.

Tiếp sức cho cộng tác viên dân số

Cập nhật: 17:58, 29/05/2022 (GMT+7)

Được ví như “cánh tay nối dài” của ngành dân số, cộng tác viên (CTV) cơ sở chính là mắt xích quan trọng góp phần tạo nên thành công của công tác dân số. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ CTV này tuy thấp nhưng họ vẫn nhiệt tình hoàn thành công việc được giao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (giữa), CTV dân số khu phố 4, phường 12, TP. Vũng Tàu tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (giữa), CTV dân số khu phố 4, phường 12, TP. Vũng Tàu tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân trên địa bàn.

“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Vợ chồng ông Hoàng Quyện (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tuyết (67 tuổi, ngụ khu phố 4, phường 12, TP. Vũng Tàu) là 2 CTV dân số cao tuổi nhất trên địa bàn thành phố. Cùng đi với bà Tuyết đến các khu trọ công nhân để tuyên truyền về công tác dân số, bà Tuyết kể: “Chồng tôi vừa là Trưởng khu phố kiêm CTV dân số có thâm niên 27 năm, còn tôi gắn bó 21 năm. Ông đang chở giùm con một hộ dân đi tiêm phòng định kỳ do gia đình họ khó khăn lại phải tất bật mưu sinh”.

Tại tờ trình đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết “Quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số trên địa bàn tỉnh BR-VT”, UBND tỉnh đề nghị số lượng CTV dân số theo như giai đoạn trước nhưng tăng dần theo hàng năm cụ thể, năm 2022: 950 người (bằng hiện tại), năm 2023: 1.250 người (tăng 300 người), năm 2024: 1.550 người (tăng 300 người), năm 2025: 1.900 người (tăng 350 người), từ năm 2026-2030 duy trì 1.900 người/năm. Kinh phí dự kiến thực hiện bình quân 1 năm là hơn 10 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến thực hiện từ năm 2022-2030 là hơn 90 tỷ đồng.

Được biết, khu phố 4 có 8 tổ dân cư. Ông bà phụ trách công tác dân số ở 6 tổ dân cư. Nơi đây có 792 hộ dân, trong đó 172 hộ tạm trú là công nhân làm việc thời vụ tại các công ty chế biến thủy sản nên công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số khá nặng nề. Tuy nhiên, khu phố 4 thời gian qua không có tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 1 tuổi tử vong. Các bà mẹ mang thai nơi đây đều được khám tại cơ sở y tế. Trẻ em tiêm chủng đầy đủ. Thậm chí gia đình nào không có điều kiện đưa trẻ đi tiêm chủng, ông bà đều tình nguyện chở bé đến điểm tiêm.

Bà Tuyết cho biết, khu phố hàng năm đều hoàn thành mục tiêu về  Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Bên cạnh khuyến khích sinh đủ 2 con, CTV còn phải tác động để các cặp vợ chồng không phân biệt con trai, con gái, tránh tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. “Mặc dù từ đầu năm 2021, CTV dân số không còn được nhận phụ cấp nhưng vì trách nhiệm với người dân, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, bà Tuyết chia sẻ.

17 năm gắn bó với công tác dân số, bà Nguyễn Thanh Giang (ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, ấp Tân Hòa có 729 hộ dân, chủ yếu là làm nghề nông và công nhân. Để giúp bà con có kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bà Giang cùng các CTV dân số trong ấp không chỉ tuyên truyền trên hội trường, hội nghị mà “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, thai phụ, nam, nữ chuẩn bị kết hôn.

“Do công nhân, nông dân ban ngày đi làm việc nên chúng tôi phải tranh thủ lúc chiều tối đến tiếp cận, hướng dẫn các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, cách phòng bệnh đường sinh sản... để nâng cao chất lượng dân số”, bà tâm sự.

Đề xuất hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng

Theo ông Tôn Thất Khoa, Chi Cục trưởng Chi Cục DS-KHHGĐ, năm 2009, BR-VT có 1.900 CTV (bình quân 100-150 hộ/CTV) được hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng từ 2 nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương. Từ năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia kết thúc, CTV dân số chỉ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí địa phương bằng 0,2 hệ số lương cơ sở/người/tháng (khu vực thành thị) và 0,25 hệ số lương cơ sở/người/tháng (khu vực nông thôn) theo quy định tại Nghị quyết số 23/2019/NQ-HĐND ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh.

Thời điểm này, CTV dân số trên địa bàn còn lại 950 người. Song năm 2021, Nghị quyết số 23/2019/NQ - HĐND tỉnh hết hiệu lực, CTV dân số không còn được hỗ trợ bồi dưỡng, chỉ tham gia hỗ trợ hoạt động dân số theo tinh thần tự nguyện.

BR-VT có tổng tỷ suất sinh 1,87 trẻ và là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn cho người dân về việc nên sinh đủ 2 con, không phân biệt con trai hay gái. Qua đó, góp phần bảo đảm duy trì mức sinh thay thế, chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ của CTV dân số càng nặng nề hơn khi mà công tác dân số phải thực hiện đồng bộ nhiều mục tiêu: duy trì mức sinh thấp hợp lý, ổn định cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Do vậy, ngày 5/5/2022, UBND tỉnh đã có tờ trình HĐND tỉnh xem xét, cho chủ trương xây dựng Nghị quyết “Quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số trên địa bàn tỉnh BR-VT” để quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng đối với CTV dân số nhằm thực hiện đạt các mục tiêu mà tỉnh đã đề ra và thực hiện theo quy định Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25/1/2021 của Bộ Y tế. Theo đó, mức hỗ trợ CTV dân số được đề xuất là 500 ngàn đồng/tháng.

“Nếu được thông qua, số tiền trên tuy không nhiều nhưng tiếp thêm động lực cho những CTV dân số hàng ngày vẫn thầm lặng đến từng nhà, gặp gỡ từng trường hợp để tuyên truyền về chính sách DS -KHHGĐ. Công việc không hề nhẹ nhàng, song vì trách nhiệm, tình yêu công việc giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, vun đắp thêm hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình ở địa phương”, ông Tôn Thất Khoa bày tỏ.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

.
.
.