Trẻ nhập cư và ước mơ đến trường

Thứ Sáu, 09/09/2022, 15:42 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khi các bạn cùng trang lứa xúng xính quần áo bước vào năm học mới, một số trẻ nhập cư lại không thể đến trường vì cuộc sống gia đình bấp bênh, nay đây mai đó...

Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy (33 tuổi, quê Hậu Giang, trọ ở hẻm 67 Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) có 4 con chưa được đến trường.
Chị Nguyễn Thị Diễm Thúy (33 tuổi, quê Hậu Giang, trọ ở hẻm 67 Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) có 4 con chưa được đến trường.

Cuộc sống bấp bênh

Khu nhà trọ hẻm 67 Phước Thắng, TP. Vũng Tàu có 30 phòng, là nơi tạm trú của nhiều gia đình nhập cư từ các tỉnh miền Tây dạt về. Đến trọ tại đây từ hơn 2 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Diễm Thuý (33 tuổi, quê Hậu Giang) có 4 con đang tuổi đi học và mầm non nhưng chưa cháu nào được đến lớp. 

Chị Thúy cho biết, vợ chồng chị lấy nhau nhưng không đăng ký kết hôn nên các cháu không có giấy khai sinh. Cháu lớn nhất 13 tuổi sống với bà ngoại ở phòng trọ sát bên. Đứa 10 tuổi trước đây ở TP. Hồ Chí Minh có đi học lớp tình thương nhưng từ khi về Vũng Tàu  nghỉ ngang. 2 cháu còn lại 6 tuổi và 4 tuổi. “Với lại cuộc sống nay đây mai đó, khó khăn lắm nên vợ chồng tôi chưa nghĩ đến chuyện cho con học hành”, chị Thúy tâm sự.

Căn phòng trọ của gia đình chị Thuý chật hẹp, ẩm thấp. Những đứa trẻ mặt mũi lấm lem với ánh mắt ngây thơ hồn nhiên mới thấy các em thật thiệt thòi. Sống giữa thành phố biển xinh đẹp nhưng ở trong xóm này, những đứa trẻ nhập cư lẻ loi hàng ngày không biết đến đồng phục, cặp sách đi học như các bạn cùng trang lứa.

Còn tại xóm nhập cư xung quanh khu bãi rác Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) có hàng trăm gia đình đến từ các tỉnh, thành phố lân cận dẫn theo gia đình đến mưu sinh. Cuộc sống chật vật mưu sinh, hầu hết trẻ em theo cha mẹ đi nhặt rác nên đa số đều không được đến trường.

Các hộ dân sống tại khu trọ xóm nhập cư xung quanh bãi rác Tóc Tiên (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).
Các hộ dân sống tại khu trọ xóm nhập cư xung quanh bãi rác Tóc Tiên (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).

Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1982, xã Thạnh Đông A, tỉnh Kiên Giang) cho hay, vợ chồng chị đến xóm rác thuê trọ, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Anh chị có 4 con, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ nhất lên 5. Trước đây, bé lớn theo ba mẹ nhặt ve chai, cháu nhỏ hơn chút ở nhà trông em và không ai được đi học.

“Mỗi ngày, chúng tôi lượm ve chai ở bãi rác và bán được 200-250 ngàn đồng, nhưng công việc cũng bấp bênh. Tiền thuê nhà trọ hết 1,5 triệu đồng/tháng, rồi các chi phí khác nên không thể lo cho các con đi học đầy đủ. Trước đây, có lớp học tình thương được mở, tôi cũng cho các con đến học cho biết mặt chữ, sau đó lớp học tạm ngưng do nghỉ dịch. Giờ lớp học được mở lại ở chùa nhưng xa nhà nên không tiếp tục đưa con đến học nữa”, chị Phương bày tỏ.

Đưa trẻ đến lớp tình thương 

Bà Võ Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường 12, TP. Vũng Tàu chia sẻ, khu xóm trọ 67 Phước Thắng là nơi có những gia đình tạm trú, liên tục biến động do công việc làm xưởng cá không ổn định. Lúc cá về nhiều thì họ đến thuê trọ làm việc nhưng khi xưởng hết việc lại trở về lại miền Tây.

Thời điểm trước năm học mới 2022-2023, chính quyền địa phương cũng đến động viên gia đình cho các em đi học nhưng nhiều hộ khó khăn, không muốn con đến trường mà ở nhà phụ giúp việc lặt vặt hoặc trông em. Phường cũng tích cực vận động các chủ nhà trọ đăng ký tạm trú cho các hộ nhưng nhiều gia đình không có giấy tờ nên cũng khó khăn trong việc nhập học các trường.  

“Phường thời gian tới sẽ vận động GV hưu trí mở lớp học tình thương ngay tại Trung tâm Văn hoá Học tập cộng đồng KP.4, nằm cạnh khu trọ để phổ cập giáo dục cho các em”, bà Hồng thông tin.

Còn theo thầy giáo Đặng Phúc Tôn, Phụ trách lớp học tình thương dành cho những trẻ xóm rác Tóc Tiên tại chùa Hương Hải Thiền Viện (TX. Phú Mỹ), để phổ cập giáo dục cho trẻ em tại khu vực xóm rác Tóc Tiên, lớp học tình thương do thầy cùng một GV hưu trí khác đứng lớp mở ra từ tháng 3/2020 trong khuôn viên của một nhà hảo tâm ngụ ở tổ 1, ấp 4, xã Tóc Tiên. Tuy nhiên, lớp học hiện chỉ mới 28 em do nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng LĐ-TBXH TX. Phú Mỹ cho hay, trẻ em nhập cư chỉ cần có giấy tạm trú thì đều được đi học và hưởng chế độ chính sách như trẻ em tại tỉnh. Địa phương cũng tuyên truyền cho xã, phường, thôn, ấp hỗ trợ những gia đình nhập cư đăng ký tạm trú, triển khai đầy đủ các chính sách dành cho trẻ em đối với những trường hợp này. “Tuy nhiên, những gia đình nhập cư thường xuyên thay đổi chỗ ở nên gây khó khăn cho địa phương trong việc vận động các em ra lớp. Thiết nghĩ bên cạnh việc mưu sinh, cha mẹ các em này cũng cần quan tâm hơn đến việc học để con mình không phải thất học”, bà Liên nhấn mạnh.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.