Tiêm vắc xin mũi 4 nhằm phòng ngừa tái nhiễm COVID-19
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đến tiêm các mũi tăng cường (mũi 3, 4) vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, tốc độ tiêm tại các đơn vị còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của việc lan truyền những tin đồn thiếu cơ sở khoa học về tiêm vắc xin COVID-19.
Ông Phạm Văn Hai được nhân viên y tế Trạm Y tế xã An Ngãi (huyện Long Điền) tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. |
“Chúng tôi tiêm về vẫn khỏe mạnh”
Sau khi nghe thông tin từ Đài truyền thanh xã An Ngãi (huyện Long Điền) tuyên truyền, mời gọi người dân đi tiêm các mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19, ông Phạm Văn Hai (62 tuổi, ở tổ 12, ấp An Thạnh) liền đến Trạm Y tế xã để tiêm mũi 4.
Ông Hai cho biết, ông bị bệnh hen suyễn lâu năm, sức khỏe ngày càng sa sút. Ông cũng lo ngại dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khi liên tục xuất hiện nhiều biến thể mới. Vì thế, ông không băn khoăn, ngần ngại mà tự giác đi tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đến nay, gia đình ông có 3 trong tổng số 4 người đã tiêm mũi 4, riêng người con trai của ông đang chờ đủ thời gian để tiêm mũi này. “Tôi thấy tiêm vắc xin phòng COVID-19 có lợi, bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Không chỉ mũi 4 mà những lần tiêm trước, chúng tôi đi tiêm về vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường”, ông Hai nói thêm.
Bản thân là đảng viên, làm việc tại một cơ quan hành chính cấp tỉnh, thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người nên chị Trần Thị Phương (45 tuổi, ở hẻm 988, đường 30/4, TP.Vũng Tàu) cũng đã tiêm mũi 4. Chị chia sẻ, thời gian qua chị có nghe nhiều tin đồn thất thiệt về việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 có tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe như: mất trí nhớ, rụng tóc. Tuy nhiên, chị Phương không tin vào những điều đó. Theo chị Phương, hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng chưa phải hết dịch.
UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương phải huy động sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng; giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trong đó lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị phải làm gương, đi đầu trong việc thực hiện tiêm chủng.
Tăng cường tổ chức các điểm tiêm lưu động tại trường học, nhà máy, KCN, KCX, cụm dân cư... để tăng tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
|
Mặt khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, vi rút SARS-CoV-2 có khả năng xuất hiện nhiều biến thể mới và còn thay đổi liên tục. Do đó, chị tiêm mũi 4 nhằm tăng kháng thể, phòng ngừa tái nhiễm COVID-19. Chị Phương nói: “Tôi đã nhiễm COVID-19 nhưng tôi vẫn tiêm thêm các mũi tăng cường. Mỗi lần tiêm về, tôi chỉ đau nhẹ ở chỗ tiêm. Tôi thấy sức khỏe bình thường, không có những dấu hiện như mọi người đồn”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh khẳng định, đến nay dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, số người nhiễm bệnh giảm sâu. Có được kết quả này nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cộng đồng đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, hiện có một số quan điểm không có bằng chứng khoa học cho rằng, tiêm vắc xin phòng COVID-19 có hại, thậm chí vô sinh, mất trí nhớ… Một số người khác lại có tư tưởng chủ quan, lơ là, nghĩ rằng, tiêm 2 mũi vắc xin là đủ, không cần tiêm mũi tăng cường.
Theo CDC tỉnh, đây là những quan điểm, cách hiểu chưa đúng, không có cơ sở khoa học. WHO đã khẳng định, vắc xin phòng COVID-19 không liên quan đến đột biến gen, khả năng sinh sản cũng như không ảnh hưởng đến trí nhớ của người được tiêm. Lượng kháng thể từ việc chích ngừa COVID-19 không duy trì lâu dài mà sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, tiêm vắc xin phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh có hơn 825.400 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19, đạt hơn 96% số người trong độ tuổi; hơn 27.300 người đã tiêm mũi 4, đạt hơn 3,3%. |
Khẩn trương tiêm mũi tăng cường cho người dân
Theo Bộ Y tế, vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện biến thể Omicron đang phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Dự báo thời gian tới dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, vắc xin vẫn là lá chắn cần thiết để bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh. Ngành y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân hãy ủng hộ và chủ động tham gia việc đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 ngay khi được mời đi tiêm tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế thông tin, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho người dân, Sở đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, bảo đảm hoàn thành trong quý II/2022; đồng thời tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, đủ điều kiện, ưu tiên cho người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như: nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu, công nhân và người lao động làm việc tại các KCN; người từ 18 tuổi trẻ lên có suy giảm miễn dịch từ vừa đến nặng…
Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát trong khi vắc xin không sử dụng hết, phải hủy bỏ.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM