Sắc màu sỏi đá
Là tựa đề tác phẩm nghệ thuật làm bằng đá của chị Nguyễn Thị Hồng Lan (19 Bạch Đằng, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp thành phố năm 2022” tại Bà Rịa và tiếp tục được dự thi cấp tỉnh.
Chị Hồng Lan bên các sản phẩm do mình vẽ nên. |
Bén duyên với... đá cuội
Người ta thường gắn nhãn vô hồn cho đá, nhưng dưới bàn tay tài hoa của chị Hồng Lan thì đá cuội lại là nơi gửi gắm cho tâm hồn đam mê nghệ thuật. Chị đã biến đá cuội thành chất liệu sáng tác và trở thành nghề “tay trái hái ra tiền”.
Vốn là chủ của một trung tâm Tiếng Anh tại TP.Bà Rịa, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trung tâm phải đóng cửa, chị tìm cách xả tress bèn rủ một giáo viên người Phillipines cùng vẽ cho đỡ buồn. Càng vẽ, người phụ nữ này càng mê mẩn. Chị Lan nhận ra, nếu biết cách tận dụng và phát triển đúng hướng thì vẽ tranh trên đá sẽ là hướng đi mới có thể kiếm tiền.
“Quan trọng là loại hình mới này cần tiếp cận theo hướng khác, không thể giữ mãi tư duy truyền thống là vẽ rồi ngồi đợi người tới mua”, chị Lan tâm sự. “Hai năm trước, tôi tình cờ gặp một số bức tranh vẽ trên đá cuội. Lúc đó tôi vừa phấn khích vừa bất ngờ nên tìm hiểu cách làm từ các nghệ sỹ nước ngoài với mục đích thư giãn lúc rảnh rỗi”, chị Hồng Lan tiếp tục kể về “cuộc gặp gỡ định mệnh” của mình với những viên đá.
Chị Hồng Lan quyết định mở cửa hàng đá nghệ thuật Stone Art với quy mô khoảng 1.000 sản phẩm các loại. Đây cũng là ý tưởng khởi nghiệp nổi bật nhất của TP. Bà Rịa năm 2021, mang đến cho người trẻ thông điệp: “Cho dù không được đào tạo bài bản về ngành nghề, nhưng cũng có thể mày mò sáng tạo và khởi nghiệp thành công”.
Thời gian đầu, có ngày chị ngồi đến 10 tiếng để nghiền ngẫm thứ nghệ thuật mới lạ. Tác phẩm đầu tiên là con bọ rùa trên đá học từ một nghệ sỹ người Canada. Chị Lan chụp lại và đăng lên trang cá nhân khoe. Mọi người đều tỏ ra thích thú với tác phẩm này, thậm chí có người hỏi mua nhưng chị không bán.
Cho sỏi đá những lời thì thầm
Với nghề này khi vẽ vừa phải giữ được nét tự nhiên, nhưng bề mặt cần đủ láng mịn để có thể vẽ lên đó. Chính vì thế, chị Lan phải đích thân đi chọn từng viên đá, sỏi mang về.
Theo chân chị Lan đi qua những con suối rì rầm giữa cơn nắng oi mùa hè, chị Lan xắn quần lội từ bờ này đến bờ kia để tìm những hòn cuội ưng ý. Chị Lan kỳ công chọn giữa hàng vạn viên đá cuội nằm ngổn ngang trên các con suối, đôi khi đi suốt một ngày như thế cũng chỉ nhặt được vài viên vừa ý.
“Ban đầu, tôi chưa có kinh nghiệm hay chọn đá xù xì về vẽ rất khó, không được đẹp. Sau nhiều lần tôi đã biết chọn đá theo hình dáng phù hợp với ý tưởng. Đôi khi chính sự xù xì ấy lại có thể diễn tả được xúc cảm của tôi một cách tự nhiên nhất”, chị Lan nâng niu hòn đá trong tay và chia sẻ.
Quy trình nghe đơn giản nhưng ngày đầu để cho ra đời một tác phẩm hoàn thiện, chị Lan phải trả giá không ít. “Thời kỳ đầu tôi vừa học vẽ, vừa học cách giữ màu đẹp cho sản phẩm. Nếu tính tiền thì mất tới hàng trăm triệu đồng vì công nghệ phủ bảo vệ đá trang trí Việt Nam khi đó chưa ai đạt được chất lượng hoàn hảo như của nước ngoài”, chị Lam nói. Chị đã phải mua hàng chục loại sơn về thử. Từ sơn phủ bóng xe hơi đến các loại dùng cho xây dựng. Nhiều đêm, chị mất ngủ vì tác phẩm tốn công vẽ nhưng phủ xong lại bị loang màu, hỏng toàn bộ.
Thời gian đầu, bố mẹ chị Lan còn phản đối gay gắt vì đang là giáo viên lại đột ngột rẽ ngang sang nghề “không liên quan” nhưng thấy con gái đam mê, sản phẩm làm ra đẹp mắt nên ông bà không còn ý kiến. Chồng chị làm ngành đá hoa cương nên cũng giúp trong việc làm đế, chân cho các sản phẩm. “Tuy vậy, ảnh vẫn rất lo vì tôi dành quá nhiều thời gian cho nó. Tuy nhiên, biết được đam mê cũng như mục đích mở cửa hàng của vợ, sau này anh cũng ủng hộ”, chị nói.
Với 1.000 sản phẩm có mặt trong cửa hàng, thời gian qua đã cho chị nguồn thu nhập ổn đinh. Chị phân chia thành ba phân khúc: thấp, trung và cao cấp. Dòng tranh phân khúc thấp dành cho HSSV ở mức giá 50.000-100.000 đồng. Dòng tầm trung vẽ 3D, giá dao động 100.000-500.000 đồng với đối tượng khách hàng là dân công sở, văn phòng. Với những người có thu nhập tốt, chị giới thiệu tới dòng tranh tầm cao có giá thấp nhất 2 triệu, cao nhất lên tới 50 triệu một tác phẩm. Lời lãi thu được, chị Lan xoay vòng tái đầu tư cho cửa hàng, bán online và giới thiệu sản phẩm.
Chị Hoàng Mai Anh (ngụ tại phường Long Tâm) cho biết: “Tôi rất ấn tượng từ những sản phẩm của chị Lan làm ra. Tôi thường xuyên đưa con tới đây học vẽ lên đá do chị Lan dạy miễn phí. Vừa cho con thỏa sức đam mê vẽ, vừa trân quý từ những viên sỏi đá kia lại là thành quả lao động, biết tạo nên cái đẹp trên những chất liệu thân thiện với môi trường và mới lạ”.
Bài, ảnh: HƯƠNG BÍCH