vụ KCB. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện phải chi khoảng 100 triệu đồng để xử lý rác thải. “Do không được tính vào giá dịch vụ KCB nên bệnh viện phải tính toán, sử dụng các nguồn khác để chi cho các hoạt động nói trên. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và người lao động”, bác sĩ Phước nói.
Điều chỉnh giá dịch vụ KCB
Tại chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận về Dự án Luật KCB (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngành y tế. Đại diện các bệnh viện mong rằng, Luật KCB (sửa đổi) lần này sẽ có sự điều chỉnh kịp thời và phù hợp cũng như có những cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế hoạt động và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước cho hay: “Trong dự thảo Luật KCB (sửa đổi) lần này, tôi quan tâm đến vấn đề tự chủ tài chính ở các bệnh viện. Tôi mong Luật sẽ có quy định mới về giá dịch vụ KCB theo hướng tính đủ, tính đúng. Mặt khác, cần có cơ chế thoáng hơn để các bệnh viện công đang thực hiện tự chủ tài chính thường xuyên có thêm điều kiện bảo đảm nguồn thu, chi, duy trì hoạt động ổn định”.
Không chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhiều bệnh viện trong cả nước cũng đã đề xuất Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) thông tin, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá KCB bằng thẻ BHYT, phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ BHYT. Giá dịch vụ BHYT phải tuân thủ quy định pháp luật và khung giá của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM