.

Gắn kết vì con

Cập nhật: 14:57, 30/09/2022 (GMT+7)

Ai cũng bảo rằng, sở dĩ gia đình hạnh phúc, vợ chồng chung sống với nhau mà ngày nào cũng là mùa xuân vì cả hai đồng điệu, tâm đầu ý hợp. Điều này đúng, nhưng tôi còn muốn bổ sung thêm ý kiến khác, đó là còn phải kể đến vai trò của đứa con nữa. Dù đứa con còn nhỏ, chưa đủ trí khôn, chỉ còn đi học, hay mè nheo làm nũng, vậy mà lại trở thành chất gắn kết giữa ba và mẹ/ giữa vợ và chồng.

Điều kỳ diệu này, theo tôi, trước khi quyết định làm một điều gì thì một trong những suy nghĩ đầu tiên của họ vẫn là nghĩ từ đứa con của mình. Nếu vợ chồng mình chia tay nhau, đường ai nấy đi thì tương lai của con sẽ thế nào? Điều này khiến họ thận trọng suy nghĩ lại. Vì thế có trường hợp, cả hai chấp nhận “thỏa hiệp” với nhau, thay đổi sinh hoạt, sửa chữa tình nết để “nửa này” phù hợp với “nửa kia”. Được thế,  tốt quá. Tức là họ không tan đàn xẻ nghé khi gặp sự cố trầm trọng nào đó mà vẫn tìm cách ở chung nhà, thông qua tình cảm dành cho con.

Về chuyện này, nhà văn Thạch Lam có viết truyện ngắn mà trong đó nhân vật Vân đã nhiều lần chì chiết vợ là Mai: “Một sự chua chát thấm vào tâm hồn chàng. Vân trở nên lãnh đạm, rồi ghen ghét. Chàng thành ra tàn ác đối với vợ; nhiều khi, trong lúc giận dữ, chàng đã thốt ra những lời cay đắng mỉa mai, chàng hưởng cái thú lạ lùng làm đau xót người không còn gì chống đỡ được cho mình. Có lần chàng đã bảo: “Mày tưởng mày còn quý hóa lắm đấy. Tao lấy mày nghĩ mà dại, lấy cái của thừa”.

Nhưng rồi một ngày kia, anh ta thay đổi tính tinh và yêu thương vợ. Vì sao thế? Chỉ vì nghĩ đến con.

Nhà văn Thạch Lam cực kỳ tinh tế khi biết khai thác tâm lý nhân vật, mà nhiều người đã trải qua. Rồi đến lúc người chồng âu yếm nhủ thầm cũng vợ: “Anh thương em quá”. Rồi muốn ghi nhớ một sự thay đổi từ đây, Vân âu yếm nhắc: “Ngày mai em bé được đúng một tuổi rồi”. Mai không đáp, tin cẩn nép vào người chồng. Ngọn lửa trong lò bừng sáng và rởn múa trên thân hồng, củi khô lách tách nổ như vui cùng với cái vui của vợ chồng”.

Nếu không vì con thì Vân đã có sự lựa chọn khác. Tất nhiên cũng có trường hợp họ không chung sống với nhau nữa nhưng dù ly hôn, vậy mà  họ vẫn… thường xuyên gặp nhau. Ơ hay nói gì kỳ cục thế? Đã chia tay, đã không còn vợ chồng về mặt pháp lý thì còn gặp nhau làm gì? Xin thưa, tất cả cũng do vì con đó thôi. Do đó, có thể nói, hôn nhân là câu chuyện… kỳ cục có những lúc lý trí “đi chỗ khác chơi” dù vẫn biết, trong tình thế ấy phải thế này, phải thế kia. Dù lý trí đã xác định dứt khoát đâu ra đó nhưng rồi con tim lại có lý lẽ khác, vì thế, có người chọn phép ứng xử theo kiểu khác. Những cái kiểu mà người ngoài không thể nào hiểu nổi.

Tôi có biết chuyện của anh bạn thân, rằng, dù sau khi ly hôn, anh ra khỏi nhà và đi ở nơi khác. Thế nhưng mọi sinh hoạt của vợ chồng thời còn sống chung anh vẫn thực hiện răm rắp. Vì sau khi ly dị theo đề nghị của vợ nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn còn thương nên anh không muốn “đi bước nữa”, vẫn dành thời gian cho vợ con. Thí dụ, ngày xưa còn hạnh phúc và tình tứ, theo giao ước chung hễ thứ Bảy là cả nhà cùng qua ngoại, suốt ngày vợ chồng con cái anh vui chơi, ăn uống nơi đó.

Nay, dù đã ly dị nhưng anh vẫn giữ đúng “quy trình” này. Xưa đi chung thì nay đi riêng. Dễ thôi mà. Lên thăm ba mẹ vợ, thăm ông bà ngoại của con, chứ mình có ở lại cơm nước phiền phức gì đâu. Cô vợ dù “ngứa mắt” lắm nhưng lấy cớ gì mà nặng nhẹ, xua đuổi? Do đó, người ngoài cứ tưởng họ vẫn còn “song kiếm hợp bích”, chứ chưa hề tan đàn xẻ nghé.

Rồi cả những lúc sinh nhật, giổ quẩy, tết nhất thì anh cũng có mặt bên nhà của ba mẹ vợ cũ, như thể trên đời này, vợ chồng anh “chưa hề có cuộc chia ly”. Anh B bảo: “Chỉ còn có cách đó tớ mới thường xuyên tiếp cận gần gũi với con. Mới có thể nắm bắt những gì thay đổi, phát sinh mối quan hệ của con gái của mình”. Nào chỉ có thế, anh B còn có dịp bàn với vợ là sàng chu cấp thêm tiền nong này kia cùng lo cho con. Nghe thế, cô vợ cũng ưng ý.  Rõ ràng, sự lui tới với vợ cũ của những ai trong tình thế này, nghĩ cho cùng cũng xuất phát từ mối quan tâm dành cho con.

Rõ ràng, về giấy tờ, những đôi vợ chồng ấy không còn “dây mơ rễ má” gì nữa. Không khác gì người dưng. Nhưng rồi, chính từ lòng yêu thương dành cho con, mối quan hệ ấy vẫn cứ “có mà không/ không mà có”. Vậy, mối quan hệ đó, tên gọi chính xác là thế nào? Mà, dù thế nào đi nữa thì về mặt pháp lý xem như đã “xong phim”, thế nhưng người trong cuộc không quan tâm đến. Ai bàn tán gì cũng mặc. Miễn là họ hài lòng chọn lấy cách thức này.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.