Gia đình thứ hai của người khiếm thính
Khách đến quán cà phê “Love and Peace” (79 Lê Long Vân, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) không chỉ ấn tượng về cung cách phục vụ tận tình, chu đáo mà còn bất ngờ vì nhân viên của quán đều là những người khiếm thính, khó khăn trong giao tiếp.
Lớp học vẽ và thư pháp được tổ chức tại quán “Love and Peace”. |
Mong muốn cống hiến cho xã hội
Người sáng lập quán cà phê này là chị Vũ Thị Như Ngọc (GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh). Trong quá trình dạy học, chị luôn gần gũi và mong muốn giúp học trò có một nơi làm việc, học tập, tiếp xúc với nhiều người để hòa nhập cộng đồng. Quán cà phê mang tên “Love and Peace” (tạm dịch: Tình yêu và Hòa bình) ra đời từ đó. Nhân viên của quán dùng bàn tay làm ngôn ngữ giao tiếp.
Quán cà phê “Love and Peace” sáng cuối tuần đông người hơn thường lệ. Em N.T.H.Y. (SN 2006, ngụ xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) đang tất bật phục vụ khách. Hình ảnh cô gái có nụ cười duyên, thân thiện và lễ phép, luôn cúi gập người chào khách ở tầng 2 tạo thiện cảm với nhiều người.
Ở tầng trệt, một nhân viên khác của quán là T.T.M. (SN 2000, ngụ phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) nhanh nhẹn chào và hướng dẫn khách đến quầy gọi nước. Nhìn M. hoạt bát, năng nổ làm việc, nhiệt tình với khách, không ai nghĩ cậu bị câm điếc bẩm sinh. Thông qua thủ ngữ, M. kể, do khiếm khuyết của bản thân nên trước đây M. chủ yếu ở nhà. Khi làm việc ở quán cà phê này, M. mới nhận ra sự hòa đồng và sẻ chia từ cô Ngọc cho tới những đồng nghiệp cùng cảnh ngộ. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, M. đã thực sự tìm được niềm vui nơi đây.
“Quán như gia đình thứ hai của tôi. Tôi muốn được làm việc bằng chính sức lao động của mình. Và tôi đang rất háo hức chờ tháng lương đầu tiên mang về tặng cha mẹ”, M. tâm sự.
Quán có 6 nhân viên là người khiếm thính bẩm sinh, theo chủ quán “Love and Peace”, để nhân viên thành thục công việc, chị đã thuê thợ pha chế chuyên nghiệp về dạy nghề miễn phí. Các em tiếp thu rất nhanh và đam mê với nghề. “Tôi mong muốn góp phần nhỏ thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Họ không đáng thương hay là gánh nặng mà luôn có khát vọng lao động, muốn được cống hiến sức lực của mình cho xã hội và tự nuôi sống bản thân”, chị Vũ Thị Như Ngọc chia sẻ.
Điều đặc biệt nữa ở quán “Love and Peace” là các món đồ lưu niệm trưng bày bán cho khách đều do người khuyết tật tự làm từ vỏ ốc, vỏ sò và đạt giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi do Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tổ chức.
Nhằm tạo ra thêm các hoạt động bổ ích ở quán, chị Ngọc còn tổ chức lớp vẽ tranh và viết thư pháp vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần. Lớp học này có 21 bạn từ 6-15 tuổi tham gia, trong đó những bạn khiếm thính được dạy miễn phí. Thầy Nguyễn Minh Thắng (SN 1984, ngụ 104 Võ Thị Sáu, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) là người trực tiếp đứng lớp. Dù bị liệt hai chân nhưng với ý chí và nghị lực của mình, thầy đã đạt nhiều thành tích trong công tác dạy vẽ tranh và viết thư pháp trở thành người truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ.
Hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống
Là khách quen của quán, chị Nguyễn Thị Thanh (tổ 7, ấp Tây, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cho biết, ấn tượng đầu tiên khi đến quán là không gian thoáng đãng, trang trí bắt mắt và thái độ phục vụ ân cần. Chị còn rất ấn tượng với những món đồ lưu niệm độc đáo của quán. Hàng tuần, chị thường đưa con tới quán giao lưu với nhân viên, học vẽ và viết thư pháp. Đồng thời, theo dõi các công đoạn làm đồ lưu niệm để con hiểu sau mỗi một sản phẩm là sự lao động kỳ công.
Lần đầu tiên đến quán, anh Đạt Văn (phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) cũng có cảm nhận tương tự. Anh đặc biệt yêu thích tính nhân văn trong quán, khi mỗi khách hàng đều có cơ hội giao tiếp với người khiếm thính. “Tôi thấy rất vui và ý nghĩa khi có một quán cà phê đặc biệt như vậy tại Bà Rịa. Nhân viên của quán rất nhanh nhẹn, lễ phép, nhiệt tình. Tôi nghĩ những nơi khác có thể phát triển mô hình kinh doanh như này để tạo thêm việc làm cho người khuyết tật”, anh Đạt Văn bày tỏ.
Không chỉ tổ chức sân chơi, lớp học thú vị cho các bạn trẻ, quán “Love and Peace” của chị Vũ Thị Như Ngọc luôn sẵn lòng đón các em khiếm khuyết đến học nghề và làm việc. Từ đó, tạo niềm tin, động lực giúp các em hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG