Thời tiết khu vực Nam Bộ đang ở thời điểm cuối mùa khô và sắp chuyển sang mùa mưa, thời tiết giao mùa sẽ là điều kiện cho vi rút, vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đây là nguyên nhân khiến cho trẻ em dễ bị nhiễm bệnh. Vì thế, các bậc phụ huynh nên thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ nếu có dấu hiệu bất thường thì cần nhanh chóng đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu khám bệnh cho bệnh nhân nhi. |
Biến chứng nguy hiểm
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện có nhiều trẻ nhỏ đang phải điều trị tại các bệnh viện do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, sốt siêu vi, sốt xuất huyết… Trong đó có những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Đơn cử như bé Võ Ngọc An Nhiên (7 tháng tuổi, ở ấp Nhân Tiến, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) điều trị bệnh viêm phổi nặng tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) từ ngày 1/4 đến nay. Chị Lê Thị Ngọc Ánh, mẹ bé An Nhiên cho biết, ban đầu bé chỉ có dấu hiệu ho nhẹ, hay ói sau khi bú mẹ. Nhưng cách sau đó mấy tiếng đồng hồ, biểu hiện bệnh của bé nặng hơn như: chân tay tím tái, ho nhiều, thở nhanh và lõm lồng ngực. Khi đó gia đình mới tức tốc đưa bé đến Bệnh viện Bà Rịa khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. “Lúc đầu tôi nghĩ con bị bệnh do thời tiết nóng nực, nhưng bệnh trở nặng nhanh, làm tôi rất lo lắng. Trong thời gian điều trị tại Khoa Nhi, con tôi được truyền dịch, chích thuốc và thở khí dung nên sức khỏe của cháu hiện nay đã ổn định”, chị Ánh nói.
Hoặc như trường hợp của bé trai 10 tuổi (đường 30/4, TP.Vũng Tàu) bị sốt xuất huyết, khi vào Bệnh viện Vũng Tàu điều trị thì bệnh của em đã rất nặng. Theo người nhà bệnh nhi, bé có dấu hiệu ói, sốt cao trong 5 ngày nhưng tự điều trị tại nhà mà không thuyên giảm. Đến khi bệnh có dấu hiệu xấu, người nhà mới đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu. Khi vào bệnh viện, chân tay của bệnh nhân lạnh, không bắt được mạch và huyết áp. Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) thông tin thêm: “Bé trai nói trên nhập viện ngày 8/4, cháu bị sốt xuất huyết nặng, đây là thể bệnh rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Với ca bệnh này, Khoa Nhi có năng lực chữa trị được, nhưng do yêu cầu của phụ huynh, nên chúng tôi đã chuyển em lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục điều trị”.
Phòng tránh bệnh chuyển nặng
Theo các bác sĩ nhi, thời tiết khu vực Nam Bộ sắp chuyển vào mùa mưa. Ở thời điểm giao mùa như hiện nay, trẻ em rất dễ nhiễm bệnh, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi, với hệ miễn dịch chưa cao. Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay, phụ huynh nên cẩn thận với các bệnh viêm não, bởi hiện nay chỉ có viêm não Nhật Bản mới có vắc xin phòng ngừa, các bệnh viêm não khác là biến chứng của bệnh liên quan đến đường ruột, tay chân miệng… vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Phụ huynh nên giữ cho trẻ luôn sạch sẽ, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoa học và hợp lý. Qua đó, giúp trẻ tăng sức đề kháng, hạn chế mắc bệnh về đường ruột và tay chân miệng.
Để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với những bệnh đã có vắc xin phòng ngừa; đồng thời chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, chăn gối, đồ chơi của trẻ, hạn chế các tác nhân gây bệnh; hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp; hướng dẫn trẻ những bài tập vận động phù hợp với lứa tuổi, nâng cao sức khỏe cho trẻ. |
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Trang, cùng với dịch bệnh COVID-19, phụ huynh nên chú ý đến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở trẻ em. Đây là những bệnh có biến chứng nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Trong đó, bệnh tay chân miệng có các biến chứng như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Bệnh sốt xuất huyết có biến chứng như: suy tim, suy thận, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê… Ngoài những bệnh đáng lưu tâm ở trên, trong giai đoạn chuyển giao thời tiết, trẻ em cũng dễ mắc những bệnh khác như: cảm lạnh, cảm cúm, sốt rét, các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, tiêu chảy, viêm da…
Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chuẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, vì rất có thể làm cho bệnh tiến triển nặng hơn, đe dọa tính mạng của trẻ.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM