HÀNH TRÌNH CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS TRƯỚC NĂM 2030 - Kỳ 3: Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng bệnh
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS trước năm 2030, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường rà soát ca bệnh HIV, đồng thời không để trường hợp nhiễm nào không được kết nối điều trị.
Bác sĩ Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ tư vấn cho người dân về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). |
“Cú hích” hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh HIV có xu hướng giảm, nhưng mỗi năm bình quân nước ta có thêm 11.000 ca nhiễm và 2.800 người tử vong. Trong những người nhiễm mới có 84,3% nam giới, độ tuổi 16-29 (46,9%) và 30-39 (39,7%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,8%) và qua đường máu (9,6%).
Bác sĩ Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Vì vậy, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với người nhiễm HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm nồng độ virus trong máu của người nhiễm đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với những năm trước.
Hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương đang được hỗ trợ từ dự án EPIC và dự án Quỹ Toàn cầu. Là 1 trong 6 tỉnh được dự án hỗ trợ thực hiện mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV và 95% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền).
Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn, xét nghiệm HIV
Kế hoạch số 87/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đó là: 80% người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm; đa dạng hóa và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm; 95% người nhiễm trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn, xét nghiệm; đẩy mạnh xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; 95% người nhiễm biết tình trạng nhiễm bệnh được điều trị thuốc kháng vi rút HIV; 95% người điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn đặt mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030; bảo đảm nguồn nhân lực, năng lực và tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
|
Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu triển khai dự án từ năm 2018. Dự án là “cú hích” lớn hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án hỗ trợ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tìm ra những người nhiễm HIV mới. Dự án đóng góp đến 60% số người phát hiện nhiễm HIV mới; hỗ trợ số lượng lớn bệnh nhân tiếp cận điều trị thuốc kháng ARV; chăm sóc, điều trị HIV và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và cộng tác viên, đồng đẳng viên.
ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong bối cảnh nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm như hiện nay, nguồn tài trợ của CDC Hoa Kỳ cho một số tỉnh có tình hình dịch cao như Bà Rịa-Vũng Tàu là rất cần thiết. Hệ thống y tế và ngoài y tế như các nhân viên tiếp cận cộng đồng, các CBO (nhóm cộng đồng) có điều kiện tốt hơn để triển khai hoạt động tư vấn, kết nối dịch vụ từ xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đến điều trị ARV, điều trị đồng nhiễm HIV với bệnh lao, viêm gan B, C và các bệnh lây qua đường tình dục.
“Từ đó, góp phần quan trọng trong việc đạt các chỉ tiêu kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Việc triển khai dự án là nguồn động lực phát huy sự tận tâm của cán bộ y tế, đem lại sức khỏe cho nhân dân”, ThS. BS. Cao Kim Thoa nhấn mạnh.
Bác sĩ Khoa Khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. |
“Xóa” bệnh AIDS trước năm 2030
Để ứng phó với dịch HIV/AIDS, hướng tới kết thúc bệnh AIDS trước năm 2030, tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động như: tăng cường công tác truyền thông; tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng đưa vào điều trị ARV ngay; tư vấn xét nghiệm HIV sớm, mở rộng điều trị ARV, điều trị PrEP và tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp, giảm hại, đặc biệt trong nhóm có nguy cơ cao như đồng tính nam (MSM).
Cùng với nỗ lực của ngành y tế trong việc đẩy mạnh truyền thông K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), các nhóm giáo dục đồng đẳng trên địa bàn tỉnh như: Bình Minh, Hoa Đăng (TP. Vũng Tàu), Muối Trắng (TP. Bà Rịa và huyện Long Điền) cũng tích cực tuyên truyền về dự phòng HIV/AIDS; tư vấn và hỗ trợ xét nghiệm HIV tại cộng đồng; chuyển gửi dịch vụ, cấp phát vật phẩm y tế cho nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV gồm người tiêm chích ma túy, quan hệ đồng tính nam và lao động tình dục. Họ còn vận động chính sách cho nhóm người dễ tổn thương là những người quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, nhiễm HIV.
Theo ông Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc CDC tỉnh, trong thời gian tới, để đẩy lùi bệnh HIV/AIDS, ngành y tế tỉnh sẽ tập trung các hoạt động như: mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm; đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm; đẩy mạnh xét nghiệm trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng; bảo đảm, lồng ghép hoạt động khám, chữa bệnh qua nguồn BHYT. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng CNTT trong việc cảnh báo sớm, kiểm soát dịch.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG