HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG (TỪ 29/4 ĐẾN 6/5)

Phủ nước sạch đến vùng nông thôn

Thứ Năm, 05/05/2022, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Đưa nước sạch đến người dân vùng nông thôn là mục tiêu quan trọng mà tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua. Đến nay, gần 85% người dân vùng nông thôn đã được tiếp cận nước sạch.

Người dân xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) vui mừng khi được sử dụng nước sạch.
Người dân xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) vui mừng khi được sử dụng nước sạch.

Người dân nông thôn không lo thiếu nước sạch

Người dân ấp Tân Rú (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) trước đây muốn có nước sử dụng phải tự đào hoặc khoan giếng rồi lắng phèn. Điều này không chỉ bất tiện cho người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe do nguồn nước chưa bảo đảm vệ sinh.

Ông Lý Văn Sáng, người dân ấp Tân Rú chia sẻ: “Nước giếng đào hoặc giếng khoan thì mùa mưa nước đục, mùa khô nước cạn. Nhiều năm mưa muộn chúng tôi không có nước sử dụng. Vài năm gần đây nước bị phèn, lọc rồi mà cũng không dùng được nên hầu như nhà nào cũng phải mua nước đóng chai”.

Cuối năm 2021 đến nay, nhờ có công trình cấp nước sinh hoạt, nước được dẫn tới tận nhà, bảo đảm vệ sinh và an toàn cho sức khỏe cả gia đình. “Người dân trong ấp ai cũng phấn khởi và luôn nhắc nhở nhau bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước để sử dụng lâu dài”, ông Sáng nói.

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép từ các chương trình khác, nhiều hộ dân đã nhanh chóng được tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn bảo đảm vệ sinh môi trường. 

Bà Trần Thị Hà (ấp 2 Đông, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết, gia đình bà là 1 trong hơn 800 hộ được vay 20 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường ống nước đã bị hư hỏng và xây mới công trình vệ sinh từ năm 2020. “Sau khi nhận được khoản vay, gia đình tôi đầu tư mua dây dẫn, bồn chứa nước dung tích lớn, kết hợp xây dựng công trình vệ sinh khép kín nhà tắm, nhà tiêu, bảo đảm đạt chuẩn nông thôn mới”, bà Hà nói.

Để đáp ứng những nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn cũng như có một chiến lược phát triển lâu dài cho cấp nước nông thôn, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở quy hoạch cấp nước được phê duyệt, Trung tâm NSVSMTNT tỉnh đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 3 nhà máy nhà nước mặt (Đá Bàng, Sông Hỏa và Sông Ray); nâng cấp 2 nhà máy (Châu Pha, Hòa Hiệp) với công suất cấp nước toàn Trung tâm lên 54.300m3/ngày đêm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các hộ dân nông thôn, các KCN, khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quản lý. Song song đó, trung tâm cũng ngừng hoạt động 15 nhà máy nước ngầm, chuyển đổi công năng sử dụng thành các trạm tăng áp, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Nhờ đó, nước sạch đã dần được phủ khắp vùng nông thôn.

Nối thêm tuyến ống và bảo vệ nguồn nước

Ông Phạm Bình Phương Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) tỉnh cho biết, hiện nay toàn bộ hệ thống tuyến ống được nối mạng, đảm bảo cấp nước 24/24h phục vụ người dân nông thôn. Tính đến cuối tháng 4/2022, trung tâm đã xây dựng được 2.907km, trong đó tuyến ống chuyển tải từ D150-D500 là 562 km; tuyến ống phân phối từ D60-D150:2.345km.

Từ đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên toàn tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế cũng được nâng cao với 102.983 hộ dân vùng nông thôn được tiếp cận nước sạch, đạt 84,9% tăng 0,9% so tháng 12/2021. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn 40 xã, phường, thị trấn do trung tâm quản lý, cấp nước đạt 81,73%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực NSVSMTNT. Trong đó, tập trung rà soát, khắc phục công trình chưa hoạt động và triển khai thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch lên 99% hộ dân nông thôn với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày.

Ngoài ra, BR-VT cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nước tại khu vực nông thôn. Theo đó, đối với các địa phương có số lượng hộ dân chăn nuôi cao như TX. Phú Mỹ và các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức thì tiến hành rà soát hiện trạng và thực hiện quy hoạch phù hợp với thực tế, di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, tách các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, bảo đảm việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh. Đối với địa phương có nhiều hộ gia công, sơ chế, chế biến hải sản (huyện Long Điền) thì tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, Sở đã và đang vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên nước để theo dõi, giám sát nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư quan trắc môi trường tự động kịp thời theo dõi và đưa ra các cảnh báo để ứng phó, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước.

Bài, ảnh: QUANG VŨ 

 
;
.