Sách giáo khoa đã đạt mục tiêu đa dạng hóa
Viện biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã thu hút sự tham gia của 5 nhà xuất bản, 3 công ty với gần 1.600 tác giả viết sách.
Bước sang năm thứ ba triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì chỉ có một bộ sách duy nhất, hiện học sinh và các nhà trường đã có nhiều sách để lựa chọn phù hợp với đặc thù đào tạo của đơn vị mình.
Hơn 1.000 tác giả có trình độ tiến sĩ trở lên đã biên soạn sách giáo khoa mới
Các sách giáo khoa mới đều có phiên bản điện tử. (Ảnh: Bộ GD-ĐT) |
Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được mục tiêu đề ra khi có nhiều bộ sách, chất lượng sách giáo khoa tăng lên về hình thức, phong phú hơn về nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai.
Đây là những nội dung đã được chỉ ra tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và trưng bày sách giáo khoa Việt Nam và các nước do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay, ngày 29/9, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của GD-ĐT tại hội nghị, việc biên soạn sách đã thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là tổng chủ biên, chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các module triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp. Trong đó lớp 1 có 221 tác giả; lớp 2 có 199 tác giả; lớp 3 có 234 tác giả; lớp 6 có 276 tác giả; lớp 7 có 318 tác giả; lớp 10 có 382 tác giả. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn sách có trình độ từ tiến sỹ trở lên.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, các sách giáo khóa đã có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Các sách giáo khoa khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.
Tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đa dạng với nhiều bộ sách khác nhau. (Ảnh: Bộ GD-ĐT) |
Việc xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được mục tiêu đa dạng hóa với các bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn vẫn còn những hạn chế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra tại hội thảo.
Đó là tình trạng một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách giáo khoa khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu sách còn hạn chế. Trong đó, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…
Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi sách được đưa vào sử dụng. Việc thẩm định sách phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục sách còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Trong việc lựa chọn sách cũng còn những bất cập khi thực tiễn thanh tra, kiểm tra của bộ tại một số địa phương cho thấy thời gian ban hành quyết định danh mục sách được lựa chọn chậm, muộn so với quy định. Việc thông báo nhu cầu số lượng sách theo các môn học của các địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong việc cung ứng sách trước thềm năm học mới.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách; tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản sách mẫu; bảo đảm sách giáo khoa tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành sách giáo khoa.
Bên cạnh đó là việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.
Bộ cũng đề cập đến giải pháp tăng cường trang bị sách giáo khoa, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ sách giáo khoa, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy và học; huy động tận dụng, tái sử dụng sách giáo khoa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Bên cạnh hội thảo, diễn ra hoạt động trưng bày sách giáo khoa. Đến với gian hàng trưng bày, không chỉ nhà xuất bản, nhà trường mà học sinh, người dân có cơ hội nhìn lại lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ. Khách tham quan có thể dễ dàng tìm thấy nhiều đầu sách cũ qua các mốc thay sách 1957, 1981, 2002, 2020. Trưng bày cũng giới thiệu sách giáo khoa của các nước trên thế giới như Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh...
Ngoài ra, một số sách đoạt giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng được giới thiệu.
NGUYỄN THI (tổng hợp)