Xử lý dứt điểm ô nhiễm tại sông Cửa Lấp và kênh Rạch Bà
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm, trường hợp vi phạm nhiều lần, không để phát sinh các cơ sở mới. Đó là yêu cầu của ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu khi khảo sát thực tế tại sông Cửa Lấp và kênh Rạch Bà- 2 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường sáng 4/10.
Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu và các đơn vị chức năng khảo sát tình trạng ô nhiễm khu vực sông Cửa Lấp. |
Ô nhiễm nghiêm trọng
Cùng Đoàn công tác của TP. Vũng Tàu đi từ đường Phước Thắng (phường 12) qua khu dân cư rồi ra phía chân cầu Cửa Lấp, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sự ô nhiễm của khu vực này. Nước ở một đoạn dài hơn 3km ven sông Cửa Lấp và những con mương quanh các nhà dân có màu đen kịt và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tại khu vực đường Bờ Đê dọc chân cầu Cửa Lấp, hàng trăm ống nước, ống xả được lắp đặt từ các cơ sở chế biến hải sản xả thẳng ra sông. Men theo phía sau lưng các nhà máy chế biến thủy sản, Đoàn ghi nhận hàng trăm mét chiều dài mương nước chứa nước thải của các nhà máy, đen ngòm và nồng nặc mùi hóa chất, hải sản.
Nước của kênh Rạch Bà đoạn chảy qua địa bàn phường 11 đen ngòm, ô nhiễm nghiêm trọng. |
Dọc bờ sông ngổn ngang các túi ni lông, thùng xốp, rác thải sinh hoạt đến cả các loại vỏ sò, vỏ nghêu, vỏ hàu… “Khi trời mưa hoặc gió chướng, người dân ở đây không ai chịu nổi mùi hôi thối, nhà nào cũng phải đóng bít cửa và ở hẳn trong nhà. Vào mùa mưa, khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch sốt xuất huyết vì nước tù đọng, ô nhiễm, khiến muỗi phát triển nhanh”, bà Nguyễn Thị Phương Liên, Tổ trưởng Tổ dân phố 55, phường 12 chia sẻ.
Theo Phòng TN-MT, sở dĩ khu vực Cửa Lấp bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản trong khu dân cư và các tàu thuyền xả thẳng ra sông. Theo thống kê của UBND phường 12, hiện trên địa bàn phường có 38 cơ sở chế biến hải sản được cấp phép. Nhưng thực tế lại có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ không được cấp phép vẫn hoạt động và không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số cơ sở có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra, lén lút xả thải ra sông.
Cùng ngày, Đoàn công tác cũng khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực ven kênh Rạch Bà và ghi nhận dòng kênh này đang bị chất đầy rác, chai nhựa, túi ni lông... Trong đó, ô nhiễm nặng nề nhất là đoạn kênh qua phường 11 với nước kênh đen ngòm, mùi hôi thối khó chịu. Theo Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, năm 1993, bề rộng lòng kênh của toàn tuyến từ 8-18m. Tuy nhiên đến nay, lòng kênh toàn tuyến đã bị thu hẹp, trung bình chỉ còn 4m. Nhiều khu vực bờ kênh bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, công trình, trồng trọt… Kênh Rạch Bà đã không còn phát huy được vai trò là kênh thoát nước chính của thành phố mà đã trở thành một cái ao lớn tù đọng nước và ô nhiễm nghiêm trọng.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách
Trước thực trạng ô nhiễm tại sông Cửa Lấp và kênh Rạch Bà, TP. Vũng Tàu xác định bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm là nhiệm vụ cấp bách để cứu sông, cửa biển; đồng thời là giải pháp để chống ngập cho thành phố. Theo đó, thành phố giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng, địa phương liên quan thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm xử lý, khắc phục ô nhiễm khu vực này.
Sông Cửa Lấp (phường 12, TP. Vũng Tàu) đầy rác và nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản xả trực tiếp ra môi trường. |
Theo Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Trần Đình Khoa, trước mắt, các đơn vị chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm. Các trường hợp vi phạm nhiều lần và không có biện pháp xử lý triệt để buộc ngừng hoạt động, không để phát sinh các cơ sở mới. Đồng thời yêu cầu các cơ sở chế biến hải sản trong thời gian chưa di dời phải có các giải pháp tổng thể, xử lý các chất thải phát sinh đạt chuẩn trước khi xả thải; ngăn chặn các nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống dẫn nước thải thoát ra khu vực Cửa Lấp.
