Người giữ hồn nghề làm lồng đèn truyền thống

Thứ Sáu, 09/09/2022, 15:39 [GMT+7]
In bài này
.

Hình ảnh một người đàn ông cao, gầy, ngồi cặm cụi làm lồng đèn bên góc phố từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân xứ biển Vũng Tàu mỗi dịp Trung thu về. 

Ông Nguyễn Trí Hưng (2/1 Viba, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) trang trí đèn lồng hình con gà.
Ông Nguyễn Trí Hưng (2/1 Viba, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) trang trí đèn lồng hình con gà.

Người đàn ông ấy tên là Nguyễn Trí Hưng (43 tuổi). Tại một góc nhỏ trước ngôi nhà số 2/1 (Viba, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu), ông Hưng ngồi lọt thỏm, lẩn khuất giữa những chiếc đèn lồng, cặm cụi chỉnh sửa bên đèn ông sao, hình con cá, con mèo… Ông Hưng có thể coi là một trong số những người hiếm hoi ở thành phố biển còn làm lồng đèn thủ công để bán. Tuy chỉ là việc làm thời vụ nhưng nó đã gắn bó với ông mấy chục mùa Trung thu đã qua.

Ông Hưng kể, lúc 5 tuổi, ông đã được ba mình dạy làm lồng đèn và đến nay thì gia đình ông đã có tới 3 đời gắn bó với cái nghề thủ công truyền thống này. Vừa nói, ông vừa thoăn thoắt cưa và chuốt một cách điêu luyện những thanh tre thành từng que nhỏ. Để cho ra đời một chiếc lồng đèn, theo ông Hưng phải trải qua ít nhất 10 công đoạn và người thợ phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ. Đôi khi còn bỏ cả tâm tư, tình cảm của mình vào để tạo nên một tác phẩm đầy chất nghệ thuật.

Trung bình một ngày ông Hưng làm hơn 20 lồng đèn. Mỗi cái bán với giá từ 30-50 ngàn đồng. Các dụng cụ làm đèn lồng được ông đặt từ TP. Hồ Chí Minh. Cẩn trọng, tỉ mỉ ngay cả trong công đoạn nhỏ nhất, bởi ông muốn mỗi chiếc lồng đèn mà mình làm ra đều phải bền, đẹp và tinh tế. Theo ông, làm lồng đèn tuy dễ mà khó. Nếu làm không khéo, chiếc lồng đèn dễ bị méo mó, rách kiếng và bung hồ.

Công đoạn uốn nan là kỳ công và khó nhất, bởi đòi hỏi người thợ phải uốn thật đều tay cho chiếc nan tre dẻo đều, từ đó mới cho ra nhiều kiểu mẫu đẹp, mới lạ. Tiếp đến là công đoạn dán giấy màu và tô vẽ, mỗi kiểu lồng đèn phải chọn màu sắc khác nhau, vẽ lên đó những họa tiết sao cho hài hòa, có ý nghĩa nhằm thu hút trẻ em. Lồng đèn cá chép thì được tô điểm bằng nhiều họa tiết nhỏ tạo vẩy cá, vẽ thêm hàng ria mép tăng tính tượng hình, độc đáo cho tác phẩm. Còn đèn ông sao thì cắt dán, vẽ những họa tiết hoạt hình, cây, cỏ...

Và rồi cũng từ đó, cứ gần đến tháng Tám Âm lịch là thời điểm ông lại bắt tay vào công việc quen thuộc. Lồng đèn ông làm, chỉ một số bán tại gia, còn đa phần theo đơn đặt hàng của khách và các trường học. Có năm khách hàng đặt nhiều, ông phải làm miệt mài từ sáng sớm đến khuya, ăn ngủ với lồng đèn là chuyện thường.

Người thân của ông Nguyễn Trí Hưng đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng làm đèn lồng.
Người thân của ông Nguyễn Trí Hưng đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng làm đèn lồng.

“Với tôi, bận bịu trong những ngày này để mang lại niềm vui Trung thu cho các cháu nhỏ là một điều hạnh phúc, cũng giống như mình đang đón một cái Tết Trung thu thật ấm áp”, ông Hưng bộc bạch.

Trong số những người đến mua lồng đèn của ông Hưng có rất nhiều bạn trẻ. Anh Lê Hoàn Bảo Hân (20 tuổi, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Tôi thấy lồng đèn của chú Hưng rất đa dạng về mẫu mã. tôi muốn mua làm quà tặng cho người thân, đồng thời cũng muốn lưu giữ lại nét văn hóa nghề truyền thống thủ công này”.

Tết Trung thu không thể vắng bóng những chiếc lồng đèn ông sao, cá chép truyền thống - những biểu tượng tạo nên những giá trị văn hóa không thể phai mờ. Giữa sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, việc tồn tại một gia đình làm lồng đèn truyền thống hoàn toàn bằng thủ công, như một điểm nhấn để không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều có thể tìm về một phần ký ức của tuổi thơ, nơi những hình ảnh gắn liền với câu hát “đèn ông sao với đèn cá chép...” được gợi nhớ trong mỗi con người.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 
;
.