Rộn ràng múa lân

Thứ Sáu, 26/08/2022, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, nhiều nơi đã vang lên tiếng trống lân rộn ràng báo hiệu Tết Trung thu cận kề. Các đoàn múa lân đang tập trung tập luyện, sẵn sàng mang đến niềm vui cho các em nhỏ sau 2 năm trầm lắng vì dịch COVID-19.

Đoàn lân Phúc Nghĩa Đường tập luyện chuẩn bị phục vụ Tết Trung thu.
Đoàn lân Phúc Nghĩa Đường tập luyện chuẩn bị phục vụ Tết Trung thu.

Truyền niềm đam mê

Buổi tối mấy ngày này, không khí tại Tịnh thất Ngọc Lân (KP. Hải Hòa, TT. Long Hải, huyện Long Điền) rộn ràng hẳn bởi tiếng trống, tiếng thanh la, chập chã, tiếng hò reo tập luyện của CLB lân sư rồng Khương Nghĩa Đường. 30 thành viên hăng say tập luyện những bài lân tứ quý, trống hội, múa rồng. Khi nhịp trống hội càng nhanh, dồn dập, những con lân, con rồng như được tiếp thêm sức, lúc vờn quanh, uốn lượn, lúc bật nhảy cao chót vót. Những màn múa được CLB tập dợt kỹ lưỡng, hứa hẹn mang lại nhiều tiết mục hấp dẫn cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu năm nay.

Nay đã 43 tuổi, ông Trương Quốc Hùng (tổ 34, KP. Hải Hòa, TT. Long Hải, huyện Long Điền) vẫn đam mê cháy bỏng với múa lân sư rồng. Tuy không trực tiếp ra sân khấu biểu diễn như trước, nhưng với vai trò Trưởng đoàn lân sư rồng Khương Nghĩa Đường, ông vẫn đứng sân vừa tập luyện, vừa chỉ dẫn cho các em. Bằng niềm đam mê, ông đã “truyền lửa” cho 30 thanh, thiếu niên tập luyện và nhận các sô diễn lân, sư, rồng vào dịp lễ, Tết, khai trương.

“Mỗi lần nghe tiếng trống lân, lòng tôi lại háo hức như một đứa trẻ luôn chờ đợi Tết Trung thu để được xem múa lân. Chỉ có niềm yêu thích, đam mê thì mới gắn bó lâu dài được với nghề này”, ông Hùng chia sẻ.

Đoàn lân sư rồng Khương Nghĩa Đường (TT. Long Hải) biểu diễn phục vụ khán giả địa phương.
Đoàn lân sư rồng Khương Nghĩa Đường (TT. Long Hải) biểu diễn phục vụ khán giả địa phương.

Hứa hẹn đêm hội trăng rằm hấp dẫn 

Tại Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh (160 Hạ Long, TP. Vũng Tàu), 30 thành viên đoàn lân Sa Long Cương cũng đang ráo riết tập luyện vào các buổi tối. Tiếng trống hội, tiếng hô hào tập luyện của các thành viên khuấy động cả một góc sân. Đến nay, đoàn đã nhận được 10 sô diễn vào các ngày cao điểm 12, 13, 14, 15/8 Âm lịch. Dự báo, khoảng 1 tuần trước Tết Trung thu, nhu cầu khách đặt sô sẽ tăng gấp đôi. Để nhận múa thêm sô, đoàn đã chia ra 2 đội tập luyện, sẵn sàng phục vụ khách.

Anh Nguyễn Chánh Đạt, huấn luyện viên đoàn lân Sa La Cương cho biết, Tết Trung thu chủ yếu phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ em nên các đơn vị tổ chức chương trình thường chọn những tiết mục biểu diễn đơn giản, không cần đòi hỏi nhiều kỹ thuật và nguy hiểm. Trống hội, xã trận, 2 lân hoặc 4 lân giỡn địa, múa rồng, sư tử hí cầu, lân hái lộc… là những tiết mục thường được các đoàn lân diễn vào dịp Trung thu.

Những lúc rảnh rỗi, các thành viên đoàn lân Phúc Nghĩa Đường cũng tập trung về Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu) để tập luyện. Anh Nguyễn Trần Đăng Khoa, Trưởng đoàn lân Phúc Nghĩa Đường cho biết, năm nay, đoàn đã đầu tư 6 con lân, 2 con rồng, trang phục mới, đèn led... sẵng sàng phục vụ trẻ em mùa Trung thu. “Những động tác múa lân đều, nhịp nhàng, khỏe khoắn, nhanh nhẹn hòa quyện cùng âm thanh của trống, thanh la rộn rã là những yếu tố luôn tạo sức hấp dẫn với trẻ. Vì thế, dù là những tiết mục đơn giản, đoàn vẫn luôn chăm chút để các bé cùng những ông bố, bà mẹ đi xem múa lân thực sự thích thú”, anh Khoa nói.

Sau hai năm tạm lắng do dịch COVID-19, Tết Trung thu năm nay trở lại sôi động hơn. Thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư… đã lên lịch tổ chức Tết Trung thu, đặt lịch múa lân, hứa hẹn mang đến những đêm hội trăng rằm vui vẻ, ấn tượng, ý nghĩa cho trẻ. 

Bài, ảnh: THI PHONG 

Khảo sát tại các đoàn lân sư rồng, giá các sô diễn dịp Tết Trung thu đa dạng, từ 3-5 triệu đồng, thời lượng diễn từ 20-30 phút/sô. Với các sô có thời gian biểu diễn dài khoảng từ 45 phút - 1 giờ, với nhiều tiết mục khó như lân leo cây tre, lân mai hoa thung... có giá từ 8-10 triệu đồng/sô.

 

 

;
.