Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện

Thứ Hai, 01/08/2022, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

“Giám sát, phản biện không phải là nghi ngờ ai, nghi ngờ một đơn vi nào mà góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, để việc đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội được thực hiện tốt hơn. Vì vậy, MTTQ cần tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả, thực chất hơn”… Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi bàn về việc nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện của MTTQ.  

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện dự thảo dự án xây dựng công trình bảo vệ khu dân cư bằng kè biển Phước An do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào giữa tháng 7/2022.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện dự thảo dự án xây dựng công trình bảo vệ khu dân cư bằng kè biển Phước An do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức vào giữa tháng 7/2022.

Quan tâm các vấn đề liên quan  trực tiếp đến người dân

UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức phản biện xã hội dự thảo dự án xây dựng công trình bảo vệ khu dân cư bằng kè biển Phước An (thuộc xã Phước Tỉnh và xã Phước Hưng, huyện Long Điền). Theo dự thảo, dự án có tổng mức đầu tư hơn 117,5 tỷ đồng nhằm ngăn chặn hiện tượng xâm thực, xói lở bờ biển, tạo điều kiện để phát triển không gian du lịch biển xanh, sạch và an toàn. Dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 250 hộ dân tại xã Phước Tỉnh và xã Phước Hưng.

Vì vậy, các đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung phân tích, đề nghị đơn vị tư vấn xem xét, điều chỉnh dự án nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân, DN.

TS. Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, đồng tình với chủ trương đầu tư và các cơ sở pháp lý để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc đánh giá về tình hình khí tượng, thủy hải văn, về mùa và hướng gió - những điều có tác động rất lớn đến dự án, lại được đánh giá rất chung chung. Vì vậy, BQL Dự án chuyên ngành Nông nghiệp - chủ đầu tư dự án cần đánh giá khu vực dự án chịu tác động của sóng, gió, dòng chảy, hiện tượng bồi lấp, xói lở để có giải pháp thiết kế phù hợp. Ngoài ra, việc bố trí đê giảm sóng cao 2m sẽ cản trở thuyền, ghe, thúng đánh cá của dân, dễ gây tai nạn, làm xấu bãi tắm. 

Còn ông Lê Công Hải, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Long Điền cho rằng, để phát huy hiệu quả của tuyến kè trong phục vụ phát triển du lịch địa phương, cũng như phục vụ công tác bảo dưỡng, bảo trì, dự án cần bổ sung thêm tuyến đường dân sinh kết nối vào tuyến kè và thiết kế phương án thoát nước để bảo đảm môi trường cho người dân.

Các phản biện đã nhìn nhận, đề xuất nhiều ý kiến hay, sát thực để đơn vị tư vấn hoàn thiện dự án. MTTQ Việt Nam tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và tổng hợp để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét về dự án.

Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian qua, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát, phản biện, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng những vấn đề dư luận quan tâm. Điển hình như từ đầu năm đến nay, MTTQ đã thực hiện 85 cuộc giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: Việc thu các loại quỹ và lệ phí do nhân dân đóng góp; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19. MTTQ các cấp thực hiện 71 cuộc phản biện, tập trung vào các vấn đề: Kế hoạch nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, dự thảo đề án xây dựng các công trình trọng điểm tại địa phương…

Cần nâng cao năng lực, chuyên môn cho cán bộ Mặt trận

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lợi cũng nhìn nhận, công tác giám sát, phản biện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Một số địa phương còn lúng túng trong lựa chọn nội dung phản biện, việc tổ chức phản biện còn ít, chủ yếu mang tính chất góp ý. Việc theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền ở địa phương, cơ sở vẫn còn coi nhẹ công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội.

Bà Lương Thị Kiều Trang, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Bà Rịa cho rằng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện chưa cao. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ Mặt trận ở địa phương vẫn còn thiếu do cắt giảm biên chế. Bên cạnh đó, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề của các cán bộ Mặt trận trong quá trình giám sát, phản biện còn hạn chế. “Giám sát, phản biện xã hội là một trong những vấn đề lớn, là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ. Vì vậy, các cấp ủy cần quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có tầm, có tâm làm công tác Mặt trận”, bà Lương Thị Kiều Trang nói.

Việc kiểm tra, giám sát, phản biện không phải là nghi ngờ ai, nghi ngờ một đơn vị nào mà đó là trách nhiệm của MTTQ các cấp để các công việc, đề án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện hiệu quả hơn. Qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót, những việc chưa phù hợp để đề nghị khắc phục, tránh thiệt hại về kinh tế, xã hội. Do đó, công tác giám sát, phản biện phải được đầu tư, chú trọng. Bà Ngô Thị Bảy, Chủ tịch UBMTTQ phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho rằng, MTTQ cần tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân để việc phản biện có hiệu quả. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các đoàn thể, chính quyền các cấp để cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời về nội dung giám sát, phản biện.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.