Kinh nghiệm trong "chặng nước rút" của Thủ khoa, Á khoa THPT 2021

Chủ Nhật, 03/07/2022, 22:30 [GMT+7]
In bài này
.

Với kinh nghiệm “vượt vũ môn” thành công, các Thủ khoa, Á khoa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã đưa ra những lời khuyên, giúp các sĩ tử có sự chuẩn bị tốt nhất khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang tới gần.

Trần Linh Chi (thứ 2 từ phải qua), Thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hiện là SV ngành Tâm lý học, Trường ĐH Fordham (Mỹ).
Trần Linh Chi (thứ 2 từ phải qua), Thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hiện là SV ngành Tâm lý học, Trường ĐH Fordham (Mỹ).

Chuẩn bị tâm lý, sức khỏe

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 8/7. Giai đoạn này được xem là chặng nước rút, đòi hỏi thí sính phải có sự chuẩn bị cả về kiến thức, tâm lý, sức khỏe và kỹ năng làm bài để có tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

Trịnh Thiên, Thủ khoa khối Khoa học Tự nhiên của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 nhắn nhủ các sĩ tử chú ý chuẩn bị sức khỏe và tâm lý thật tốt: “Các em nên ăn uống đầy đủ 3 bữa chính, ngủ đủ giấc. Trong những ngày này, tuyệt đối không nên thử món ăn mới, mà nên “trung thành” với những món ăn, quán ăn quen thuộc. Khi đi ra ngoài, nên mang theo dù, đội nón, mang theo áo mưa để tránh bị bệnh. Trước khi thi 1 - 2 ngày, các em có thể tham gia các hoạt động giải trí để giải tỏa tinh thần như: xem phim hài, đọc truyện, lướt mạng xã hội… Nhưng không nên đọc những thông tin làm tăng áp lực thi cử như những tin dự đoán độ khó đề thi”.

Trịnh Thiên cũng cho biết thêm, trước khi thi, các em nên chuẩn bị sẵn giấy báo dự thi, căn cước công dân/chứng minh nhân dân, dụng cụ học tập, đặt đồng hồ báo thức và chuẩn bị trước trang phục. Khi tới phòng thi, các em nên tắt nguồn điện thoại, cất điện thoại vào cặp, tìm chỗ ngồi và hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh.

Trần Linh Chi, Thủ khoa khối Khoa học Xã hội, đồng thời là Thủ khoa kỳ thi của tỉnh năm 2021 với tổng điểm là 55,8 cũng đưa ra lời khuyên: “Thời gian trước khi đi thi là thời gian ôn tập nước rút nhưng các bạn không nên quá chú tâm vào việc học mà nên cân bằng việc học với việc nghỉ ngơi để không bị kiệt sức trước khi thi”, Linh Chi nhắn nhủ.

Để bảo đảm sức khỏe tốt và sự tập trung cao, Linh Chi cho biết, kinh nghiệm của mình là cố gắng ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya. Tới gần ngày thi, ngoài thời gian học ở trường, Chi thường chỉ dành thêm 2-3 giờ mỗi ngày để ôn thi. Để giải tỏa căng thẳng, Linh Chi thường đi dạo hoặc xem phim. Ngoài ra, những ngày trước và trong kỳ thi, nên hạn chế dùng mạng xã hội để giảm bớt áp lực vì trên mạng xã hội lúc này sẽ có nhiều thông tin về đề bài và điểm số khiến mình cảm thấy mất tự tin.

Cố nhồi nhét, hiệu quả sẽ không cao
Theo cựu Thủ khoa Trịnh Thiên, giai đoạn này, các em nên dành thời gian ôn kỹ lý thuyết, làm lại một vài dạng bài cũ ở mức vận dụng và vận dụng cao. Các em có thể học thêm một vài dạng bài mới nhưng không nên học quá nhiều. Với riêng môn Ngữ Văn, trước ngày thi 1-2 ngày, các em nên học thuộc thông tin tác giả, tác phẩm và nội dung chính của từng tác phẩm để không bối rối, dù đề thi ra vào nội dung nào. Trước ngày thi, các em có thể ôn lướt lại kiến thức một lần nữa nhưng đừng cố nhồi nhét bởi làm như vậy cũng không đem lại hiệu quả cao.

Hệ thống hóa kiến thức, chú ý kỹ năng làm bài

Chu Hà Như Khánh (thứ 2 từ trái qua) là Thủ khoa của Trường THPT Vũng Tàu và Á khoa toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Chu Hà Như Khánh (thứ 2 từ trái qua) là Thủ khoa của Trường THPT Vũng Tàu và Á khoa toàn tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Á khoa khối Khoa học Tự nhiên của tỉnh, đồng thời là Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) năm 2021 Chu Hà Như Khánh chia sẻ, cận kề ngày thi, cần tập trung ôn lại kiến thức cơ bản, xem lại những bài mình từng sai và nội dung đã được ghi chú lại trong quá trình luyện đề.

Với môn Văn, Như Khánh đọc lại các bài làm của mình và dành thời gian để hệ thống hóa kiến thức. Về kinh nghiệm làm bài thi, đối với các môn trắc nghiệm, Như Khánh ưu tiên làm câu dễ trước, câu khó sau. Cố gắng làm thật nhanh và chính xác các câu dễ để có thời gian hơn cho câu khó. Riêng môn Văn, làm chăm chút từ câu Đọc hiểu, đến câu Nghị luận. “Để hoàn thành bài làm thật tốt thì việc quản lý, phân chia thời gian cho các câu cũng khá quan trọng. Còn khoảng 5 phút cuối mỗi bài thi, nên rà soát lại bài cẩn thận. Sau khi hoàn thành 1 môn thi, tôi thường bỏ qua vướng mắc của môn trước, hít thở đều để điều chỉnh lại tâm trạng, cảm xúc, tránh quên kiến thức do căng thẳng và hồi hộp”, Như Khánh nói.

Trịnh Thiên (thứ 3 từ trái sang hàng cuối), thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thường giải tỏa áp lực thi cử bằng việc tập nhảy.
Trịnh Thiên (thứ 3 từ trái sang hàng cuối), thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thường giải tỏa áp lực thi cử bằng việc tập nhảy.

Về kỹ năng làm bài, cựu Thủ khoa Trịnh Thiên cho hay, sau khi nhận đề thi cần kiểm tra kỹ, đọc lướt qua nội dung đề thi để biết sơ bộ đề thi gồm những nội dung kiến thức gì, mức độ ra sao để phân bố thời gian và thứ tự làm bài. Đối với môn Ngữ văn, khi viết bài Nghị luận, cần viết đủ các phần của một bài văn. Thí sinh nên chú ý tới những vấn đề nổi bật trong thời gian gần đây để lấy dẫn chứng, mở rộng, liên hệ thực tế.

Với các môn Tự nhiên, cựu Thủ khoa lưu ý sĩ tử nên thận trọng trong thực hiện phép tính để bảo đảm sự chính xác. Khi làm bài trắc nghiệm, các em không nên bỏ trống đáp án nhưng cũng tránh việc “đánh lụi” một đáp án duy nhất. Hãy cân nhắc để lựa chọn đáp án mà các em nghĩ rằng có khả năng chính xác nhất. Ra khỏi phòng thi, các em có thể tìm bạn bè để trao đổi, động viên nhau rồi về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.

Còn cựu Thủ khoa Linh Chi thì cho hay, sau khi thi xong các môn, dù làm bài tốt hay không thì việc dò đáp án có thể gây ra tâm lý lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng tới các môn thi sau. Vì vậy, Linh Chi thường không dò đáp án mà dành thời gian nghỉ ngơi hoặc ôn bài, kiên nhẫn chờ đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT sau khi kỳ thi khép lại.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 
;
.