.

Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau

Cập nhật: 19:30, 22/04/2022 (GMT+7)

Truyện Kiều có câu: “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Ý muốn nói, dù thể hiện lòng yêu thương, nhưng thật ra cách đó chỉ đem lại sự phiền toái, còn hơn cả phụ nhau nữa. Điều oái ăm ở chỗ là người thể hiện lòng thương ấy không biết, mà người tiếp nhận lại phải chịu đựng.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Éo le cho cái sự đời. Chẳng hạn, thông thường, hằng đêm, vợ chồng ngủ chung nhau là lẽ thường tình, nhưng rồi có lúc người ta phải… chọn phương án nằm riêng, mạnh ai ấy ngủ. Vì sao như thế? Có phải do nhà cửa chật chội, con cái đã lớn, thôi thì mình ngủ riêng cũng được; hoặc do bữa ấy có khách từ quê vào chơi, tạm trú dăm ngày? Những lý do này, ai ai cũng cảm thấy cần thiết và hợp lý nữa. Tuy nhiên, không phải thế mà vì lý do lý trấu khác nên mới oải trời đậu.

Khi tôi dò hỏi thì nhiều đấng mày râu cho biết “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Không rõ từ bao giờ, chị bạn tôi đã “cấm cửa” không cho chồng nằm chung nữa, sở dĩ tôi biết là do chồng của chị vốn là bạn thân của tôi kể lại. Anh cho biết, thật khó xử, khó nói vì thỉnh thoảng lúc đang ngủ lại bị cô vợ đành thức dậy và… mời ra khỏi giường.

Sau dăm ba lần như thế, đến một ngày đẹp trời, cô quy định chỗ ngủ của anh lại là… ghế sa lon nơi phòng khách. “Chà, gay go quá nhỉ, sao không hỏi cặn kẽ, làm cho “ra môn ra khoai”, chứ ai đời vợ chồng lại như thế này?”.

Sau khi nghe tôi thốt lên một cách ngạc nhiên, anh cười méo xẹo rồi trả lời: “Biết là thế, nhưng lỗi tại tớ”. Tôi hỏi gặng: “Có lỗi thì nhận lỗi. Ông bà ta nói “Có lỗi thì sửa, có chữa thì đẻ”, mọi việc dễ dàng thôi, nếu mình thành tâm nhận và sửa lỗi”. Anh bạn gật gù, vì nghe tôi có có lý quá. Rồi, anh cười: “Biết thế, nhưng thật khó sửa vì lúc ngủ, tớ ngáy ầm vang nên cô vợ thường xuyên mất ngủ”. À, ra thế.

Thế mà lâu nay, khi cô vợ đề nghị anh ngủ riêng thì anh lấy cớ thương vợ nên không chấp nhận. Cái sự thương này đã dẫn đến tình trạng là bấy lâu nay cô vợ mất ngủ trầm trọng, hiệu quả công việc giảm sút trầm trọng. Vậy, bấy lâu nay, anh cứ nghĩ như vậy mới là thương vợ.

Chà, cứ lấy cớ “thương nhau như thế” có phải là “bằng mười phụ nhau” đấy chứ? Rõ ràng, trong trường hợp này, có lẽ phải nhờ đến bác sĩ chuyên khoa, chứ kéo dài rõ ràng không ổn về sức khỏe lẫn tình cảm vợ chồng nữa.

Trường hợp này cũng dễ thôi. Nếu cả hai cùng “đồng tâm hiệp lực” giải quyết sự cố éo le đó. Còn chuyện này mới là khó đây. Chuyện gì? Mấy anh bạn trăng hoa, có tính bay bướm của tôi đều thú thật rằng, một khi đã bị vợ phát hiện, họ vẫn sợ nhất là lúc cả hai vào giường ngủ. Tất nhiên, họ không nói với nhau nửa lời, vì vợ đang giận chồng.

Vậy mình yên tâm ngủ? Ừ, ngủ thì ngủ, chứ nào ai cấm. Rồi, đang ngủ ngon, bỗng dưng anh chồng thấy mình bị lay dậy. Ai lay? Cô vợ đang nằm cạnh. Bấy giờ, giữa đêm hôm trăng thanh gió mát, bốn bề yên tĩnh thì cô mới bắt đầu “đọc truyện đêm khuya”.

Chuyện về người chồng ba lăng nhăng mà câu hỏi tung ra hàng loạt, đại khái, anh quen cô ta từ bao giờ, nhà cửa ở đâu, nghề ngỗng gì, quen lâu chưa, chồng con cô ta thế nào, thường dẫn nhau hú hí nơi nào? Ối dào, hàng loạt câu hỏi cứ nhỏ nhẹ mà cương quyết mà rành rọt từng câu.

Trả lời hay thực hiện theo phương án “im lặng là vàng”? Đố đấy. Trả lời cũng dở mà nín thì cũng không xong? Vậy phải làm sao đây hỡi trời cao đất dày mà đêm thì đã khuya, mà cơn buồn ngủ đang đè trĩu mắt? Thôi thì, chi bằng mình cứ gật đầu cho xong, chứ “hành hạ” kiểu này, ai mà chịu nổi?

Ngược lại có người vẫn “im như thóc”, cứ chối phắt. Do đó, cái vụ “đọc truyện đêm khuya” đã kéo dài cho đến tận rạng sáng. Vậy, tình huống này lặp đi lặp lại thì sao? Thì cả vợ lẫn chồng đều mệt mỏi như nhau, hễ vào cơ quan thay vì vui vẻ, hoạt bát cùng các đồng nghiệp thì họ chỉ ngáp ngắn ngáp dài. Trước tình trạng này, có người bảo, chẳng thà như thế vì họ còn thương chồng, muốn giữ chồng nên phải dùng “biện pháp mạnh” đặng giữ chồng. Hỡi ôi, cũng là thương nhưng cách thương này xét ra chẳng tích cực chút nào.

Ai cũng thừa biết rằng, còn yêu thì còn ghen, còn ghen thì còn “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Thế nhưng cách “cắn” thế nào để “nửa kia” nhận ra khiếm khuyết của mình nhưng không… hao mòn sức khỏe vì mất ngủ mới là “cao cơ”.

Ông bà ta dạy rằng: “Được ăn được ngủ là tiên”. Thế nhưng vì mình quá thương lại khiến “nửa này” mất ngủ trầm trọng thì không còn gọi là thương. Mà, tên gọi chính xác của nó là “hành hạ” nhau. Một khi sự thể đã đến nước này thì chuyện “phụ nhau” ắt không chóng thì chầy.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.