Cần đối xử với "một nửa" như thuở… mới yêu nhau
Nhà bác học Albert Einstein (1879 -1955) đã nói một câu trứ danh: “Chỉ một cuộc sống sống cho người khác mới là đáng sống”. Hiểu và làm theo câu nói nói này mỗi người có một cách chọn lựa, với tôi, có lẽ cách tốt nhất là hãy yêu thương, chăm sóc người “đầu ấp, tay gối” cận kề mỗi ngày, trước lúc làm những việc to tát khác. Dẫu có làm những việc “đội đá vá trời” nhưng hắt hủi, bỏ bê, bạo hành vợ con thì việc làm ngoài xã hội cũng chẳng mấy ý nghĩa gì. Thế nên, làm việc tốt phải bắt đầu từ ngôi nhà mình đang sống mỗi ngày, những hành động tích cực trước nhất ấy thiết thực biết bao nhiêu.
Bạn có đồng ý không?
Nếu chưa, cho phép tôi trích dẫn thêm câu nói của cựu Tổng thống Barack Obama, trả lời phỏng vấn tạp chí Ladies’ Home Journal (số tháng 9/2008), đã phát biểu: “Để nhận xét liệu rằng một quốc gia có thể phát triển hay không, hãy nhìn vào cách nó đối xử với phụ nữ. Nếu phụ nữ được giáo dục, được đối xử bình đẳng, đất nước đó sẽ hướng tới tương lai. Nhưng nếu phụ nữ bị đàn áp, bạo hành, tước đoạt cơ hội tiếp thu kiến thức, cả dân tộc đó sẽ trở nên chậm tiến”.
Với nhận thức tiến bộ, bình đẳng này, chắc chắn các đấng mày râu đều vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Tán thành lắm. Tâm đắc lắm. Nhưng rồi trong thực tế, có phải ai cũng thực hiện được vậy không?
Thì đây, lúc yêu nhau, nằng nặc đòi cưới nhau cho bằng được, ấy là lẽ thường tình của mọi lứa đôi. Lúc ấy, họ nghĩ rằng, từ đây sẽ dính nhau như sam, chồng đâu vợ đó, thậm chí còn có những đôi uyên ương mỗi ngày hâm nóng lại tình yêu bằng cách ngửa mặt trời song ca “chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”! Nói tắt một lời, họ hồi hộp và nôn nóng, hào hứng và happy đếm từng ngày, từng giờ, từng phút giây chờ đợi đến lúc trăng mật. Bởi sau phút giây ấy, họ hoàn toàn thuộc về nhau, chia ngọt xẻ bùi từng khoảng khắc.
Thử hỏi, còn có cuộc đời còn gì tươi đẹp hơn?
Vâng cuộc đời lúc nào cũng đẹp nhưng rồi, đôi lúc cũng có nhiều chuyện khiến người trong cuộc nửa mếu nửa cười.
Với người đàn ông, đến với hôn nhân tức là mọi việc đã kết thúc. Từ lúc này, cô ấy “ván đã đóng thuyền”, “chim đã vào lồng” - đố kẻ khác có thể léng phéng, tỏ tình? Đố đấy! Vậy không còn gì phải lo ngại nữa? Chả bõ cho những ngày còn tán tỉnh, còn đeo đuổi phải vận dụng mọi trí thông minh, mọi khả năng tài chánh để chinh phục giai nhân cho bằng được. Đến khi đã “chiếm” được “báu vật”, người đàn ông nghĩ rằng, mình đã hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang, cực kỳ oanh liệt. Trong khi đó, với người phụ nữ, hôn nhân chỉ mới là bước đầu. Mới là dòng chữ đầu tiên trên trang giấy còn trắng tinh khôi. Do đó, tự bản thân họ đã ý thức về sự nỗ lực để có thể chu toàn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ.
Do hai suy nghĩ trái khoáy nhau nên câu chuyện “đồng sàng dị mộng”, “ông chằng bà chuộc” xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Anh bạn tôi là một trong những trường hợp khá phổ biến. Sau khi đã có một, hai mặt con, anh cảm thấy mình xứng đáng trở thành trụ cột gia đình. Này nhá, mọi chi tiêu trong nhà, một tay anh cáng đáng. Từ mua sắm vật dụng trong nhà đến tiền điện, nước, sữa, gas… anh thanh toán đầy đủ. Vậy mỗi chiều, sau một ngày làm việc mệt mỏi, anh có quyền bù khú, lai rai “chén tạc chén thù” với bạn bè? Tất nhiên. Nhưng rồi trăm lần như một, đều dặn như vắt tranh, hễ lúc anh mở cửa bước vào nhà thì đã nghe từ ngoài cổng nồng nặc mùi rượu. Rồi những lúc quá chén nên “cho chó ăn chè” cũng trở nên quen thuộc.
Sống trong cảnh ngộ này, người phụ nữ nào cũng đâm ra chưng hửng và tự hỏi: “Ủa, tại sao chồng mình lại thay đổi “quá hớp” đến thế?”. Có những lúc đang khuya, nghe tiếng sột soạt ngoài cửa, cô vợ giật mình lay chồng dạy, khẽ khàng nói nhỏ vào tai: “Cưng ơi! Ăn trộm vào nhà mình”. Trái tim chị đập thình thịch, mặt mày xanh lét và những tưởng anh chồng sẽ vùng ngay như Từ Hải giữa chốn sa trường. Phải thế chứ, có chồng bên cạnh thì sá gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Nhưng rồi, trả lời cho vợ chỉ là tiếng ngáy rền vang ầm ĩ như còi tàu xe lửa lúc vào sân ga! Cô vợ cảm thấy tủi thân quá. Ôm mặt khóc hu hu vì sợ, vì giận mình đã cả tin những lời hứa hẹn trước đó.
Trước đó, người đàn ông đã hứa hẹn những gì? Này nhá: “Em ơi em à, em là số một, em là “năm bờ oanh”, hễ lúc nào em cần là anh có mặt ngay”. Ấy vậy mà, có lúc cô vợ ốm, nửa khuya nôn oẹ, muốn uống một cốc sữa hoặc ly trà gừng thì sao? Người chồng sẽ nhiệt tình thực hiện ngay? Đúng vậy, hoặc có thể không như vậy, nhưng rồi không quên thòng thêm một câu kể công: “May mà… có anh ở nhà em nhỉ?”.
Vâng, may lắm chứ. Lúc cô vợ thấy chuyển dạ, bằng linh tính cô thừa biết phải đến bệnh viện phụ sản gấp. Réo điện thoại gọi chồng, nhưng anh ta mải mê với trăm công ngàn việc quan trọng hơn, quan trọng đến độ lúc anh đến bệnh viện thì đã thấy… đứa nhóc đỏ hỏn lọt lòng nằm khóc oe oe bên cạnh vợ. Trong những trường hợp éo le này, nhiều người vợ thốt lên lời ai oán như trong tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài: “Số tôi sao bạc phước thể này hở giời!”.
Khổ nỗi, ông giời không nghe mà ông chồng cũng không nghe nốt.
Có thể những người đàn ông đó nghĩ rằng, do còn phải lo sự nghiệp, sự thăng tiến ngoài xã hội nên nhất nhất dành mọi thời gian nhằm khẳng định mình. Chuyện này không có gì sai, nhưng tại sao không nghĩ rằng, vẫn có thể đem lại hạnh phúc gia đình nếu biết sắp xếp dành thời gian. Chẳng gì nhiều, hạnh phúc của người phụ nữ đôi khi chỉ cần người chồng hiện diện an ủi, vỗ về, tâm sự chứ không hẳn là khối tài sản kè kè bên cạnh.
Vậy thì, dù bất kỳ lý do gì người đàn ông cũng nên bình tâm nhớ lại rằng, mình còn có một người nữa. Người đó chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong mỗi ngày hãy dành thời gian cho họ nhiều thêm một chút thôi. Khoảng thời gian đó, chẳng cần phải thể hiện điều gì lớn lao, to tát đâu, đôi khi chỉ một câu trêu đùa, một lời sẻ chia tâm tình như cái thuở mới yêu nhau…
LÊ MINH QUỐC