.

"Đòn bẩy" từ những đồng vốn nhỏ

Cập nhật: 18:40, 15/07/2022 (GMT+7)

Từ làm thuê, làm mướn, cuộc sống khó khăn, nhiều phụ nữ tại các địa phương được sự hỗ trợ nguồn vốn của các cấp Hội LHPN đã lựa chọn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế phù hợp, tạo thu nhập bền vững.

Chị Nguyễn Thị Đậu (ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước, huyện Long Điền) thay nước trong chuồng lươn giống.
Chị Nguyễn Thị Đậu (ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước, huyện Long Điền) thay nước trong chuồng lươn giống.

Trước đây hoàn cảnh chị Lê Yến Tuyết (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) rất khó khăn. Do không có vốn sản xuất nên thu nhập từ may chăn, ga, mền của chị thấp. Gia đình phải chăm lo cho 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học nên cuộc sống quanh năm thiếu trước hụt sau. Năm 2021, chị Tuyết tham gia vào mô hình “Góp vốn xoay vòng” của Hội LHPN xã Bàu Chinh và được vay 3,2 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn 30 triệu đồng được Hội LHPN xã tín chấp vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị đầu tư máy móc, mua thêm nguyên liệu.

Mỗi ngày chị Tuyết dậy sớm đem các sản phẩm may được đến các chợ trên địa bàn huyện bán. Với nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng, giá cả rất phải chăng, chỉ từ 20 ngàn đồng đến hơn 100 ngàn đồng, các sản phẩm của chị được khách hàng ưa chuộng. Thu nhập của gia đình chị dần đi vào ổn định, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, mỗi ngày chị Tuyết thu về từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Chị Tuyết cho biết: “Tôi đã trả hết nợ và tiếp tục góp mỗi tháng 400 ngàn đồng vào nguồn vốn xoay vòng để tạo nguồn vốn cho các chị em khác”. Bên cạnh tăng thu nhập cho gia đình, chị Tuyết còn tạo việc làm, thu nhập ổn định giúp cho 1 hội viên khác là chị Bạch Thị Kim Phượng, ngụ cùng địa phương.

Trước năm 2007, chị Nguyễn Thị Đậu (ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước, huyện Long Điền), làm công nhân, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2017, chị vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nuôi bò, đầu tư giống trồng các loại cây nông nghiệp như: bắp, mì, đậu, dừa, tràm và cây tiêu trên diện tích 2ha đất của gia đình. Thế nhưng, cây tiêu thường xuyên bị bệnh, giá cả bấp bênh; vườn tràm trồng vài năm mới mang lại hiệu quả. Những loại cây nông nghiệp khác thường lâm vào điệp khúc được mùa mất giá. Không nản chí, năm 2019, nhận thấy nuôi lươn cho giá trị kinh tế cao, chị Đậu học tập kỹ thuật chăm sóc, đầu tư trang trại lươn nuôi trong bể xi măng để nuôi 14.000 con lươn giống.

Chị Lê Yến Tuyết bên chiếc máy may cùng với sản phẩm là chăn, ga, mền đa dạng mẫu mã được người dân địa phương ưa chuộng.
Chị Lê Yến Tuyết bên chiếc máy may cùng với sản phẩm là chăn, ga, mền đa dạng mẫu mã được người dân địa phương ưa chuộng.

Thức ăn cho lươn là trùn quế, các loại cá xay nhuyễn do chính tay chị thực hiện hàng ngày. Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, những lứa lươn đầu tiên xuất bán chất lượng thịt thơm ngon và được thương lái đến tận nơi đặt hàng. Bước đầu thuận lợi, chị mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi lên gần 2.000m2, hình thành hệ thống khép kín từ nuôi lươn bố mẹ cho sinh sản, ấp nở đến nuôi và bán con giống, xuất bán lươn thịt cho thị trường. Lươn giống và lươn thịt tại trang trại của chị hút khách. Mỗi ký lươn thịt giá bán tại trang trại là 130.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm chị thu về hơn 200 triệu đồng.

Kinh tế gia đình đi vào ổn định, chị Đậu trở thành Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Phước Nghĩa và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn cho chị em phụ nữ có nhu cầu. Trong vai trò là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Phước Nghĩa, chị Đậu còn vận động hội viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện Tổ đang quản lý nguồn vốn gần 2,4 tỷ đồng, giúp cho 53 hộ vay. Qua đó đã giúp cho 6 gia đình hội viên nữ trong ấp thoát nghèo.

Theo bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, cho biết, đồng hành cùng hội viên, trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ 67 chị khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 250,74 tỷ đồng/5.206 hộ vay. Các cấp hội tiếp tục duy trì hiệu quả 32 mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với 162 thành viên, 5 HTX với 115 thành viên; đồng thời thành lập mới 5 tổ hợp tác với 50 thành viên, hiện tổng số tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh là 24 tổ với 228 thành viên. Từ những đồng vốn nhỏ, đã giúp nhiều chị em vươn lên, tạo lập kinh tế gia đình.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.