Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt do Nhà nước tổ chức thực hiện chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... Sau nhiều năm, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT ngày càng được bảo đảm và mở rộng.
Người dân làm thủ tục BHYT tại Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ. |
San sẻ gánh nặng
Có người thân ốm đau mới thấy tầm quan trọng và giá trị nhân văn sâu sắc của tấm thẻ BHYT. Đó là tâm sự của P. K.A. (SN 1991, xã Cù Bị, huyện Châu Đức). Chị K.A. kể: “Tháng 10/2021, tôi hạ sinh con gái đầu lòng. Khi sinh bé, niềm vui được làm mẹ chưa trọn thì bác sĩ thông báo bé không khóc và lo ngại cháu có vấn đề về sức khỏe; đồng thời khuyên chúng tôi nên đưa cháu lên bệnh viện lớn để thăm, khám… Rời bệnh viện về phòng trọ, cháu có biểu hiện rất yếu, không khóc, người tím tái nên chúng tôi tức tốc đưa cháu lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật gấp”.
Lúc ấy, hai vợ chồng chị K.A đang làm công nhân, ở trọ tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) nên kinh tế khó khăn. Lương hàng tháng của hai vợ chồng vỏn vẹn 10 triệu đồng, chỉ đủ trang trải tiền phòng trọ và sinh hoạt tối thiểu lại không có tiền tiết kiệm. May mắn, hai lần phẫu thuật, con gái chị K.A. đều có BHYT chi trả với số tiền hơn 751 triệu đồng: “Nếu không có thẻ BHYT, có lẽ gia đình tôi đành buông tay... vì không thể nào lo được khoản tiền quá lớn như vậy. May mắn là có thẻ BHYT nên cháu được chi trả số tiền lớn cho 2 ca phẫu thuật mổ tim. Gia đình yên tâm, ổn định về tinh thần, tập trung chăm sóc cháu…”, chị K.A. bày tỏ.
Tấm thẻ BHYT càng quý giá hơn đối với ông Đ.V.M. (SN 1957, phường Long Hương, TP. Bà Rịa) khi nhận tin mắc bệnh đa u tủy xương cách đây 8 tháng. May mắn, trước đó, tháng 7/2021, vợ chồng ông M. đã mua BHYT hộ gia đình.
Bà N.T. L. (vợ ông M.) chia sẻ, hiện ông M. đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại Hà Nội. “Số tiền BHYT đã chi trả thời gian qua là hơn 521 triệu đồng đã giảm gánh nặng chi phí cho gia đình rất nhiều”, bà N.T.L. nói.
Từ những trường hợp bệnh trên, có thể thấy chính sách BHYT đã và đang ngày càng thể hiện rõ vai trò, giá trị trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo thống kê BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 7/2022, BHXH tỉnh đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 1.343.945 lượt người bệnh với số tiền hơn 439 tỷ đồng. Trong đó có hàng chục trường hợp chi phí điều trị trên hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, thời gian qua, ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như “phao cứu sinh”, là “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu của mỗi người.
Quyền lợi ngày càng được mở rộng
Theo BHXH Việt Nam, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT được cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật.
Theo đó, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 55,6 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi phí 39.533 tỷ đồng. |
Mặc dù các thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo đều là các thuốc đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng…
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh có 1.002.584 người tham gia BHYT, độ bao phủ 85,25% dân số. “Có thể khẳng định rằng, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân”- bà Nguyễn Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG