Canxi thường bị “hàm oan” là nguyên nhân khiến sỏi thận phát triển nhanh, trong khi thực tế cần duy trì đủ khoáng chất này trong chế độ ăn hàng ngày của người bị sỏi thận để hạn chế sỏi tái phát.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh tại phòng Khám tiết niệu. |
TS.BS Đỗ Anh Toàn, Trưởng khoa Phẫu thuật Điều trị Sỏi thận Chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng là loại bệnh có tỉ lệ tái phát cao, khoảng 35% sau 5 năm, 50-75% trường hợp người bệnh sẽ có tái phát sỏi sau 10 năm. Vì vậy, bệnh nhân cần biết là không phải mổ xong sỏi là có thể yên tâm đã thoát khỏi bệnh mà trong nhiều trường hợp cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng để kiểm soát sỏi tái phát.
Sỏi thận thường dễ hình thành ở nhóm người bệnh có nước tiểu chứa quá nhiều các tinh thể như: canxi, phosphate, acid uric, oxalate, purin,... Trong đó loại sỏi chiếm tỉ lệ nhiều nhất là sỏi canxi oxalat, thường gặp ở 60-70% người bị sỏi tiết niệu.
Không phải cứ bị sỏi thận là kiêng canxi
Theo Th.S, Bác sĩ Nguyễn Xuân Chiến, khoa Phẫu thuật Điều trị Sỏi thận Chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân, nhiều người cho rằng, không nên ăn thức ăn nhiều canxi vì dễ tạo sỏi thận. Do đó có người sỏi thận thậm chí không dám ăn canh cua, hải sản… Thật ra đây là quan niệm không đúng, bởi đối với người bị sỏi canxi oxalat, loại sỏi thường gặp nhất trong các loại sỏi tiết niệu, thì chế độ ăn thiếu canxi sẽ khiến lượng oxalate thải ra nước tiểu người bệnh nhiều hơn, từ đó tăng khả năng tạo sỏi lắng đọng ở thận.
Bác sĩ nhấn mạnh, mọi người đặc biệt người bệnh bị sỏi canxi oxalat cần giữ chế độ ăn có lượng canxi đủ, không kiêng khem quá mức. Canxi sẽ kết hợp với oxalate trước khi đến thận, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh bị sỏi canxi oxalate không nên ăn nhiều các thực phẩm giàu oxalate, chẳng hạn một số loại quả mọng như: dâu tây, mâm xôi, nho, kiwi, cam, mận; các loại rau, củ như: rau cải bó xôi, đậu bắp, củ cải, cà tím, khoai lang, bí, cà chua, cà rốt. Người bệnh cũng nên tránh ăn nhiều các loại đậu, hạnh nhân, hạt điều, đậu phụng, thức uống pha rượu mạnh với hoa quả, nước trái cây (trừ nước chanh) vì có hàm lượng oxalate cao. Người bị sỏi canxi oxalat có thể dùng các sản phẩm từ sữa, chuối, dưa lưới, xà lách, cải thìa, súp lơ, đu đủ, ớt chuông.
Ăn đúng để phòng sỏi tiết niệu
Chế độ ăn phòng ngừa chung cho các loại sỏi tiết niệu, bao gồm sỏi thận là nên uống 2.5-3 lít nước mỗi ngày, chia đều lượng nước uống trong ngày, uống thức uống có độ pH trung tính (như nước lọc). Ăn nhiều rau và chất xơ, duy trì lượng canxi khoảng 1-1.2g (1.000-1.200mg) mỗi ngày. Hạn chế dùng muối, sử dụng đạm động vật vừa phải. Tập luyện thể dục, duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn bình thường. Việc phòng ngừa riêng cho từng loại sỏi sẽ cần thêm các đánh giá chuyên sâu và tư vấn từ các bác sĩ tiết niệu.
Xét nghiệm phân chất sỏi hỗ trợ phòng ngừa, điều trị sỏi tái phát
Bác sĩ Đỗ Anh Toàn cho biết, ngày nay, bên cạnh việc phát triển các phương pháp lấy sỏi tiên tiến, ít xâm lấn, triển khai xét nghiệm phân chất sỏi giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị, phòng ngừa phù hợp.
Sỏi niệu sau khi lấy ra khỏi cơ thể có thể được đem đi xét nghiệm phân chất sỏi, từ đó các bác sĩ đưa ra tư vấn điều trị và phòng ngừa hình thành sỏi mới cho người bệnh.
Nếu phát hiện sỏi dạng hợp chất canxi oxalat monohydrate và brushite là những loại sỏi cứng và khó bị tán vỡ bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể thì khi cần điều trị tiếp theo, bác sĩ có thể chọn phương pháp phẫu thuật như nội soi lấy sỏi qua da hoặc nội soi niệu quản - bể thận ngược dòng và dùng laser bắn vỡ sỏi. Loại sỏi này gặp ở 60%-70% trường hợp sỏi tiết niệu và có thể kiểm soát sự phát triển thông qua chế độ ăn uống.
Nếu phát hiện sỏi dạng axit uric là loại sỏi vốn hình thành trong nước tiểu có tính acid thì có thể dùng thuốc kiềm hóa nước tiểu, giúp hòa tan sỏi này và ngăn ngừa sỏi mới hình thành. Thuốc cần được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn, tránh trường hợp nước tiểu quá kiềm lại tăng tạo loại sỏi khác. Loại sỏi này gặp ở 10-20% người mắc sỏi niệu và có nguy cơ tái phát cao. Người bệnh không nên ăn quá nhiều các thực phẩm giàu đạm, purin như: thịt bò, các loại thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, cá cơm, cá mòi, tôm, tép, nấm, bia...
Sỏi canxi phosphate, sỏi struvite là loại sỏi dễ hình thành trong nước tiểu có tính kiềm, điều này thường xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường xuyên. Bác sĩ có thể kê thuốc để người bệnh kiểm soát tình trạng này và điều trị các nhiễm khuẩn niệu nếu có.
Sự hiện diện của một số loại tinh thể có thể gợi ý sự tồn tại của một bệnh tiềm ẩn. Ví dụ, sỏi canxi phosphate thường gặp ở người bệnh cường tuyến cận giáp nguyên phát và nhiễm toan ống thận xa. Sỏi struvite hình thành khi có nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi axit uric phổ biến hơn ở những người đái tháo đường, gout, béo phì.
Theo bác sĩ Toàn, hai nhóm người bệnh nên thực hiện phân chất sỏi là người đã bị sỏi thận và trẻ em bị sỏi thận. Lặp lại phân chất sỏi ở bệnh nhân khi sỏi tái phát mặc dù đã dự phòng bằng thuốc, tái phát sớm sau khi đã điều trị hết sỏi, tái phát muộn sau một thời gian dài không bị sỏi vì thành phần sỏi có thể đã thay đổi.
Bài, ảnh: TRẦN NHUNG