.

Lạt mềm buộc chặt

Cập nhật: 19:49, 27/05/2022 (GMT+7)

Trong hôn nhân có trường hợp này không? Chẳng hạn, “một nửa” của mình lại… say đắm người thứ 3? Chuyện này tôi nghĩ là có. Rằng, kỳ cục ghê anh bạn đó với tôi vẫn gặp nhau luôn, bằng không thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm nhau.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Rồi bỗng dưng đến một ngày, không rõ hắn ta biến đi đâu. Gọi điện thoại, lúc nào cũng chỉ nghe ò ý e. Hắn ta gặp sự cố gì chăng. Hỏi, bạn bè, anh em bồ tèo cho biết, thỉnh thoảng vẫn gặp nhưng sau vài câu chào hỏi, hắn ta lủi rất nhanh. Không còn túm tụ lai rai như trước. Tóm lại, hành tung của hắn có gì đó bí mật và “mờ ám” lắm. Đột ngột khuya Chủ nhật vừa rồi, đang chìm trong giấc mộng đẹp, bỗng tôi nghe có tiếng ầm ầm gọi cửa.

Thì ra chính là hắn!

Sau vài câu thăm hỏi, thắc mắc của tôi dần dần được sáng tỏ. Rằng, bạn tôi, con trai trưởng, vốn niềm tự hào của gia đình, dù trẻ nhưng thành đạt sớm, có vai vế trong xã hội. Bấy lâu, ông bố muốn có cháu đích tôn dù vợ chồng hắn đã có 2 con gái. Hắn phân trần: “Bố ơi, ông trời cho sao được vậy. Hơn nữa, quy định chung dành cho cán bộ nhà nước, chỉ có 2 nhóc. Mà con đang “cán bộ nguồn”, đang thuộc diện “quy hoạch”, nếu thêm đứa thứ 3 ắt đường hoạn lộ tắc tị ngay”. Nghe con giải thích vậy, ông bố xuôi xị nhưng buồn rầu lắm.

Nhìn thấy ông bố những thở ngắn tham dài, bạn tôi bèn mạo hiểm muốn “đánh quả”, miễn sao đem về “chiến lợi phẩm” một cậu nhóc. Sau đó, thế nào thì tính tiếp. Ý tưởng làm chuyện “linh động” này, bạn giấu nhẹm, không thể tâm sự, tâm tình để mong vợ “bật đèn xanh”. Khó lắm. Có lẽ do linh cảm hay sao mà cô vợ dạo này càng chăm sóc, yêu thương chồng hơn trước gấp bội phần. Kể đến đây, bạn vỗ đùi cái đét khiến tôi giật mình: “Cậu bị muỗi cắn à?”. Không. Hắn nói rành rọt: “Chết là chỗ đó”. Ngạc nhiên quá, tôi buột miệng hỏi lại: “Nói nghe hay nhỉ? Được vợ cưng chiều, sao lại chết?”.

Qua tâm sự của hắn ta, tôi hiểu ra rằng, một khi người vợ lo lắng, chăm sóc thương yêu rất chu đáo, muốn kiếm chuyện phàn nàn, gây gổ cũng không dễ. Chẳng hạn, cố tình đi nhậu thật khuya, “ra lệnh” bảo vợ đem xe đến đón, nói thì nói thế, nhưng trong bụng mong cô ta mắng sa sả cho vài câu thì tốt quá. Không hề, cô nàng vẫn “vâng dạ” chấp hành ngay. Lúc nào “người ta” cũng ngọt ngào, chăm sóc làm sao gây sự? Rồi lúc có cơ hội “tụt tạt”, chỉ nghĩ đến tình cảm chu toàn của “một nửa”, lại khiến lòng hắn chùng xuống nên không dám. “Phải chi vợ mình nộ khí xung thiên, chửi chó mắng mèo, suốt ngày “hình sự”, ghen bóng ghen gió, chì chiết cấu xé thì biết đâu đó lại là cái cớ tốt để làm hài lòng ông bố?”, bạn tôi thở dài.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, sự cư xử “lạt mềm buộc chặt” ấy mới chính là tuyệt chiêu nhằm giữ chân người chồng/vợ một khi họ “âm mưu” ý định gì đó. Sự yêu thương, chính là cách tốt nhất đánh thức tình cảm mặn nồng đã vun đắp bấy lâu. Nếu chỉ mới nghi ngờ nhưng “đằng đàng sát khí” dẫn đến đôi bên “ăn miếng trả miếng”, ngậu xị lên cho “ra môn ra khoai” ắt thất sách. Dù sự việc có trầm trọng đến cỡ nào, nếu bình tĩnh, vẫn có cách tháo gỡ. Thế mới là “cao cơ”.

Lại có trường hợp là anh bạn X của tôi, thấy lịch “đi công tác” của vợ dạo này càng nhiều. Vài ngày nữa, vợ lại tiếp tục vắng nhà. Mọi việc đã rõ như ban ngày. Có thể cô vợ kiếm cớ du hí đâu đó với ai đó chăng? Qua điện thoại, X hỏi ý kiến của tôi là nên xử lý, chấn chỉnh thế nào? Thú thật, tôi cũng chẳng biết làm sao, chỉ dặn dò rằng, một khi chưa có chứng cớ gì, không nên làm “lớn chuyện”. Lúc cãi cọ nhau, nếu đuối lý chỉ có từ “thua đến thua”. Chớ dại.

Sau đó, X vẫn xem như chưa biết gì cả, vẫn đối xử với vợ bình thường, thậm chí còn tình cảm hơn trước nữa. Những ngày đó, lấy cớ vợ sắp đi công tác xa, hắn ta “chỉ đạo” con gái út đêm nào cũng sang ngủ chung với mẹ. Hai mẹ con tha hồ tíu tít tâm sự. Một khi tình mẫu tử được khơi dậy, cũng là lúc nhắc nhở người phụ nữ về trách nhiệm làm mẹ.

Chưa hết, sáng mai là ngày vợ đi xa, đêm đó X còn thức khuya, tự tay mình sửa soạn vali. Đã thế, hắn ta còn mua thêm những loại thuốc nhức đầu, cảm cúm và không quên ghi thêm những lời dặn dò. Lúc vợ về, hắn lại chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ cho bù lại những ngày vắng nhà. Kỳ diệu thay, chẳng rõ cụ thể vì lý do gì mà sau đó, hắn tâm sự với tôi là chẳng còn thấy vợ… “đi công tác” nữa. Tại làm sao? Trả lời câu hỏi này, có lẽ chính “đương sự” mới biết rõ nhất, chẳng việc gì phải suy luận. Mục đích của X là muốn nếp nhà không xáo trộn, vì còn rất yêu vợ. Hơn nữa, hắn chưa biết rõ ràng cụ thể sự việc, chẳng nhất thiết phải làm to chuyện.

Có lẽ, khi thấy sự thể hiện yêu thương của “một nửa” rồi vì ràng buộc tình cảm với nhau khiến người ta giật mình nghĩ lại. Với sự tự giác ấy, rõ ràng nó hiệu quả hơn bất kỳ áp đặt nào. Từ đó, có thể kéo người đang “say nắng” quay về, sau những phút “thăng hoa”.

Tôi nghĩ rằng, nhiều đôi vợ chồng cũng trong trường hợp éo le này, nhưng xin nhớ cho “nguyên tắc”: Hễ chưa “bắt được tay” thì chớ nên “chụp mũ” một cách ồn ào. Thay vào đó, ta hãy có thái độ quan tâm nhiều hơn, cư xử đúng mực hơn, thì có thể thay đổi tình thế. Nói như thế không phải “lạc quan chủ nghĩa” mà bất kỳ ai khi “tụt tạt”, “say nắng” thì cũng có một “ba-ri-e” của sự giới hạn vẫn là mái ấm đang có. Nếu tỉnh táo khôn ngoan thì dù có mê đắm người thứ 3 đến cỡ nào, họ cũng không dại gì đánh đổi. Do đó, ta không nên tạo điều kiện cho họ có cái cớ “mạnh ai nấy đi” bằng cách làm ồn ào khiến họ mất mặt. Mà, không có chứng cứ gì rõ rệt cả.

Theo tôi biện pháp “lạt mềm buột chặt” này mới là “cao cơ”.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.