Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo

Thứ Năm, 13/10/2022, 21:15 [GMT+7]
In bài này
.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương vẫn triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh. Trong ảnh: Một hộ nghèo trên địa bàn TP. Bà Rịa được hỗ trợ vốn ưu đãi phát triển mô hình trồng rau sạch và vươn lên thoát nghèo.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh. Trong ảnh: Một hộ nghèo trên địa bàn TP. Bà Rịa được hỗ trợ vốn ưu đãi phát triển mô hình trồng rau sạch và vươn lên thoát nghèo.

Thay đổi nhận thức của hộ nghèo

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Linh (tổ 6, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) thuộc diện hộ nghèo. Không có nghề nghiệp ổn định, đất canh tác và vốn liếng cũng không, vợ chồng chị phải lo chạy ăn từng bữa cho 5 nhân khẩu.

Trước hoàn cảnh đó, năm 2016, gia đình chị đã được địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng mở vựa thu mua phế liệu. Đồng thời, chị còn được địa phương trao bò giống để phát triển kinh tế và hướng dẫn vợ chồng chị kỹ thuật chăn nuôi theo cách “cầm tay chỉ việc”. Nhờ được tiếp sức, gia đình chị dần vơi bớt khó khăn và đã thoát nghèo vào năm 2019.

Ngoài việc trao “cần câu”, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của hộ nghèo. Gia đình bà Hoàng Thị Hiệu (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) từng là hộ nghèo, bởi kinh tế gia đình chỉ dựa vào mảnh vườn trồng đậu phộng và bắp.

Sau khi được xã tổ chức cho đi tham quan mô hình trồng rau sạch vào năm 2017, bà đã học hỏi kinh nghiệm và áp dụng trên mảnh đất gia đình với mô hình liên kết trồng rau sạch. “Sau 1 năm, mô hình cho thu nhập tốt hơn hẳn. Tôi không phải lo về đầu ra, chỉ cần lo gieo hạt giống, chăm sóc và thu hoạch, còn công ty liên kết lo các khâu khác. Nhờ mô hình này, năm 2019 gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế ngày càng khấm khá”, bà Hiệu vui vẻ kể.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hàng chục ngàn hộ nghèo đã được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư và phát triển sản xuất. Hộ nghèo có khó khăn về nhà ở còn được hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.

Mục tiêu tổng quát đặt ra tại Nghị quyết 109/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 10/12/2021 về phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh là thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo nhằm từng bước nâng cao đời sống người nghèo, gần với mức sống chung của xã hội. Trong đó thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo, góp phần giúp họ tăng thu nhập… Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi hơn.

Phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 0,5%

Để có được thành tựu ấn tượng về công tác giảm nghèo, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tại huyện Châu Đức, công tác giảm nghèo đã thu nhiều “trái ngọt” khi các chính sách hỗ trợ hộ nghèo được triển khai hiệu quả. Ông Trần Đình Toàn, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức cho biết, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương chiếm 7,52% so với tổng số hộ dân. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, cùng sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và địa phương, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 0,71%.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám Đốc Sở LĐTBXH cho biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo (bao gồm hộ nghèo chuẩn quốc gia, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo chuẩn tỉnh) còn từ 0,5% trở xuống, cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia. Để đạt mục tiêu này, các ngành, các cấp trên đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh tính đến hết tháng 9/2022 là 6.589 hộ, chiếm tỷ lệ 2,04% so với tổng số hộ dân. Trong đó, số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia 1.278 hộ (chiếm tỷ lệ 0,4%). Số hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia 1.533 hộ (chiếm tỷ lệ 0,48%). Số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh 3.778 hộ (chiếm tỷ lệ 1,17%).

Trong đó ưu tiên bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; 100% lao động nghèo có nhu cầu được đào tạo nghề. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất; tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho HS-SV con hộ nghèo chuẩn tỉnh, hộ mới thoát nghèo…

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.