KỸ THUẬT CẤY CHỈ -

Hiệu quả trong điều trị bệnh mạn tính

Thứ Sáu, 12/08/2022, 18:58 [GMT+7]
In bài này
.

Từ tháng 7/2022 đến nay, Khoa Y dược cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) đã áp dụng kỹ thuật cấy chỉ. Đây là phương pháp châm cứu kết hợp cổ truyền và hiện đại, được tiến hành bằng cách đưa chỉ tự tiêu vào huyệt có tác dụng phòng và chữa các bệnh mạn tính.

Bà Đỗ Thị Chiến được bác sĩ Nguyễn Minh Phương, Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) cấy chỉ trên vùng lưng.
Bà Đỗ Thị Chiến được bác sĩ Nguyễn Minh Phương, Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) cấy chỉ trên vùng lưng.

Phù hợp với người cao tuổi

Năm nay, bà Đỗ Thị Chiến (đường Chu Mạnh Trinh, TP.Vũng Tàu) đã 75 tuổi. Bà mắc nhiều căn bệnh của tuổi già như: Đau lưng, đau thần kinh tọa, thoái hóa khớp khối, đau khớp tay chân, mất ngủ… Nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho người bệnh, Khoa Y dược cổ truyền (YDCT), Bệnh viện Vũng Tàu đã tư vấn và thực hiện cấy chỉ cho bà.

Bà được bác sĩ cấy 10 cây chỉ trên vùng lưng. Bà Chiến chia sẻ, do có nhiều bệnh nên bà thường xuyên đến Bệnh viện Vũng Tàu để khám và lấy thuốc. Tuy nhiên, khoảng cách từ nhà tới bệnh viện khá xa nên việc đi lại của bà cũng vất vả. Vì vậy, bà lựa chọn kỹ thuật cấy chỉ và tin tưởng sẽ mang lại hiệu qủa cao trong điều trị bệnh.

“Thời gian thực hiện cấy chỉ nhanh, tôi cũng không bị đau. Tôi cho rằng kỹ thuật cấy chỉ phù hợp với người cao tuổi như tôi. Khoảng 2 tuần sau tôi mới quay trở lại bệnh viện để cấy chỉ lần tiếp theo nên đỡ đi lại và tiết kiệm thời gian”, bà Chiến nói.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện kỹ thuật cấy chỉ thì phương pháp này chống chỉ định với bệnh cấp cứu; cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai; da vùng huyệt bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da; dị ứng với chỉ tự thiêu. Cấy chỉ điều trị cho 68 bệnh, trong đó có điều trị liệt nửa người do tai biến mạch máu não; đau đầu, đau nửa đầu; hội chứng vai gáy; đau dây thần kinh liên sườn; hội chứng tiền đình; mất ngủ…

Tương tự, bà Lê Thị Long (76 tuổi, đường 30/4, TP.Vũng Tàu) vừa được cấy chỉ lần đầu tiên tại Khoa YDCT. Ở độ tuổi này, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút khi có nhiều bệnh như: Đau vai gáy và cánh tay, đau lưng, tiền đình, hoa mắt chóng mặt, đau thần kinh tọa. Trung bình cứ 10 ngày, bà Long phải đến Bệnh viện Vũng Tàu để khám một lần. Với tần suất đi khám thường xuyên như vậy đã khiến việc đi lại của bà gặp nhiều khó khăn.

Bà Long cho hay: “Khi được nhân viên y tế tư vấn, tôi thấy cấy chỉ có nhiều lợi ích. Không chỉ có hiệu quả trong điều trị bệnh mà còn giảm được số lần đi khám bệnh, không cần phải điều trị nội trú”.

Điều trị các bệnh mạn tính

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, kỹ thuật cấy chỉ được thực hiện trên bệnh nhân có bệnh mạn tính và một số trường hợp bệnh cấp tính do thầy thuốc chỉ định tùy theo tình trạng bệnh lý của người bệnh. Trước khi cấy chỉ, nhân viên y tế chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết, bảo đảm đạt tiêu chuẩn, gồm có: Khay đựng dụng cụ, panh, kéo, nẹp không mấu, cồn sát trùng, gạc vô trùng, bông, băng dính, lọ thủy tinh đựng chỉ; kim cấy chỉ; chỉ tự tiêu; hộp thuốc chống sốc phản vệ… Người bệnh được khám, làm hồ sơ bệnh án và làm sạch khu vực cấy chỉ.

“Khoa YDCT đang thực hiện cấy chỉ cho bệnh nhân vào chiều thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Từ tháng 7 đến nay đã có khoảng 100 trường hợp thực hiện kỹ thuật này. Người bệnh được BHYT chi trả chi phí khi sử dụng kỹ thuật cấy chỉ. Nếu người bệnh có nhu cầu sử dụng kỹ thuật cấy chỉ thì nên đến các cơ sở y tế có uy tín, đạt các tiêu chí về thủ thuật như cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ của bác sĩ”, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa YDCT, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, mỗi lần cấy chỉ tự tiêu có tác dụng trong khoảng 2-3 tuần. Sau thời gian tự tiêu của chỉ, người bệnh có thể thực hiện liệu trình tiếp theo. Bản chất của sợi chỉ tiêu chỉ là những Protein tự tiêu. Khi sợi chỉ tiêu sẽ tạo phản ứng và có tác dụng tạo kháng sinh. Qua đó nâng cao sức đề kháng miễn dịch cho người bệnh và đẩy lùi bệnh tật. Ngoài ra, chỉ tự tiêu hoàn toàn trên cơ thể, không độc hại, không để lại dấu vết.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn đánh giá, cấy chỉ là một trong những phương pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Kỹ thuật này được thực hiện cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú, ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhất là phù hợp đối tượng người lớn tuổi, người mắc bệnh nền. Tùy theo tình trạng bệnh mà mỗi bệnh nhân được cấy từ 15-20 cây chỉ.

Cấy chỉ có ưu điểm sử dụng mũi kim nhỏ nên ít đau. Hơn nữa, phương pháp trị bệnh này không dùng thuốc nên không gây nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng của người bệnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.