Về lâu dài, các cơ sở chế biến hải sản phải di dời ra khỏi địa bàn khu dân cư. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt các trường hợp chế biến hải sản đang hoạt động trên địa bàn thành phố phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động; thành phố đang triển khai kế hoạch di dời theo lộ trình đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành việc di dời.
Đối với khu vực kênh Rạch Bà, lãnh đạo thành phố yêu cầu tổ chức nạo vét và thu gom rác trôi nổi trên tuyến kênh thoát nước; ngăn chặn, xử lý không để lấn chiếm lòng kênh; kiểm soát chặt các hoạt động xả thải ra kênh, cống thoát nước (nhà dân phải có công trình xử lý sơ bộ trước khi đấu nối, các cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải phải xử lý trước khi thải ra môi trường, ngăn chặn tình trạng xả rác thải xuống kênh). Còn về lâu dài để giải quyết ô nhiễm kênh Rạch Bà cần phải triển khai giai đoạn 2 hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị của thành phố để hạn chế mùi hôi trong quá trình thu gom nước thải và xử lý đạt chuẩn trước khi thải.
TP. Vũng Tàu cũng kiến nghị các cơ quan cấp tỉnh khẩn trương bố trí địa điểm để di dời các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi địa bàn thành phố trước năm 2025; chấp thuận chủ trương và giao cho thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu và lập đề án chỉnh trang toàn tuyến kênh thoát nước trên địa bàn (xây kè, chống lấn chiếm); nghiên cứu giải pháp tách riêng nước thải đô thị không cho chảy vào các hồ điều hòa của thành phố nhằm cải thiện, khắc phục ô nhiễm, tiến tới cải tạo thành các hồ cảnh quan kết hợp điều hòa khi có mưa; đồng thời thu hồi các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai tại khu vực Cửa Lấp…
Ngăn chặn một trường hợp lấp kênh Rạch Bà
Trong chuyến khảo sát trên, Đoàn công tác của TP. Vũng Tàu bất ngờ phát hiện một trường hợp san lấp kênh Rạch Bà (phường 11). Nghi ngờ là san lấp trái phép, ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, Trưởng Đoàn công tác đã yêu cầu Phòng Quản lý đô thị, lực lượng chức năng phường 11 lập biên bản và yêu cầu ngưng thi công.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận một xe cuốc đang san ủi đất. Tài xế xe cuốc cho biết, ông được thuê san ủi đất làm đường phục vụ cho việc đi lại của một số hộ dân có ghe thuyền ra vào.
Theo báo cáo của UBND phường 11, khu đất bị san lấp nói trên có tổng diện tích 4.027,8m2, gồm 3 lô thuộc thửa 99 tờ bản đồ số 37 gần chân cầu Rạch Bà. Đây là khu đất công đã được UBND TP. Vũng Tàu giao cho bà Nguyễn Thị Bích Thu (781/4, đường 30/4, phường 11, TP. Vũng Tàu) thuê để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng từ tháng 10/2006, sau đó được gia hạn vào tháng 2/2012, thời hạn thuê 5 năm tính từ ngày 22/5/2011. Đến ngày 8/5/2015, UBND TP. Vũng Tàu ban hành Quyết định số 2353/QĐ-UBND thu hồi 2.175m2 trong diện tích đất trên do bà Thu đề nghị trả lại. Diện tích còn lại 1.852,8m2 bà Thu tiếp tục thuê. Nhưng đến ngày 22/5/2016, toàn bộ diện tích trên đã hết thời hạn thuê. Do mục đích sử dụng đất của bà Thu không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chuyên ngành xây dựng nên TP. Vũng Tàu không cho bà Thu thuê mà đã giao hơn 4.000m2 trên cho UBND phường 11 quản lý theo diện đất công.
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù đã hết hạn thuê đất hơn 6 năm, nhưng hàng ngàn m2 đất ngay khu vực chân cầu Rạch Bà vẫn bị san lấp ồ ạt giữa ban ngày suốt cả tháng nay. Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đã yêu cầu cơ quan, địa phương có liên quan báo cáo, xem xét phương án xử lý vi phạm trường hợp này.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