Vợ chồng chớ nên hà tiện... tiếng cười

Thứ Sáu, 28/10/2022, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Thật lạ cho tâm lý của con người ta, khi mới yêu đương tán tỉnh thì lúc nào cũng cười. Nói chuyện qua điện thoại cũng cười. Nhắn tin bao giờ cũng kèm theo hình gương mặt cười. Phải thế thôi. Có như thế người ta mới hài lòng, vui vẻ đặng được việc cho mình.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Nhưng rồi kỳ lạ thay, sau khi đã trở thành vợ chồng thì họ lại thay vào đó gương mặt khác hẳn, chẳng mấy khi cười. Dù chứng kiến vợ, chồng làm điều gì tốt nhưng họ đã không khen lấy một câu lại còn giữ gương mặt lạnh như cà rem. Chán thế.

Đôi khi, cứ tưởng rằng để trưởng thành, con người ta chỉ cần học ăn, học nói, học gói, học mở… là đủ. Nhưng không hẳn thế, còn phải tập cười nữa. Thử hỏi vợ chồng nào lại không có lúc măt nặng mày nhẹ. Sở dĩ như thế, đôi khi không phải lỗi của một nửa, mà chính là mối quan tâm cơm áo gạo tiền khiến họ cau có khó ưa. Vâng, có những lúc nhìn vào mắt nhau, trong lòng bực bội quá, đang cáu gắt những muốn quát lên một câu cho nhẹ lòng nhưng rồi có người lại cười. Nhờ thế, mối quan hệ đôi bên dần dà chuyển qua một gam màu khác, tươi sáng hơn.

Một nụ cười kịp thời, đã hóa giải được bao nhiêu chuyện gay cấn có thể sấm vang chớp giật sẽ xảy ra trong tích tắc. Lúc ấy, những tưởng đôi bên có thể nhảy vào ăn tươi nuốt sống, nhưng rồi, khi nhìn thấy nụ cười, lòng lại dịu xuống.

Tôi nhớ đến một chi tiết thú vị trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, sở dĩ họ dù nghèo nhưng bao giờ cũng êm ấm, hạnh phúc vì biết giữ cho nhau tiếng cười qua lời ăn tiếng nói. Trong nhà có bộ ghế là quý nhất, sang trọng nhất nhưng một hôm cô vợ bảo chồng: “Này, cậu ạ! Người nhà quê họ vô ý lắm. Mình có của thì mình phải giữ gìn. Hay là ta đem cất những cái ghế mây đi, kẻo để ai vào cũng leo lên ngồi chồm chỗm, mấy chốc mà vứt đi?”.

Nghe kỳ cục không?

Thế nhưng, thay vì cãi lại với thói bủn xỉn, hà tiện quá đáng ấy, anh chồng chỉ mỉm miệng cười và… lẳng lặng làm theo. Và, đây là lúc “những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Ðiền cũng khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Ðiền gọi vợ, con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Ðiền dùng mà gác chân. Họ ngồi ghế, đợi trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con lớn không bắt gãi thì hạnh phúc thật hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay chất ở lòng. Ánh trăng êm xoa nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả. Trán vợ Ðiền hóa phẳng phiu, mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra mười tuổi. Những phút thảnh thơi ấy, sao mà thị hiền dịu thế! Ðáng yêu đến thế! Ðiền không nhận ra một chút gì ở thị nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở, mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om sòm lên suốt ngày. Thị cúi xuống đứa con nhỏ, đồng thời ngước đôi mắt âu yếm nhìn con lớn. Ðứa con lớn cười với thị. Thị cười với nó. Thị cười với chồng. Ðiền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Ðiền mỉm cười với giăng”.

Nếu ngay lúc nghe lời đề nghị của vợ, người chồng cau có cãi lại thì làm sao có giây phút này. Cũng theo nhà văn Nam Cao: “Khi người ta cáu, mặt người ta co rúm lại. Cổ người ta bị tắc. Máu tiết ra chất độc. Có hại cho sức khỏe ghê lắm đấy! Nhưng nếu ngay lúc ấy người ta cố mỉm cười một cái thì mọi sự tiêu tan hết. Mặt tươi ra. Có thoang thoáng chất độc trong người theo hơi thở thoát ra ngoài hết. Người trẻ lại. Nụ cười chính là một vị thuốc tiêu đàm, tẩy độc, lượng huyết và bổ tâm, phổ phế, bổ tì, bổ vị, bổ can, bổ thận, chẳng cái gì không bổ. Tiên dược đấy. Nó cải lão hoàn đồng rất mạnh”.

Từ góc độ tâm lý, đừng tìm đâu xa, cứ đọc lại ca dao sẽ thấy sự khôn khéo của ông bà ta. Ngày nọ, anh chồng đùng đùng nổi giận, quát tháo ầm ĩ thì cô vợ vẫn nhẹ nhàng, không tay đôi hơn thua một mất một còn:

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười chúm chím: Thưa anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

Nhìn “miệng cười chúm chím”, lạ thay bao nhiêu nỗi bực bội trong lòng tiêu tan hết, cứ như u ám tan dần khi ánh nắng quang đãng đang rọi tới dần!

Vậy, để hằng ngày có được nụ cười, phải làm sao? Lòng yên vui ắt có tiếng cười. Lòng an tịnh, khoan dung ắt trên môi nụ cười tìm đến. Tôi không tin một người sống trong tâm trạng u uất, nhìn đâu cũng thấy sự bi quan, đáng ghét lại có thể cười. Muốn cười được, trước hết phải tự mình quét sạch mây mù ấy đang cuồn cuộn trong lòng. Chà, dễ dàng quá. Vâng, dễ dàng lắm nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Có những lúc thay vì cười, họ lại quên béng đi mà chìa ra cái bộ mặt đưa đám, cau có nên lời lẽ chì chiết cứ thế tuôn ra…

Vậy thế nào là cười? Ai cũng có câu trả lời, tùy quan niệm mỗi người. Với tôi, dù quan niệm thế nào thì phải tập cười, nghĩa là tập thay đổi cái nhìn về thế giới chung quanh theo hướng tích cực hơn; tập tìm lấy sự tích cực trong sự hỗn độn va chạm của mỗi ngày để có thể nở cười lạc quan và yêu lấy cuộc đời, nhất là trong đời sống vợ chồng mà cả hai ăn đời ở kiếp với nhau. Thế thì, dù hà tiện cái gì cũng được nhưng trong đó chớ có tiếng cười/ nụ cười…

LÊ MINH QUỐC

;
.