Có gì cứ bàn bạc cùng nhau

Thứ Sáu, 03/06/2022, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Người ta nói đúng lắm, chẳng hạn, vợ chồng như răng với môi, của chồng công vợ, dính nhau như sam, chồng đâu vợ đó… Có thể suy ra, giữa họ không còn có khoảng cách nữa, có chuyện gì cần thiết cũng phải trao đổi với nhau. Hễ cả hai đã “nhất trí”, “biểu quyết đồng thuận 100%” thì sau đó, mới tiến hành. Cũng đúng thôi. Phải là thế. Nhưng rồi, có người lại không nghĩ thế.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

“Ủa, sao việc này anh không biết? Lẽ ra, em phải trao đổi trước với anh chứ? Ai đời…”. Chưa nói hết câu, người chồng ngồi phịch luôn xuống ghế, buông tiếng thở dài. Chiều nay qua nhà thăm mẹ, anh mới biết cô vợ đã tỉ tê, ton hót chuyện nhà với mẹ mình rồi quyết định luôn. Đến lúc nghe mẹ kể lại, anh mới giật thót người: “À, vậy mà mình chẳng biết gì sất”! Nỗi bực bội này lại khiến anh đâm ra lo. Mọi việc đã rồi, làm sao có thể thay đổi?

Chuyện là cô con gái lớn vừa chuyển cấp, phải đi học xa hơn trước. Theo ý của anh là cứ cho nó đi xe buýt, mỗi sáng, chỉ cần anh thức dậy sớm đưa ra bến xe cho kịp giờ; chiều, cháu tự đón xe về nhà. Việc làm này cũng còn có cái tốt, là qua đó thể hiện tình cảm yêu thương của cha dành cho con. Đơn giản thôi mà, hơn nữa, tiền bạc trong nhà chưa rủng rỉnh để sắm thêm chiếc xe mới. Nghĩ là nghĩ thế, chưa có dịp bàn bạc với vợ, đợi hôm nào gần ngày con nhập học thì trao đổi cũng chưa muộn.

Nào ngờ, cô vợ  “nhỏ to tâm sự” với mẹ chồng rồi đem tiền đóng luôn cho đại lý. Việc mua xe trả góp của vợ cũng chỉ vì thương con, nhưng chưa tính xa thêm một chút, liệu chừng cô con gái đi lại mỗi ngày trên chặng đường dài có an toàn? Rồi lúc có xe riêng, nhỡ nó đua đòi theo chúng bạn, làm sao kiểm soát?

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, sở dĩ những trường hợp tương tự khiến người trong cuộc khó chịu ra mặt bởi vì họ có cảm giác không được tôn trọng. Có những việc, vợ lẫn chồng cùng chung mục đích, nếu lúc thực hiện không bàn thảo cùng nhau thì dù đạt kết quả nhưng rồi cũng gây nhau!

Mới đây, chuyện lục đục của vợ chồng Ngân đã khiến bạn bè chúng tôi phải giảng hòa, dù rằng đã có căn nhà mới nhưng họ vẫn xào xáo. Bấy lâu nay, ai cũng biết vợ chồng Ngân ở quê lên thành phố lập nghiệp. Ước mơ lớn nhất của họ là có được căn nhà riêng, thôi ở trọ. Trong lúc chồng của Ngân thích mua miếng đất cất nhà, dù lớn dù nhỏ cũng là của mình; trong khi đó, cô vợ lại thích ở chung cư. Ai cũng có lý cả.

Ở nhà riêng, muốn sửa sang gì cũng dễ; nếu ở chung cư thì khó lắm, diện tích chỉ có thể, không thể cơi nói cho rộng thêm, hơn nữa, hàng tháng phải trả thêm nhiều khoản chi phí khác. Bù lại, ở chung cư có cảm giác an toàn, nhất là khi đi chơi xa, chỉ cần khóa cửa xong, vì đã có bảo vệ trực cả ngày lẫn đêm. Đại khái, ai cũng có lý lẽ riêng.

Rồi ước mơ đó cũng đến. Ngày kia, Ngân chọn được căn hộ ở chung cư nọ, nơi ấy gần trường học, gần bệnh xá, tiện đường đến công sở. Cô bảo chồng: “Em đi đặt cọc nhé? Chứ đồng tiền ngày một trượt giá, lo lắm anh à”. Chồng của Ngân lại chần chừ: “Thong thả đi em, đợi anh tìm mua mảnh đất, dù xa nội thành nhưng miễn hợp túi tiền, sau này khỏi phải trả lãi ngân hàng”. Bàn với nhau là vậy, nhưng rồi ngày qua ngày thấy chồng chẳng động gì sất. Thế là sau đó chừng nửa năm, vào một ngày đẹp trời Ngân lẳng lặng đem tiền dành dụm bấy lâu đi đặt cọc. Dù nay đã có nhà mới nhưng họ “cơm không lành, canh không ngọt”.

Ai cũng thừa biết trước mọi việc, nếu bình tâm suy tính trước với “một nửa” rồi hãy quyết định thì vẫn tốt hơn nhiều. Sự bàn bạc cùng nhau trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần thiết cả. Vì ít ra nó thể hiện sự tôn trọng mà cũng là một cách “nửa này” dễ dàng “lấy điểm” với “nửa kia” ngon ơ. Vậy tại sao không làm?  Việc gì phải tự mình quyết định, không thèm hỏi qua “nửa kia” một tiếng. Mà dù việc làm của mình có đúng và hợp lý đi nữa nhưng do không bản thân mình biết trước, cùng bàn bạc thì họ dễ tự ái đùng đùng.

Biết thế, chi bằng muốn làm việc gì cứ “long trọng thông báo” cho đúng bài bản, phải không nào?

LÊ MINH QUỐC

;
.