''Phở'' và ''cơm''
Cuộc đời của một người đàn ông có nhiều giai đoạn, nhưng giai đoạn gay cấn nhất là ở khoảng “nửa đời người” khi bước vào tuổi 40-50 hoặc hơn thế nữa... Đàn ông ở lứa tuổi này đã qua thời trai trẻ nhưng chưa phải là già, tức ở độ tuổi chín muồi của giai đoạn đỉnh cao thành đạt.
Minh họa của: MINH SƠN |
Giai đoạn này hầu như tất cả mọi thứ đều dồn về cho người đàn ông, họ không chỉ nắm được quyền lực xã hội, mà còn là ông chủ của gia đình. Tất nhiên cùng với vị trí luôn thăng tiến, tiền bạc cũng tích lũy được nhiều hơn, vợ đẹp, con ngoan, nhà cửa, phương tiện vật chất và nét bề thế trong giao tiếp, quan hệ xã hội khiến hình ảnh người đàn ông trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt phụ nữ.
Nhưng chính lúc này chứ không phải lúc nào khác, “tòa lâu đài tráng lệ” ấy lại dễ dàng sụp đổ nhất. Cái bóng dáng của hạnh phúc, êm đềm lừng lững từ mái ấm gia đình tưởng chừng như không có giông bão nào xô ngã ấy lại luôn bị đe dọa và dễ dàng tan biến nhanh chóng như những áng mây tuyệt đẹp trước trận phong ba bão táp bất ngờ.
Ấy là hình ảnh của người phụ nữ thứ hai xuất hiện mà ngôn ngữ bây giờ thường gọi là “bồ nhí”, người sẽ len lén bước chân vào “ngôi thánh đường kiên cố” của bất kỳ ai đang tôn thờ và muốn gìn giữ một tượng thần hạnh phúc.
Người phụ nữ thứ hai này gọi thường được gọi đùa là “phở” mà bất cứ người đàn ông nào đã từng ăn “cơm” tất nhiên có lúc cũng thèm “phở”. Không phải “phở” ăn trong những lúc đói lòng mà “phở” nói lên cuộc sống đủ đầy, rủng rỉnh tiền bạc, vì có tiền mới đi ăn “phở”, mà “phở” càng ngon, càng là “thương hiệu” thì giá cả càng trên trời.
Người đàn ông trong xã hội hiện đại lại càng dễ được ăn “phở”, bởi đồng tiền bây giờ có sức mạnh ghê gớm, có thể xuyên thủng bất cứ lô cốt kiên cố nào. Thế nên ta không còn ngạc nhiên khi ra đường hay tới những nơi tổ chức sự kiện, yến tiệc đều thấy “đại gia” luôn cặp kè với “chân dài”. “Phở thương hiệu” đấy, những cô “bồ nhí” này là mốt thời thượng, làm tăng thêm nét bề thế của “đại gia” khiến không ít người ngưỡng mộ, thèm muốn cái vị trí ấy.
Mốt thời thượng này không chỉ là hiện tượng xã hội trong thời kinh tế thị trường mà nó còn là mục tiêu phấn đấu để đạt chuẩn “đẳng cấp” của một tầng lớp quý tộc mới: “Phi chân dài xế xịn bất thành đại gia”. Tất nhiên ai cỡi sóng lớn thì phải đối phó với những cơn cuồng nộ của biển khơi, nếu không bị nhấn chìm thì cũng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh. Cho nên đừng tưởng có “bồ nhí” để cặp kè mà là hạnh phúc, sung sướng, đôi khi chính giây phút được mọi người ngưỡng mộ, ganh tị ấy người trong cuộc mới biết mình đang đứng trên bờ vực thẳm.
Và khi tan vỡ một mái ấm gia đình vì người đàn ông chủ gia đình ấy có “bồ nhí”, người ta nhìn hiện tượng hơn là bản chất của vấn đề. Từ đó dư luận tập trung “ném đá” vào người đàn ông và cô “bồ nhí” tất nhiên phải bị vạ lây. Không ai cải được tội danh cho người đàn ông thành đạt cặp kè với “bồ nhí” đến nỗi tán gia bại sản. Nhưng bản chất vấn đề không chỉ có vậy, môi trường xã hội phức tạp, hoàn cảnh phức tạp, kéo theo trăm thứ quan hệ phức tạp và người đàn ông thành đạt không tồn tại đơn giản trên đỉnh cao xã hội của mình giữa những muôn trùng phức tạp vây quanh ấy.
Theo tôi, để người đàn ông thành đạt của mình đừng bị cuốn hút vào những thứ phức tạp bủa vây ấy vai trò của người vợ, người phụ nữ chính thức trong gia đình là cực kỳ quan trọng.
Là người phụ nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ vốn được cho là thiêng liêng thì một nhiệm vụ khác thiêng liêng hơn ấy là người phụ nữ còn có trách nhiệm canh giữ “thánh đường hạnh phúc” của mình. Dẫu biết đã qua rồi thời yêu đương lãng mạn khi đã lập gia đình, nhưng người phụ nữ tinh tế không riêng gì có học thức hay chỉ là người phụ nữ bình thường cũng hiểu rằng người thiết lập, tạo dựng ra mái ấm gia đình là người đàn ông, nhưng canh giữ nó cho khỏi sụp đổ lại chính là người phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ, làm “nội tướng”.
Người vợ khôn khéo sẽ giữ được chồng khỏi phải đi ăn “phở” không khó, ấy chính là làm cho những bữa cơm quen thuộc đến nhàm chán trở thành cực ngon.
Tôi có thể cam đoan rằng một trăm phần trăm những ông chồng không bao giờ muốn đánh mất gia đình, hạnh phúc. Bởi lẽ, “tòa lâu đài tráng lệ” này tới nửa đời người mới gầy dựng được mà gầy dựng được nó lại không đơn giản như lấy tiền trong túi ra xài mà chiến đấu, đánh đổi với cả tuổi thanh xuân của mình.
Các bà vợ hãy suy ngẫm và nhìn lại mình tại sao những bữa cơm gạo dẻo, thức ăn ngon, mùi vị hấp dẫn lại trở nên tẻ nhạt khiến người đàn ông của mình phải đi ăn phở? Những cô gái một con trông mòn con mắt, hai con trông nổ hết con ngươi lại ra nông nỗi và thành ám ảnh hay thảm họa khi người đàn ông của mình mới đặt chân về tới gia đình?
Trong khi đó theo tôi, các cô chân dài, các cô bồ nhí thường chỉ thích ăn cơm tiệm do không biết nấu cơm hoặc nấu cơm không ngon? Người đàn ông chân chính có ai thích lang thang ngoài đường, cơm hàng cháo chợ mãi đâu?
NGUYỄN GIANG