.

Suy nghĩ về dạy Văn của cô giáo trường chuyên tạo ấn tượng với Bộ trưởng

Cập nhật: 19:04, 31/10/2022 (GMT+7)

Một ngày cuối tháng 10, sau khi bài viết về đổi mới phương pháp dạy văn của cô Đỗ Thúy Dương, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đăng tải trên một tạp chí giáo dục, cô Thúy Dương bất ngờ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn liên hệ để trao đổi và khích lệ.

Cô Đỗ Thị Thúy Dương nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh lại Lễ Tuyên dương GV, HS giỏi năm học 2021-2022.  Ảnh: KHÁNH CHI
Cô Đỗ Thị Thúy Dương nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh lại Lễ Tuyên dương GV, HS giỏi năm học 2021-2022. Ảnh: KHÁNH CHI

Cuộc trao đổi đặc biệt

Sáng 21/10, bài viết “Đổi mới phương pháp dạy Văn, GV không cần dạy hết các văn bản trong SGK” của cô Đỗ Thúy Dương được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ngay chiều hôm đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với cô Thúy Dương. Bộ trưởng cho biết, đã đọc bài viết của cô Dương và rất quan tâm tới những ý kiến cô Dương chia sẻ với tư cách là người triển khai thực tế đổi mới dạy và học môn Ngữ văn. Qua trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khích lệ, gợi ý cô Thúy Dương tiếp tục góp ý từ thực tế bản thân trong triển khai đổi mới dạy và học môn Ngữ văn: GV cần làm gì, gặp khó khăn gì và nên hỗ trợ, thống nhất trong cả nước ra sao.

Cô Thúy Dương chia sẻ, bản thân cô rất bất ngờ và xúc động khi được Bộ trưởng quan tâm, lắng nghe, chia sẻ. “Đó là nguồn động lực và niềm tin để tôi tiếp tục cống hiến vì HS thân yêu… Tôi mong quý thầy cô giáo trên cả nước mạnh dạn lên tiếng, góp ý xây dựng ngành giáo dục. Những ý kiến, kinh nghiệm dạy học của quý thầy cô sẽ góp phần khẳng định vị thế ngành giáo dục trong xã hội”, cô Thúy Dương gửi gắm.

Được sự động viên của “Tư lệnh ngành”, cô Thúy Dương đã mạnh dạn gửi thư cho Bộ trưởng nói lên tiếng nói từ cơ sở. Theo đó, cô Thúy Dương định hình chương trình mới trên 3 điểm nổi bật: tính mở; kết nối Ngữ văn - đời sống (vận dụng giải quyết các tình huống thực tiễn); chú trọng "cách" chứ không phải "cái".
“Nhiều thầy, cô đứng lớp hiện nay thường chờ đợi làm sẵn, quy giản về một vài công thức để đạt kết quả cao. Câu chuyện này khiến tôi suy tư: chương trình mở nhưng người triển khai đã thực sự sẵn sàng khai phóng hay chưa? Khi những mắt xích còn vướng mắc thì bánh xe vận hành có trơn tru?”, cô Dương trăn trở.

Đừng để kỹ thuật làm Văn học xác xơ

Cô Dương chia sẻ, thực tế, nhiều thầy cô khi nhìn vào SGK mới, cảm giác rất hoang mang: Làm sao trong vòng hơn mười tiết mà dạy được ngần ấy văn bản? Trong khi với trọng tâm dạy "cách", thì SGK cũng chỉ là một gợi ý. Dạy bao nhiêu văn bản không quan trọng mà chủ yếu dạy để HS nắm được đặc trưng thể loại. Cô Dương nhận định: “Suy nghĩ đóng khép, cứng nhắc phải đi qua hết các văn bản khiến chương trình vốn nhẹ nhàng, tự do lại trở nên nặng nề, trói buộc. Vậy trước tiên, thầy cô nên thay đổi tư duy từ “phải dạy hết” văn bản bằng việc “lựa chọn dạy” văn bản nào trong SGK (thậm chí ngoài SGK), miễn sao phù hợp với đối tượng HS của mình”.

Bên cạnh đó, cô Dương cũng chia sẻ những khó khăn mà GV gặp phải trong đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn. Cô Dương cho rằng, với thói quen thi gì học nấy vốn hằn sâu, nhiều thầy cô đang chờ xu hướng ra đề để định vị việc dạy trong nhà trường. Mặt khác, đối với kiểm tra đánh giá, việc lấy văn bản ngoài SGK vào đề thi tập trung cũng có khó khăn. “Đành rằng phân tích đặc trưng thể loại, nhưng muốn hiểu đúng các đặc trưng thể loại đó cũng cần phải hiểu bối cảnh (hoàn cảnh ra đời, thông tin về chủ thể sáng tạo - tác giả), phải đặt trong chỉnh thể của toàn bộ văn bản”, cô Dương nhấn mạnh.

Cô Thúy Dương đề nghị, bên cạnh lộ trình đổi mới dạy và học, ngành cần sớm công khai lộ trình kiểm tra đánh giá. Trong bước đầu của thực tế đổi mới, GV rất cần được thống nhất, hỗ trợ từ Bộ GD-ĐT về đề minh họa các kỳ thi tập trung (giữa kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2, cuối kỳ 2, thi ĐH) trên toàn quốc để bảo đảm một mặt bằng nhất định giữa các vùng miền.

Thay cho lời kết trong thư gửi Bộ trưởng, cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ tâm tư: Nhiều thầy cô bị ngợp, sợ hãi mình không nắm được công nghệ thông tin, kỹ thuật dạy học mới. Dường như có một lệch lạc khác là: Chúng ta đang dạy để chứng minh cho đổi mới chứ không phải đổi mới để việc dạy trở nên hiệu quả hơn. Nhất là với đặc thù Ngữ văn, là một môn Khoa học Nghệ thuật, cái cuối cùng là dạy sao cho trẻ sống (được một phần nhờ Ngữ văn) và trẻ thích (sau khi học Ngữ văn), tâm hồn được bồi đắp, thẩm mỹ được phát triển.

"Làm sao bước ra khỏi lớp, gấp trang sách lại, trẻ thấy văn lấp lánh trong đời, trẻ hướng thiện tới những vùng thẩm mỹ cộng đồng và kích hoạt, sinh thành vùng thẩm mỹ riêng. Làm sao để dạy học Ngữ văn góp phần tạo nên một cái tôi thiện lành, độc lập. Đừng để kỹ thuật, phương pháp làm cho xác xơ. Rất mong có một lưu ý rõ ràng từ Bộ GD-ĐT để thầy cô bớt tâm lý nặng nề và hiểu đúng về cái đích sau cuối, giản dị của việc dạy học Ngữ văn”, cô Dương gửi gắm.

HOÀNG DƯƠNG

Cô Đỗ Thị Thúy Dương là cựu học sinh Trường chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), từng đạt giải Nhất Kỳ thi HS giỏi Quốc gia năm 2004. Sau khi tốt nghiệp loại Giỏi ngành Sư phạm Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô học tiếp Thạc sĩ về Khoa học giáo dục. Đầu năm 2011, cô về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, được tín nhiệm giao nhiệm vụ lãnh đội đội tuyển HS giỏi quốc gia môn Ngữ văn.

 

.
.
.