Điều trị nội trú tăng, ngoại trú giảm
Sau hơn 6 tháng chuyển lên cơ sở mới (27 đường 2/9, phường 11, TP.Vũng Tàu), Bệnh viện Vũng Tàu đã hoạt động ổn định. Cũng kể từ đó đến nay, bệnh viện luôn nằm trong tình trạng quá tải bệnh nhân ở khối điều trị nội trú. Nhưng ngược lại, số người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú bị sụt giảm đáng kể.
Bộ phận lọc máu của Bệnh viện Vũng Tàu đang chạy hết công suất để phục vụ bệnh nhân. |
Tối 2/10, ông Trần Xuân Lộc (77 tuổi, 378A Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) đau bụng dữ dội kèm theo chướng bụng nên bác sĩ cho nhập viện điều trị tại Khoa Tim mạch - Lão học. Thế nhưng, bệnh nhân ở khoa đang quá tải nên ông Lộc cùng một số bệnh nhân khác được bố trí giường nằm tại khu vực làm việc của nhân viên y tế. Dù không được nằm trong phòng bệnh nhưng ông vẫn tỏ ra hài lòng và chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện Vũng Tàu. Ông Lộc cho hay: “Người bệnh đông nên bệnh viện mới kê thêm giường cho chúng tôi nằm bên ngoài. Tôi thấy ở đây thoáng mát, nhân viên y tế quan tâm, chăm sóc chu đáo nên không có gì bất tiện”.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu làm việc của nhân viên y tế của Khoa Tim mạch - Lão học đang được sử dụng để kê 5 giường nằm cho bệnh nhân. Tất cả các giường này đều có bệnh nhân. Các phòng bệnh khác cũng đều phải kê thêm giường. Bác sĩ Mai Thị Chinh, Khoa Tim mạch - Lão học cho hay, khoa có thiết kế 26 giường bệnh, nhưng nay phải kê lên 78 giường mới đáp ứng nhu cầu của người bệnh, đặc biệt có ngày cao điểm phải kê lên 80 giường. Hầu hết bệnh nhân đến nhập viện tại khoa mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, viên phổi… “Khi ở trụ sở cũ tại 22 Lê Lợi, khoa có quy mô 45 giường bệnh nhưng đến cơ sở mới thì bị giảm 19 giường. Hơn nữa, khoa còn tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân ở các địa bàn khác ngoài TP.Vũng Tàu. Đó là những lý do khiến khoa bị vượt công suất giường bệnh”, bác sĩ Chinh thông tin thêm.
Bộ phận lọc máu (trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) có 27 máy lọc máu, trong đó có 2 máy dành cho bệnh nhân cấp cứu. Hiện khoa đang tiếp nhận lọc máu cho gần 140 bệnh nhân. Đó là chưa kể có hơn 15 bệnh nhân ở huyện Châu Đức, TX.Phú Mỹ đã đăng ký lọc máu tại Bệnh viện Vũng Tàu bởi Bệnh viện Bà Rịa cũng đang quá tải. Để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh, Khoa Lọc máu đã bố trí chạy thận cho bệnh nhân 3 ca/ngày. Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, trung bình mỗi người bệnh phải được lọc máu 3 lần/tuần. Nếu như người bệnh không được lọc máu định kỳ thì rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Vì thế, việc duy trì lọc máu thường xuyên, theo định kỳ là rất cần thiết để kéo dài sự sống. Với số máy lọc máu như hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh, trong khi còn một số người đăng ký lọc máu mà khoa chưa tiếp nhận. Bác sĩ Phương Nga nói thêm: “Ban đầu bộ phận lọc máu được thiết kế 20 máy. Khi bệnh nhân đông nên bệnh viện đã tận dụng 7 máy từ trụ sở cũ lên nên mới được 27 máy lọc máu. Chúng tôi đang nỗ lực chạy hết công suất để phục vụ bệnh nhân”.
9 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Vũng Tàu điều trị nội trú cho 17.000 lượt bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 110%. Trước sự quá tải của khu nội trú cũng như mong muốn nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn và khách du lịch, Bệnh viện Vũng Tàu đã đề xuất Sở Y tế kiến nghị với UBND tỉnh xây dựng bệnh viện giai đoạn 2 với một số hạng mục. Trong đó có xây dựng bổ sung khối điều trị nội trú 150 giường bệnh, diện tích khoảng 1.196m2. Đề xuất này đã được UBND tỉnh đồng ý và đã giao cho các sở, ngành liên quan và TP.Vũng Tàu tiến hành khảo sát quỹ đất, lựa chọn một khu đất để xây dựng thêm 150 giường bệnh kế bên bệnh viện hiện nay. |
Trái ngược với sự quá tải ở khu điều trị nội trú, khu ngoại trú của Bệnh viện Vũng Tàu đạt thấp, giảm khoảng 40% so với trước dịch. Số bệnh nhân đến khám ngoại trú giảm từ khi bệnh viện chuyển về cơ sở mới. Tính tháng đầu năm 2022, bệnh viện đã khám cho hơn 240.000 lượt bệnh nhân, giảm khoảng 95.000 lượt so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử như trước đây, trung bình mỗi ngày Khoa Y dược Cổ truyền có 300 bệnh nhân đến khám. Nhưng từ khi chuyển về cơ sở mới, khoa chỉ có khoảng 150 bệnh nhân/ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Y dược Cổ truyền, người bệnh chủ yếu của khoa là người cao tuổi, đi lại khó khăn. Sự bố trí vị trí của khoa chưa phù hợp (tầng 4) khiến người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển. Theo đó, phòng khám bệnh được bố trí ở tầng trệt, nên khi lấy thuốc và thực hiện thủ thuật thì người bênh phải lên tầng 4. Điều này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ người dân đến khám và điều trị ngoại trú của khoa.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG