Lựa chọn SGK mới bài bản, chất lượng
Sáng 17/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn chủ trì cuộc họp BCĐ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tại cuộc họp, BCĐ đã thông qua kết quả lựa chọn SGK các lớp: 3, 7, 10 của các Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT đánh giá cao công tác lựa chọn SGK mới của tỉnh. |
Quy trình lựa chọn bài bản
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT về Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, căn cứ đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh, điều kiện tổ chức dạy và học, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về các tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, thành lập 16 hội đồng lựa chọn SGK lớp 10, 12 hội đồng lựa chọn SGK lớp 7, 10 hội đồng lựa chọn SGK lớp 3 cho năm học 2022-2023.
Cùng với các NXB, Sở đã tổ chức giới thiệu các bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho GV các trường phổ thông, nhận bản mềm SGK và chỉ đạo cho các trường TH, THCS, THPT thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn SGK, báo cáo về Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT), Phòng GD-ĐT (đối với cấp TH và THCS). Sở đã tổng hợp danh mục SGK do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, chuyển giao cho Hội đồng lựa chọn SGK, sắp xếp theo thứ tự SGK có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Sau đó, các thành viên Hội đồng thực hiện nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn, ghi nhận xét đánh giá vào phiếu theo 17 minh chứng của 4 tiêu chí theo quy định. Hội đồng tổ chức họp trực tiếp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất và bỏ phiếu kín lựa chọn 1 hoặc một số SGK cho mỗi môn học.
Đối với SGK lớp 3 có 14/45 cuốn được chọn, SGK lớp 7 có 14/45 cuốn được chọn, SGK lớp 10 có 22/57 cuốn được chọn. Trong đó, tiếng Anh lớp 3; Toán, Khoa học Tự nhiên lớp 7; Ngữ Văn lớp 10 có 2 đầu sách được chọn, các môn còn lại đều có 1 đầu sách được chọn. Đây đều là những đầu sách có tỷ lệ chọn trên 50% theo quy định.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết quả lựa chọn 3 bộ sách lớp 3, 7, 10 của các Hội đồng lựa chọn SGK. Sau khi kết quả này được phê duyệt, ngành GD-ĐT cần làm tốt hơn công tác truyền thông để phụ huynh, HS và toàn xã hội hiểu và đồng tình ủng hộ, tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, ngành cần tiến hành rà soát HS khối 3, 7, 10 để có giải pháp hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có đủ SGK trước khi bước vào năm học mới.
Sở GD-ĐT cần chuẩn bị tốt cho việc cung ứng SGK, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sau khi tiếp nhận phải có kế hoạch bài bản nhằm phân bổ xuống từng địa bàn, từng cơ sở giáo dục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu sách, tăng giá sách. Cùng với đó, ngành cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, HS, những phản hồi về việc triển khai chương trình GDPT, SGK mới để có giải pháp phù hợp.
|
Chú trọng chất lượng
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của tỉnh thống nhất thông qua các bộ sách đã được hội đồng lựa chọn.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chia sẻ lo lắng khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh bày tỏ băn khoăn làm sao để “dung hòa” được các bộ SGK, bảo đảm công bằng cho HS trong các kỳ thi. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành GD-ĐT làm rõ lý do giá bộ SGK được Hội đồng của tỉnh lựa chọn cao hơn giá của từng bộ sách mà Bộ GD-ĐT đã công bố…
Làm rõ hơn những nội dung này, ông Lưu Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên, Sở GD-ĐT cho biết, Thông tư 25 không yêu cầu các địa phương chỉ được chọn 1 bộ SGK. Nếu 2 bộ SGK tương đương nhau thì Hội đồng xem xét, cân nhắc, bỏ phiếu kín. Những sách có tỷ lệ chọn trên 50% đều được đề xuất chọn. Do đó, thực tế cùng 1 môn học có thể sẽ có nhiều đầu sách được chọn.
Theo ông Tú, các bộ sách đều đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, bảo đảm kiến thức chuyên môn tương đương nhau theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Chương trình là Pháp lệnh, SGK là tài liệu tham khảo, nên dù học bộ SGK nào thì HS đều phải đạt được kiến thức, kỹ năng cần thiết khi hoàn thành chương trình của từng khối lớp. Vì vậy, việc thi cử, kiểm tra, đánh giá của HS không bị ảnh hưởng mặc dù các địa phương có thể chọn bộ sách khác nhau để triển khai giảng dạy.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng khẳng định: “Chủ trương của Bộ GD-ĐT là “Một chương trình, nhiều bộ SGK”. Nên dù học bộ SGK nào đi chăng nữa thì việc ra đề thi đều phải dựa vào khung chương trình chung của Bộ để bảo đảm sự công bằng cho HS”.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT cho hay, một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục là thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Đây là xu thế của nhiều nước phát triển trên thế giới. TS. Hồ Cảnh Hạnh đánh giá cao công tác lựa chọn SGK của tỉnh, các bộ sách được chọn chiếm tỷ lệ cao, nhiều sách đạt tỷ lệ 100%.
Ông Nguyễn Văn Ba cho hay, giá SGK là 1 trong 17 minh chứng trong 4 tiêu chí chọn SGK của tỉnh. Tuy nhiên, khi tiến hành chọn sách, kể cả NXB và Bộ GD-ĐT không thông tin giá sách cho các hội đồng. Do đó, hội đồng không có căn cứ để cho ý kiến về minh chứng này. Bên cạnh đó, đại diện ngành giáo dục tỉnh nhấn mạnh, BR-VT đi theo xu hướng chọn từng cuốn của từng bộ môn, chứ không lựa chọn trọn vẹn cả bộ sách. Cách làm này nhằm mục tiêu chọn ra những cuốn sách tốt nhất, phù hợp nhất theo các tiêu chí đã đề ra.
Nhất trí với quan điểm này, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cũng cho rằng, giá SGK là một vấn đề cần được quan tâm, tuy nhiên chất lượng sách mới là điều quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng GD-ĐT.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG