Tăng lương, ai cũng chờ!
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đều chờ đợi Quốc hội chốt phương án tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023.
Cán bộ, công chức, viên chức mong được sớm tăng lương cơ bản. Trong ảnh: CB-CCVC Bộ phận một cửa TP.Bà Rịa trong giờ làm việc. |
Mong muốn điều chỉnh tăng lương từ 1/1/2023
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, ban đầu việc cải cách tiền lương CBCCVC dự kiến áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 nên Trung ương đã quyết định lùi cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp.
Ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đã có gần 40.000 CBCCVC nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống. |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như sau: Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ tăng lương cơ sở cho CBCCVC khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng khoảng 20,8%), dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp. Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương 6 được thông qua thì từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với CBCCVC khu vực công sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.
Trước vấn đề này, phóng viên đã có khảo sát nhanh về việc tăng lương cơ sở. Khi được đề cập về việc tăng lương, nhiều ý kiến CBCCVC trên địa bàn tỉnh bày tỏ mong muốn Chính phủ tăng lương ngay từ đầu năm 2023 để người lao động phấn khởi.
Cô Đỗ Vũ Hạ Quyên, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (TP.Bà Rịa) bày tỏ: “Thực tế, lương không đủ chi bởi hiện nay mọi khoản chi tiêu đều tăng. Chúng tôi mong muốn được tăng lương cơ sở từ đầu năm 2023. Nếu được tăng lương sớm sẽ góp phần hỗ trợ tích cực trong cải thiện đời sống của những người sống dựa vào lương”.
Nhiều CBCCVC đều bày tỏ mong muốn Quốc hội chốt phương án tăng lương cơ sở ngay từ 1/1/2023 vì đội ngũ CBCCVC rất mong mỏi đời sống giảm bớt khó khăn, thu nhập được cải thiện.
Điều chỉnh mức lương hợp lý để “giữ chân” CBCCVC
Dù công tác hơn 25 năm trong ngành y nhưng mức lương của bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Bà Rịa hiện tại chỉ hơn 8,2 triệu đồng/tháng, tính cả phụ cấp. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung bày tỏ: “Nhìn vào khối lượng công việc, áp lực của đội ngũ y tế hiện nay có thể thấy, mức lương được trả của chúng tôi rất thấp so với mặt bằng chung. Nhiều nhân viên y tế, bác sĩ điều dưỡng bỏ việc vì thu nhập thấp, áp lực công việc nặng nề. Do vậy, để lực lượng y tế yên tâm gắn bó với nghề, chăm sóc tốt sức khỏe người dân thì việc tăng lương lúc này là điều hợp lý. Thực tế, ngoài lương cơ bản thì chúng tôi không có nguồn thu nhập nào khác”.
Thảo luận tại tổ trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết đây là thời điểm chín muồi để cải cách chính sách tiền lương. “Thu nhập bình quân theo khảo sát của chúng tôi tại TP.HCM bình quân để một người dân của thành phố sống được là 6,5 triệu đồng. Trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng thì sống thế nào, chưa kể còn gia đình, con cái… Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh”. |
Trên thực tế, mức lương của CBCCVC vốn đã thấp thì nay phải xoay xở để gồng gánh đủ khoản chi phí sinh hoạt do giá cả tăng liên tục. Điều đó khiến cuộc sống của CBCCVC càng khó khăn hơn. Để có thể xoay xở cho cuộc sống, nhiều CBCCVC xin nghỉ việc nhằm tìm công việc khác với mức thu nhập ổn hơn. Đó là nguyên nhân khiến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua rơi vào tình trạng thiếu người làm.
Chị Lê Thị Thanh Hằng, Chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng (huyện Long Điền) cho rằng: “Thấy nói tăng lương cơ sở tôi rất mừng. Tăng lương là nguyện vọng chung của tất cả CBCCVC vì trong thời buổi hiện nay vật giá thị trường leo thang, tăng lương hợp lý để cho CBCCVC yên tâm gắn bó với công việc”.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN