Giúp học sinh sớm định hướng tương lai
Năm 2022, lần đầu tiên chương trình “Tham quan, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT” được tổ chức một cách quy mô, sâu rộng cho HS trung học trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã góp phần giúp các em HS sớm xác định được con đường tương lai của mình.
Giảng viên Trường CĐ Quốc tế Tuệ Đức VABIS giới thiệu cấu tạo máy lạnh cho HS Trường THCS Võ Trường Toản. |
Học sinh tham quan ngành nghề
Trưa 6/10, hơn 200 HS lớp 9 cùng Ban Giám hiệu, GV, phụ huynh Trường THCS Võ Trường Toản (TP. Vũng Tàu) đã có mặt tại Trường CĐ Quốc tế Tuệ Đức Vabis (TX. Phú Mỹ). Tại đây, các em HS rất háo hức vì không chỉ được tham gia các lớp học lý thuyết và thực hành các ngành nghề mà còn được trải nghiệm tại khu thể thao và giao lưu văn nghệ cùng SV của trường.
Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh (HS lớp 9A2) hào hứng kể: “Trước đây, em chưa có định hướng về ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn trong tương lai. Nhưng sau khi được trải nghiệm, hiểu được đặc trưng và yêu cầu của mỗi ngành nghề, em thấy rất hào hứng với ngành logistics. Em nghĩ rằng việc được tìm hiểu sớm về nghề nghiệp là rất bổ ích và cần thiết vì sẽ giúp chúng em có định hướng vững chắc hơn cho tương lai”.
Đồng hành cùng con trong chuyến tham quan, trải nghiệm này, bà Nguyễn Thị Liên, phụ huynh em Đinh Chí Hiếu Nghĩa cho hay: “Ngoài việc học tập kiến thức sách vở, các con cần được trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm để định hình được nghề nghiệp tương lai. Có như vậy, các con mới có mục tiêu rõ ràng và có ý chí phấn đấu, rèn luyện để thực hiện mục tiêu đó”. Theo bà Liên, việc định hướng nghề nghiệp sớm cho HS giống như tạo dựng một hình tháp. Từ kiến thức nền tảng ban đầu về nghề nghiệp, qua thời gian, HS sẽ dần khoanh vùng được những lĩnh vực phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân mình, có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai.
Trường THCS Võ Trường Toản là ngôi trường đầu tiên của bậc THCS “mở màn” chương trình “Tham quan, hướng nghiệp cho HS THCS, THPT” do Sở LĐTBXH phối hợp với Sở GD-ĐT và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức. “Chương trình thực sự là một buổi học tập hiệu quả đối với HS. Ở đó, học sinh được đóng vai như một SV, một kỹ sư. Các em được hòa mình vào cuộc sống tương lai để tìm thấy những tố chất tiềm ẩn của mình trong những ngành nghề khác nhau. Đây thực sự là một bài học quý báu mà các em không thể tìm hiểu trong sách vở”, ông Trương Văn Hổ, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản khẳng định.
Cũng theo ông Hổ, hoạt động tham quan, trải nghiệm giúp HS có hứng thú, hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp. Từ đó, các em có ý thức rèn luyện những phẩm chất cần thiết của người lao động và lập được kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản. Điều này góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng HS sau THCS.
“Hoạt động trải nghiệm thực tế nghề nghiệp là rất cần thiết. Đây là hoạt động giúp HS nhìn nhận rõ hơn về nghề nghiệp chứ không phải đưa các em tới trường đào tạo nghề để định hướng cho các em vào học tại đây. Chương trình tham quan, hướng nghiệp cho HS trung học cần tổ chức xuyên suốt và mở rộng cho HS các cấp học kháC tham gia, chứ không chỉ có HS cuối cấp. Bên cạnh đó, nên mở rộng “điểm đến” tham quan, trải nghiệm tới các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyện vọng ngành nghề mà HS muốn tìm hiểu để hoạt động hướng nghiệp ngày càng thiết thực và hiệu quả”.
Ông Trần Văn Sơn, GV Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Đất Đỏ
|
Hoạt động hướng nghiệp còn nhiều hạn chế
Ông Trương Văn Hổ cho rằng, hiện nay, hoạt động hướng nghiệp trong trường học còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, hoạt động này vướng phải định kiến từ cha mẹ HS. “Phần lớn phụ huynh HS, thậm chí cả GV có chung suy nghĩ chỉ những HS học dốt, học dở mới cần được hướng nghiệp sớm để tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Định kiến đó ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của HS. Nó khiến cho các em chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức của các môn văn hóa mà xem nhẹ vai trò của việc định hướng nghề nghiệp. Trong khi đó, giáo dục hướng nghiệp rất quan trọng trong bước đường tương lai của trẻ. Do đó, GV và phụ huynh HS cần được “đả thông tư tưởng” về vấn đề này”, ông Hổ nói.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu chất lượng giáo dục văn hoá cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cán bộ quản lý và GV các nhà trường, khiến cho hoạt động hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, có nơi gần như bỏ ngỏ. Ngoài ra, kinh phí để thực hiện công tác hướng nghiệp trong trường học không nhiều nên các trường khó có thể tổ chức một cách quy mô và xuyên suốt.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Sơn, GV phụ trách môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) chia sẻ, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời thì hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mới chính thức trở thành một môn học trong chương trình chính khóa. Còn trước đây, hoạt động này được tổ chức một cách tự phát, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa của các trường. Các ngành chức năng cũng chưa thực sự quan tâm, phối hợp còn lỏng lẻo trong việc phân luồng, hướng nghiệp cho HS. Việc hướng nghiếp cho HS chủ yếu mang tính lý thuyết, dừng lại ở việc cung cấp thông tin về ngành học.
Điều đó đã dẫn tới tình trạng HS đăng ký nguyện vọng dự thi ĐH nhưng lại không có hiểu biết gì về ngành nghề mình đăng ký. Điều này dẫn tới các em không gắn bó lâu dài với ngành học hoặc với công việc mình đã được đào tạo, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của chính các em và cả gia đình, xã hội.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG