Từ tháng 5/2022 đến nay, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Phụ huynh không nên chủ quan với bệnh này vì nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Nhân viên Bệnh viện Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) điều trị bệnh tay chân miệng cho bé H.V.H.A. |
Thiếu kiến thức về bệnh
Bé H.V.H.A. (23 tháng tuổi, ngụ 22, Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) bị bệnh TCM cách đây 1 tuần. Bé mới đầu sốt 390C kèm theo các triệu chứng ho, sổ mũi, lòng bàn tay và chân xuất hiện các nốt ban hồng, miệng lở loét. Bé không chịu ăn và quấy khóc.
Chị Võ Thị Như Ý, mẹ bé A. cho biết, do không biết bé bị TCM nên 2 ngày đầu, chị cho con uống thuốc hạ sốt nhưng bé vẫn sốt li bì. Sau đó, chị Ý đưa con vào Bệnh viện Vũng Tàu khám. Bác sĩ chẩn đoán bé A. bị TCM, cần nhập viện điều trị.
“Tôi chưa có kiến thức về bệnh TCM nên không biết con bị bệnh này. Sau gần 1 tuần nhập viện điều trị, đến nay cháu hết sốt, các nốt ban đã lặn, chỉ còn lở loét ở miệng”, chị Ý nói.
Không riêng chị Ý, nhiều phụ huynh khác cũng chưa biết nhiều về biểu hiện của bệnh TCM để chủ động phòng, chống. Bé N.T.L., 18 tháng tuổi, con của chị Trần Thị Yến Ly (ngụ nhà số 248/7/7, Nguyễn Thiện Thuật, TP. Vũng Tàu) đang điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Vũng Tàu gần 1 tuần nay. Chị Ly kể, mấy ngày đầu con bị bệnh, chị cho bé ở nhà và mua thuốc hạ sốt về cho con uống nhưng không đỡ. Bé L., vẫn liên tục sốt cao từ 39-400C, người mệt mỏi, ngủ hay giật mình khiến gia đình chị vô cùng lo lắng.
Triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng
UBND tỉnh vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh TCM trên địa bàn; tập trung vào vùng có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Sở Y tế thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch); tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng; chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng tình huống dịch bệnh.
|
Sau đó, gia đình chị Ly mới đưa con vào khám tại Bệnh viện Vũng Tàu và được chỉ định nhập viện điều trị bệnh TCM. Nhờ chẩn đoán đúng bệnh và có biện pháp điều trị bệnh phù hợp, nên sau 6 ngày điều trị, đến nay sức khỏe của con chị Ly được cải thiện.
Hay như trường hợp của bé T.T.P. (26 tháng tuổi, ngụ TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) bị TCM mà gia đình không biết nên cũng tự điều trị tại nhà. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh, mẹ bé P. cho biết, khi thấy con sốt cao, chị mua thuốc về cho con uống nhưng không hiệu quả. Mấy ngày sau, trong miệng con có thêm lở loét, bỏ ăn 2 ngày liên tục nên chị Linh đưa con đi khám tại Bệnh viện Bà Rịa thì mới biết con mình bị bệnh TCM.
“Thấy con sốt nên tôi mua thuốc hạ sốt về cho uống mà không biết con mình bị bệnh gì. Sau khi được bác sĩ của Bệnh viện Bà Rịa giải thích, tôi mới biết bệnh TCM có nhiều nguy hiểm đến vậy”, chị Linh cho hay.
Rửa tay sạch sẽ cho con sau khi tham gia các hoạt động vui chơi ở nơi công cộng là biện pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống bệnh tay chân miệng. (Ảnh minh họa) |
Gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Các chuyên gia y tế cho hay, bệnh TCM là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có các biểu hiện đặc trưng như: sốt cao, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Những biểu hiện thường thấy khi bệnh rơi vào giai đoạn nặng, gồm: sốt cao liên tục nhưng hạ sốt không giảm, giật mình, thở nhanh, thở rít, đi loạng choạng, nôn ói nhiều, hôn mê.
Khi diễn tiến nặng mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Cụ thể, não bộ sẽ gặp biến chứng viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não; có biến chứng viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) thông tin, đến nay bệnh TCM chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nên người bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng.
Bệnh TCM có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì phụ huynh phải đưa con đến các cơ sở uy tín, chất lượng để khám, chẩn đoán bệnh kịp thời. Dựa vào kết quả về mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân nhập viện hay điều trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn của nhân viên y tế.
Dịch bệnh TCM xuất hiện quanh năm nhưng ở những năm trước thường ghi nhận số ca mắc cao từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 đến tháng 12. Năm nay, dịch TCM diễn ra trên địa bàn tỉnh trễ hơn. Bắt đầu từ tháng 5 đến nay, số ca TCM nhập viện điều trị có xu hướng bắt đầu tăng so với những tháng trước đó. Hầu hết các ca bệnh ở mức độ nhẹ. Trung bình mỗi ca điều trị trong 7 ngày được xuất viện.
|
“TCM có 4 mức độ bệnh, trong đó độ 1 ở mức nhẹ có thể điều trị tại nhà; từ mức độ 2 trở lên phải nhập viện điều trị. Trong tháng 5/2022, chúng tôi đã ghi nhận 1 ca TCM ở mức độ 2B (ca nặng) phải truyền thuốc. Vì thế, phụ huynh không nên chủ quan với bệnh TCM”, bác sĩ Trang cho biết.
Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trường Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) thông tin thêm, bệnh TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, nhất là đối tượng trẻ nhỏ. Do vậy, khi trẻ đi học tại trường, vui chơi tại những chỗ đông người, môi trường sống không sạch sẽ là những yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
“Phòng bệnh TCM bằng cách cho trẻ ăn uống sạch; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và rửa tay thường xuyên cho trẻ; hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Không cho trẻ đi học nếu bị TCM, cách ly trẻ ở nhà để hạn chế lây lan và thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi ở nhà cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM