Tiền, không là tất cả

Thứ Sáu, 17/06/2022, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người cho rằng, đời sống khá giả một chút, thậm chí cực giàu thì bao giờ cũng hạnh phúc hơn những ai quá nghèo. Thì đó, vợ chồng lục đục nhau cũng vì hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, hễ đụng cái gì liên quan đến tiền, mà trong nhà không sẵn tiền thì sau đó thế nào cũng… cãi nhau. Do không nhiều tiền nên vợ muốn để dành sắm cái này, còn chồng thì muốn chi tiêu cho chuyện kia, không ai chịu ai vì ai cũng thấy nhu cầu chi tiền của mình là có lý. Vâng, cứ cho là có lý nhưng rồi tiền không nhiều thì phải làm sao đây hở trời?

Về “lý” ta thấy không sai chút tẹo nào. Thế nhưng khi đi vào thực tế, mới thấy rằng suy nghĩ trên chưa hẳn là đã đúng. Tôi biết có chuyện trái khoáy quá. Tất nhiên. Nhiều người sẽ thốt lên khi biết câu chuyện này: Lâu nay, mọi việc trong nhà từ chi tiêu chợ búa, mua sắm vật dụng đến tiền học hành lo cho con… người chồng đều một tay cáng đáng. Không chê vào đâu được. Làm được thế ắt hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ làm chồng, trách nhiệm làm cha. Người chồng nghĩ rằng mình đã lo toan cho gia đình như vậy là đủ rồi, còn đòi hỏi gì nữa?

Do đó, người tự cho mình cái quyền đối với vợ con lúc nào cũng “chảnh như con cá cảnh”. Vì rằng, “Nếu không có tôi đem tiền về thì cái nhà chỉ có nước ở nhà trọ. Ai mua cái này? Ai sắm cái kia?  Tôi chứ ai. Ai bỏ tiền ra chi tiêu trong nhà? Ai bỏ tiền ra dẫn cả nhà du lịch? Tôi chứ ai”. Do suy nghĩ một cách tự mãn như thế nhiều người đàn ông cho mình cái quyền “chồng chúa vợ tôi”.

Ra khỏi nhà nhà thì thôi, chứ vác xác về thì mười đêm như chục, lúc nào cũng nồng nặc hơi men. Say xỉn quá, lủi vào giường ngáy pho pho. Nếu nửa tỉnh nửa say, lại giở trò hoạnh họe này nọ, “Chửi chó mắng mèo”, “Đá thúng đụng nia” khiến vợ con chết khiếp. Cứ như thể ngầm bảo, nếu không có anh ta, nhà này chỉ có nước ăn cám. Lấy được người kiếm ra tiền, lo toan chu đáo cho vợ con là sung sướng quá. Vậy người vợ còn than phiền, đòi hỏi gì nữa? Đúng không nào?

Chưa chắc.

Xin thưa, thật trái khoáy vì vào một ngày kia khi hay tin thu nhập của chồng không còn lãnh ở mức như trước, trong khi người chồng buồn xo, lo lắng thì người vợ lại… mừng ra mặt! Ủa sao lại mừng? Kỳ cục chửa? Nhiều người ngạc nhiên quá, trong đó có tôi bèn tò mò hỏi cơn cớ vì sao? Chị  bạn tôi cười tỉnh rụi: “Chà, chẳng biết thế nào mới gọi là giàu? Tớ nghĩ chỉ cần đủ ăn đủ mặc, có dư thừa chút đỉnh là được. Anh xã nhà mình từ khi tụt thu nhập lại tốt”.

Ủa, tốt à? Tôi lùng bùng lỗ tai, chẳng hiểu ất giáp gì cả. Chị giải thích, đại khái, trước kia tan sở, chỉ cần nghe bạn bè í ới: “Ai kêu tui đó”, lập tức anh chồng hùng dũng đáp lại: “Có tui đây”. Nay, do kiếm tiền không dễ dàng nên anh ta buộc lòng phải bỏ dần các khoản nhậu say bét nhè, tiêu xài bạt mạng. Tiền không rủng rỉnh như xưa, do đó, các khoản “Cuộc vui suốt tháng, trận cười thâu đêm” dần dần hạn chế.

“Vậy không tốt cho sức khỏe là gì?”. Ắt nhiều người thốt lên như thế. Hơn nữa trước kia công việc nhiều, phải làm nhiều thì thu nhập mới cao; phải “xã giao” nhiều với lắm mối quan hệ ngoài xã hội. Còn bây giờ, dù mọi thứ chi ra ít đi nhưng bù lại người chồng có thời gian dành cho vợ con nhiều hơn. Có thời gian quan tâm hơn với việc học hành của con, tâm tình cùng vợ. Há chẳng phải là nền móng của hạnh phúc gia đình đấy sao? Ngẫm ra thấy chí lý.

Mất cái này ắt nhận được cái khác. Điều mà vợ con thích thú, vui sướng nhất vẫn chính là thời gian người chồng dành cho họ. Sự cố nào cũng có “cái hay” của nó, nếu có cách giải quyết theo hướng tích cực. Và qua đó, ta thấy rằng, chẳng có tình huống nào là “ngõ cụt”, là đẩy con người ta vào “chỗ chết” đến mức phải tuyệt vọng.

Mà này bạn ơi, tréo ngoe quá đi thôi. Thậm chí đôi lúc do gặp sự cố nào đó, con người ta mới khám phá ra hết tài năng, khả năng của mình?

Tôi có người thân rất nổi tiếng trong giới kinh doanh nhà hàng. Số phận anh thay đổi kỳ lạ, không hề do trúng số độc đắc mà chính vì… vỡ nợ! Trước đây, mọi việc trong nhà đều do người vợ quán xuyến, còn anh chỉ cà nhỏng vui chơi. Hằng ngày, ngửa tay “nhận lương” vợ,  rồi anh mải mê theo bạn bè với cái thú chơi chim, cá cảnh, gà đá... Dù nhà không giàu có nhưng lúc thả hồn tiếng chim hót, ngắm cá tung tăng bơi lội, nhìn gà xòe lông, với anh, đó mới là thú vui tao nhã, là lẽ sống ở đời.

Bỗng một ngày, anh bị lôi tụt trở về với đời thường: con nợ ùn ùn kéo tới nhà đòi nợ! Do bể hụi, làm ăn thua lỗ nên vợ anh nợ nần chồng chất. Vậy phải làm thế nào? Trước tình huống thê thảm này, có lúc anh nghĩ chỉ còn cách dẫn vợ con đi trốn nợ, chứ làm sao xoay xở ra số tiền lớn mà vợ đã vay?

Lúc bi đát nhất, anh suy nghĩ nhiều về “bửu bối” của nghề gia truyền nấu thức ăn món Bắc mà bố mẹ đã truyền lại. Thế là anh bàn với vợ “xắn tay áo” làm lại cuộc đời. Do chí thú làm ăn, sáng mắt ra từ sự cố khủng khiếp đó, nay vợ chồng anh thuộc vào hạng giàu có. Không chỉ trả xong nợ, họ còn dành dụm được một số vốn lớn. Thế đấy, cuộc đời đôi lúc diễn ra trái khoáy thật. Nói cách khác, chính từ sự cố đó, chẳng vui vẻ gì nhưng lại khiến người chồng biết suy nghĩ lại. Rồi chí thú làm ăn, chia sẻ với nợ nần của vợ. Kể ra cũng hay.

Hay nhất theo tôi vẫn là về tiền ai cũng cần nhưng rồi khi tiền không nhiều nhưng hạnh phúc gia đình vẫn ấm êm, biết chi tiêu “liệu cơm gắp mắm” vẫn là điều quan trọng nhất.

LÊ MINH QUỐC

;
.